Cũng lâu lắm rồi người Mỹ mới nhớ tới cái gọi là lạm phát.
Vào năm 2008, nước Mỹ trải qua một cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cơn Đại khủng hoảng hồi đầu thế kỷ 20. Tuy vậy, lúc đấy giá cả các mặt hàng thông thường ở Mỹ vẫn ổn định, và giá nhà giảm mạnh do các vụ "kéo nhà", tức là ngân hàng lấy lại nhà từ những người vay trả góp, diễn ra khá nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp cao, lên tới gần 10%.
Còn trong ba năm trở lại đây, nước Mỹ trải qua một thời kỳ lạ lùng mà các quan chức ở FED, cơ quan lo việc điều chỉnh tỷ lệ lãi suất của ngân hàng trung ương, cũng phải thừa nhận là họ cũng chẳng biết mình đang làm những gì. Các quan chức tài chính cấp cao nhất ở Mỹ cũng mò mẫm, cố gắng tìm đường đi cho cả nền kinh tế.
Với người dân, mọi thứ tồi tệ hơn nhiều. Thực phẩm và nhà ở là hai thứ tăng vọt ở mức độ ghê gớm. Ở các đô thị lớn thì tình trạng này còn tồi tệ hơn nhiều lần. Nước Mỹ vốn rất rộng lớn với 50 tiểu bang và hàng trăm đô thị nên người dân có chút ít lựa chọn, mặc dù không phải lựa chọn nào cũng tốt.
Người Việt ở California có câu "Cali đi dễ khó về". Giá nhà cao vùn vụt ở California là nguồn gốc của câu nói này. Nhà thuê và nhà mua đều tăng giá phi mã, tới nỗi căn nhà trung bình giờ giá gấp rưỡi giá của 5 năm trước đây. Trong khi đó số nhà cửa được xây mới tăng rất chậm, người ta lũ lượt kéo nhau đi sang tiểu bang khác, đặc biệt là Texas, nơi có khí hậu tương đối giống California và giá cả rẻ hơn một chút.
Song song đó là tình trạng vô gia cư lan tràn. Ở thành phố nơi tôi sống, ước tính có tới 3.000 người vô gia cư. Mỗi người là một cái lều dựng lên ở vỉa hè khu trung tâm (downtown). Ngày xưa, tôi có thói quen khi đi trên vỉa hè ở khu trung tâm là phải cầm theo một ít tiền mặt mệnh giá 1 USD để phát cho người vô gia cư. Nhưng dần dần người vô gia cư đông quá nên tôi cũng không thể đi được trên vỉa hè nữa.
Giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng tăng không kém so với giá nhà cửa. Ở miền nam Cali, hóa đơn thực phẩm tăng gần gấp rưỡi trong vòng hai năm qua, giá xăng cũng tăng gần chừng 10%-20%, tùy lúc, còn giá điện, nước, và gas thì cũng tăng vù vù, chóng hết cả mặt.
Người Mỹ có thói quen tiêu xài hơi mạnh tay, và họ thường xuyên chi tiền mua những thứ rất trời ơi đất hỡi. Tiền chi cho việc giải trí, trải nghiệm, khoe mẽ luôn rất nhiều, nhưng dần dần cũng phải bị cắt bớt. Điều đó được phản ánh qua một chỉ số khiến những ai quan tâm cũng mệt mỏi. Đó là việc trận đấu Super Bowl, trận chung kết bóng giải bầu dục Mỹ, đã không bán hết vé. Khán đài trống lỗ chỗ, khi mà giá vé rẻ nhất là khoảng 8.000 USD.
Các đô thị nhỏ hơn với giá rẻ hơn bây giờ trở nên rất hấp dẫn với những người trẻ tuổi. Khả năng làm việc từ xa khiến việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn. Các đô thị nhỏ ở Mỹ vẫn có đầy đủ tiện nghi và người Mỹ không điên cuồng chuyện phải "chạy" vào trường thật tốt nên họ có thể chuyển về những nơi dễ thở hơn một chút.
Vì thế cho nên dân số California mấy năm nay giảm, mặc dù dân số vô gia cư tăng lên, do những người vô gia cư ở các bang lân cận đổ về vì khí hậu ấm áp. Nhiều người Việt ở đây giờ đành giảm ăn rau muống, chuyển sang ăn bắp cải và cà rốt cho rẻ hơn. Giá trứng đã giảm xuống một phần, nhưng thịt heo thì vẫn đắt hơn trước.
>> Gửi bài viết, video, ảnh của bạn về cuộc sống người Việt ở nước ngoài tại đây.
Những người còn "trụ" được ở Cali đa phần là những người đã mua được nhà từ trước khi dịch kéo tới, lúc giá nhà và lãi suất còn thấp. Các gói vay mua nhà ở Mỹ đa phần đều là lãi suất cố định nên số tiền phải trả cho khoản vay mua nhà không thay đổi. Nhiều người vay mua nhà hồi trước bây giờ phải chi hàng tháng thấp hơn khoản chi với những người phải thuê nhà rất nhiều.
Chiến tranh ở châu Âu và Trung Đông gây ảnh hưởng đến dòng lưu chuyển hàng hóa và lạm phát cứ thế mà leo lên. Nước Mỹ cũng không là ngoại lệ.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.