Giày không vừa chân. Giày quá chật, gây áp lực lên các dây thần kinh ở bàn chân là một trong những nguyên nhân cơ bản gây tê chân. Do đó, runner cần chọn một đôi giày phù hợp với hình dáng bàn chân. Người có chân dày và rộng nên chọn giày có phần mũi rộng. Chuyên gia tư vấn nên chọn một đôi giày có kích thước lớn hơn khoảng 1/2 đến 1 size so với size giày bình thường.
Thắt dây giày quá chật. Trường hợp runner thắt dây và buộc dây giày quá chật cũng gây tê chân. Nhiều người thường kéo dây buộc chặt hơn để vừa khít mắt cá chân, nhưng điều nàycó thể tác động đến các dây thần kinh ống cổ chân phía trước. Những người có bàn chân vòm cao dễ gặp tình trạng này.
Runner cần nới lỏng dây buộc quanh mắt cá chân, thử nghiệm các kỹ thuật thắt dây khác nhau để giày vừa khít chân mà không tạo áp lực quá mức lên phần mu bàn chân. Việc lót đệm dưới lưỡi gà giày cũng có thể hữu ích.
Cách chạy chưa phù hợp. Đôi khi, cách chạy của một người cũng có thể gây ra áp lực lên các dây thần kinh và gây tê chân như sải chân quá đà, tiếp đất bằng gót chân trước... Các chuyên gia khuyên runner nên rút ngắn sải chân và tập trung tiếp đất bằng đế giữa. Chạy như thể đang bước trên than nóng, chuyển động nhẹ nhàng và nhanh chóng.
Việc điều chỉnh thói quen chạy quá sức giúp runner tiết kiệm năng lượng và giảm nguy cơ bị nẹp ống chân. Chuyên gia vật lý trị liệu hoặc huấn luyện viên chạy bộ có thể hỗ trợ VĐV điều chỉnh cách chạy khi cần thiết.
Cấu tạo chân. Cấu tạo bàn chân có thể là nguyên nhân khiến chân bị tê khi chạy bộ. Điều này đúng với những người bị hội chứng bàn chân bẹt. Ở những người này, mặt lòng bàn chân bằng phẳng, không lõm, dây thần kinh dễ bị chèn ép. Để khắc phục tình trạng này, runner nên tới gặp các bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu. Các bác sĩ có thể hướng dẫn runner về các dụng cụ chỉnh hình, đơn cử miếng lót giày chỉnh hình hỗ trợ.
Tập luyện quá sức. Nếu runner bắt đầu chạy đã dồn hết sức, hoặc đột ngột tăng cường độ và quãng đường chạy thường xuyên có thể dẫn đến chấn thương cơ. Chấn thương cơ bàn chân thường khiến mô sưng lên, đè lên dây thần kinh.
Căng cơ. Các cơ cứng, không linh hoạt tạo áp lực lên các dây thần kinh ở bàn chân. Lưng VĐV có thể bị cong về phía trước, gây áp lực lên dây thần kinh tọa, thường gây ngứa ran và tê ở chân và bàn chân. Có nhiều cách để giảm bớt tình trạng căng cơ. Runner nên dành vài phút để khởi động trước khi bắt đầu chạy để thả lỏng cơ bắp và sẵn sàng chạy. Sau khi chạy, runner cũng nên tập các bài kéo giãn cơ.
Nếu dễ bị căng cơ, runner có thể tập các bộ môn bổ trợ để tăng cường sự linh hoạt, như yoga. Runner cũng có thể sử dụng dụng cụ để massage tại những khu vực cơ bị căng cứng tác động đến các dây thần kinh, bao gồm cơ tứ đầu đùi, bắp chân, gân kheo và dải chậu.
U thần kinh. U thần kinh Morton có thể là lý do gây tê chân. Tình trạng dễ nhận thấy là đau chân, xảy ra khi một dây thần kinh hoặc dày lên do mô sẹo. Khu vực u thần kinh thường phát triển là khoảng trống giữa ngón chân thứ ba và thứ tư, hoặc giữa ngón chân thứ hai và thứ ba. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở những phụ nữ đi giày không vừa trong thời gian dài.
Việc sử dụng miếng lót chỉnh hình theo chỉ định của bác sĩ có thể giúp giảm kích ứng bằng cách nâng và tách xương, giảm áp lực lên dây thần kinh.
Bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên. Nguyên nhân nghiêm trọng gây tê chân là viêm dây thần kinh ngoại biên. Những triệu chứng của bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên sẽ bắt đầu bằng hiện tượng ngứa ran ở tay và chân. Sau đó, mới xuất hiện các triệu chứng như tê và mất cảm giác ở ngón tay hoặc ngón chân khi bị tác động lên. Đối với một số người, tê chân hoặc ngứa ran ở chân cũng là dấu hiệu cho thấy họ mắc bệnh đái tháo đường. Do đó, runner nên đi thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Hoài Phong
(Theo Verywellfit)
Để có thêm động lực luyện tập, runner có thể chọn những cuộc đua cự ly ngắn hoặc cuộc đua không đặt nặng vấn đề thành tích, chuyên môn. Hiện nay trên nền tảng V-Race có giải chạy ảo FPT 35 năm - Dấu chân hạnh phúc, có quy định không quá khắt khe về mặt thời gian, không gian chạy.