Charles Shey Wiysonge, Cố vấn Khu vực về Tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết bệnh lao hiện là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Bệnh do vi khuẩn Mycobacteria gây ra, lây nhiễm trên khoảng 2 tỷ người, trong đó 5-10% có thể là nguồn lây. WHO thống kê gần 10,6 triệu người mắc các dạng bệnh lao và 1,6 triệu ca tử vong do lao vào năm 2021.
Hiện, thế giới chỉ có vaccine Bacille Calmette-Guérin (BCG) phòng bệnh lao, được sử dụng lần đầu tiên cách đây khoảng 100 năm. Tuy nhiên, vaccine ít hoặc không có hiệu quả ở nhóm thanh thiếu niên và người lớn, trong khi bệnh nhân lao phổi độ tuổi này là nguồn lây truyền bệnh chính.
Thực trạng nói trên đặt ra yêu cầu phát triển vaccine mới, song đến nay chưa có ứng viên nào được phê duyệt. Ông Wiysonge đánh giá vaccine khó nghiên cứu do vi khuẩn gây bệnh phức tạp, có khả năng lẩn tránh hệ thống miễn dịch của con người. Khoa học còn hạn chế, chưa rõ nên làm thế nào để kích thích cơ thể sinh đề kháng với mầm bệnh. Do đó, quá trình nghiên cứu kéo dài hơn.
Theo giáo sư Frank Cobelens, Đại học Amsterdam và Viện Sức khỏe và Phát triển Toàn cầu Amsterdam (AIGHD), Hà Lan, nghiên cứu và phát triển vaccine lao còn bị cản trở do hạn chế kiến thức về phản ứng miễn dịch bảo vệ, thiếu khả năng dự đoán hiệu quả ở người và thiếu tương quan giữa tính sinh miễn dịch và khả năng bảo vệ. Bên cạnh đó, nhiều nhà phát triển không nắm rõ liệu vaccine có hiệu quả hay không cho đến khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng, khiến cho quá trình nghiên cứu rủi ro, chi phí cao.
Ba loại vaccine lao đang thử nghiệm
Hiện thế giới có khoảng 20 ứng viên vaccine đang được phát triển. Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (Gavi) đánh giá có 3 ứng viên tiềm năng, gồm:
M72: Trong thử nghiệm giai đoạn 2b tiến hành tại Kenya, Nam Phi và Zambia, M72 có hiệu quả bảo vệ khoảng 50% chống lại bệnh lao. WHO đánh giá đây là kết quả chưa từng có trong nhiều thập kỷ nghiên cứu vaccine lao, đột phá khoa học quan trọng.
VPM1002: Vaccine này dựa trên BCG đã cải tiến. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2a ở trẻ sơ sinh và người lớn khỏe mạnh cho thấy VPM1002 có độ an toàn tốt và khả năng sinh miễn dịch cao. Một thử nghiệm giai đoạn 2b ở trẻ sơ sinh phơi nhiễm hoặc không phơi nhiễm HIV cũng cho thấy vaccine an toàn hơn so với BCG. Hiện, VPM1002 đang thử nghiệm giai đoạn ba để đánh giá thêm khả năng ngăn ngừa, chặn bệnh lao tái phát hoặc nhiễm trùng vi khuẩn lao kéo dài.
MTBVac: Vaccine sử dụng chủng vi khuẩn gây bệnh đã giảm độc lực, biến đổi gene, dành cho thanh thiếu niên và người lớn. Theo đại diện nhà sản xuất, MTBvac đã chứng minh khả năng sinh miễn dịch và an toàn trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai, dự kiến tiếp tục thử nghiệm giai đoạn ba trên người trong năm 2024.
Các chuyên gia dự đoán có thể mất thêm 3 năm nữa để có một vaccine được phê duyệt. Trong lúc chờ đợi, cộng đồng khoa học còn cần chuẩn bị rất nhiều nghiên cứu, dữ liệu xin cấp phép.
Chi Lê (Theo Conversation, WHO, Gavi)