Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế ngày 8/2, số ca cúm tăng từ cuối 2024 và trong dịp tết Nguyên đán 2025. Tuy nhiên, số tăng song không đột biến so với cùng kỳ hàng năm. Các tác nhân gây cúm chủ yếu là A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Lý giải nguyên nhân, Cục Y tế dự phòng cho biết điều kiện thời tiết hiện thuận lợi cho mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp sinh sôi, với khí hậu gió mùa, nồm ẩm... Bên cạnh đó, đây cũng là dịp nhiều lễ hội đầu năm diễn ra. Nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, người dân tập trung đông tại các địa điểm du lịch, vui chơi, tăng nguy cơ lây nhiễm.
Cúm là bệnh truyền nhiễm virus cấp tính đường hô hấp, thường gây ho nặng và kéo dài. Thông thường, bệnh nhẹ và có thể hồi phục sau 2-7 ngày. Ở nhóm trẻ em, người già, có bệnh mạn tính, thai phụ... cúm có thể biến chứng viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết.
![Một bệnh nhân cúm nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vào tháng 2. Ảnh: BVCC](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/10/anh-vaccine-p1-1739149285-2649-1739149511.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PtCkRsmTfsDT2-l37gZWeg)
Một bệnh nhân cúm nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vào tháng 2. Ảnh: BVCC
Thời gian qua, nhiều cơ sở y tế ghi nhận số ca cúm tăng. Ví dụ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân cúm, nhiều ca biến chứng nặng. Các bệnh viện Bạch Mai, Bệnh Nhiệt Đới Trung ương và Lão khoa Trung ương điều trị nhiều trường hợp bị sốt cao kéo dài, ho, khó thở do mắc cúm. Tại khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội trong tháng 1, số ca cúm tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ca nặng tăng 32%.
"Số nhiễm gia tăng còn do người dân xem nhẹ phòng ngừa", PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết. Triệu chứng ban đầu gồm sốt, ho, đau họng, dễ nhầm lẫn với triệu chứng cảm lạnh thông thường. Do đó, người dân chủ quan cho rằng bệnh nhẹ, làm chậm trễ thời gian phát hiện và điều trị.
Mặt khác, một số người dân vẫn tự dùng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus điều trị. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định khiến bệnh dễ biến chứng, từ đó bệnh dễ lây lan trong cộng đồng. Một nhóm khác cho rằng nhiễm bệnh sẽ khỏe hơn, vì vậy không thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác như rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh...
Với vaccine, hiện nhiều quốc gia đưa mũi cúm, thủy đậu vào chương trình miễn phí toàn quốc hoặc thanh toán bảo hiểm y tế. Tại Việt Nam, vaccine cúm chỉ có ở tiêm chủng dịch vụ, vaccine sởi tiêm cho trẻ nhỏ trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) hoặc trẻ em khi có các đợt chiến dịch. Lý do, nguồn lực của ngành y tế còn hạn chế, dân số đông, triển khai hơn 10 loại mũi tiêm trong chương trình TCMR là nỗ lực rất lớn của ngành Y tế và Chính phủ. Vì vậy, việc phòng bệnh bằng vaccine còn phụ thuộc vào nhận thức và khả năng tài chính của người dân.
PGS Trần Đắc Phu cảnh báo bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm, đặc biệt nhóm nguy cơ cao như: người suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, trẻ nhỏ, thai phụ. Nhóm này đồng thời dễ gặp biến chứng nặng, thường gặp nhất là viêm phổi do cúm hoặc bội nhiễm thứ phát do vi khuẩn.
Ngoài ra, ông Phu đánh giá năm 2025 vẫn tiếp tục nằm trong chu kỳ dịch sởi 5 năm một lần, sau chu kỳ 2014-2015 và 2019. Bệnh có thể tiếp tục gia tăng khi không thực hiện tiêm chủng quyết liệt.
Vì thế, chuyên gia khuyến cáo sử dụng thêm vaccine trong tiêm chủng dịch vụ để phòng bệnh. Các mũi tiêm giúp giảm gánh nặng về tài chính, điều trị do giảm nguy cơ biến chứng phải nhập viện.
![Người lớn tiêm vaccine phòng cúm tại VNVC sau Tết. Ảnh: Mỹ Ngọc](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/10/nguoi-lon-tiem-vac-xin-cum-tai-5562-1867-1739149511.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BB3lK8KhkyqDe5sTKEvhyQ)
Người lớn tiêm vaccine phòng cúm tại VNVC sau Tết. Ảnh: Mỹ Ngọc
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết cúm, sởi có phác đồ và lịch nhắc lại khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người chỉ tiêm một mũi hoặc không tiêm nhắc khiến hiệu lực của vaccine không đạt tối ưu.
Bác sĩ Chính lưu ý người dân tuân thủ đầy đủ lịch cơ bản và các liều nhắc lại. Hiện Việt Nam có hai loại vaccine cúm thế hệ mới phòng 4 chủng virus cúm phổ biến A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata và B/Victoria. Vaccine cúm có hai phác đồ: em bé từ 6 tháng đến 9 tuổi cần hai mũi; trẻ từ 9 tuổi và người lớn chỉ cần một mũi. Phụ nữ có kế hoạch sinh con và mang thai nên tiêm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi.
Vaccine cần nhắc lại một mũi hàng năm. Lý do, kháng thể phòng bệnh giảm dần theo thời gian, công thức vaccine cúm được cập nhật dựa trên sự thay đổi cấu trúc kháng nguyên của virus mỗi năm.
Với vaccine sởi, hiện có mũi sởi đơn và sởi - rubella trong TCMR. Người dân có thể tiêm loại sởi đơn hoặc loại phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella tại tiêm chủng dịch vụ. Các vaccine chỉ định cho trẻ từ 9 tháng tuổi hoặc 12 tháng tuổi, mỗi người cần ít nhất 2 mũi. Tại các địa phương công bố dịch sởi, vaccine có thể sử dụng cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, được tính là mũi chống dịch.
Ngoài ra, mùa đông xuân cũng thuận lợi cho bệnh thủy đậu bùng phát. Hiện vaccine thủy đậu chỉ định cho trẻ từ 9 tháng hoặc 12 tháng. Trẻ dưới 13 tuổi cần tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng. Trẻ từ 13 tuổi và người lớn tiêm hai mũi cách nhau một tháng. Tiêm đầy đủ vaccine có hiệu quả phòng bệnh lên đến 97%.
Để tăng hiệu quả phòng bệnh, bên cạnh vaccine, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc gần với người bệnh.
Gia Nghi