Hiện tượng này còn được gọi là "Asian flush", gây ra bởi đột biến gene ức chế sự phân hủy chất độc trong đồ uống có cồn, dẫn đến tình trạng mẩn đỏ, thậm chí viêm nhiễm. Triệu chứng thường thấy là nóng người, ngứa ngáy, nổi mề đay như phát ban, lan rộng phía trên má và cổ, đồng thời cảm thấy khó chịu về mặt thể chất. Khoảng 40% người Đông Á có phản ứng với rượu ở dạng này.
"Một số người cảm thấy đau đầu, tim đập nhanh khi chỉ uống khoảng nửa ly. Họ thấy hơi nôn nao và chuếnh choáng, cảm giác xấu hổ ở một mức độ nào đó", Saw Hoon Lim, giảng viên cấp cao Khoa Hóa sinh và dược, Đại học Melbourne, nói, thêm rằng đây là cách cơ thể phản ứng với tác nhân nguy hiểm được đưa vào.
Đối với nhiều người, các thành phần độc hại của rượu được một enzyme gọi là aldehyde dehydrogenase (hoặc ALDH2) trong cơ thể phân hủy và chuyển hóa. Tuy nhiên, nhiều người Đông Á không có enzyme này, khiến độc tố tích tụ, dẫn đến đỏ mặt, mẩn ngứa, nôn nao.
"Nói cách khác, cơ thể chúng ta không dung nạp được rượu. Ngoài những biểu hiện bên ngoài, chúng ta thấy buồn nôn, đôi khi ngứa ngáy trên da về mặt sinh lý, cảm thấy khó chịu vì ALDH2 hoạt động kém", tiến sĩ Lim cho biết.
Nhiều người cố gắng tìm cách để che đi các vết mẩn đỏ, sử dụng Pepcid, một loại thuốc kháng histamine để giảm cảm giác nôn nao. Một số hãng dược thậm chí phát triển "miếng dán giải rượu" với lời quảng cáo chúng có thể truyền chất chống oxy hóa và vitamin vào máu. Tuy nhiên, các phương pháp này đều chưa được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để điều trị dị ứng rượu.
Các chuyên gia cho biết các đột biến di truyền trong cơ thể là vĩnh viễn, không thể điều trị. Cách hiệu quả nhất là lắng nghe cơ thể và ngừng uống rượu khi cảm thấy khó chịu.
Tình trạng đỏ mặt còn báo hiệu nhiều loại bệnh lý khác. Các nghiên cứu cho thấy người bị "Asian flush" có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vòm họng, cổ họng và miệng do thiếu hụt enzyme ALDH2. Tiến sĩ Daryl Davies, đồng giám đốc của Viện Khoa học Nghiện tại Đại học Nam California, cảnh báo sử dụng thuốc ức chế histamine như Pepcid để giảm tác động của cồn có thể khiến một người uống nhiều rượu hơn, tăng tỷ lệ mắc ung thư.
"Cơ thể bạn đưa ra tín hiệu. Cực kỳ sai lầm khi dùng những chất ức chế histamine như Pepcid, vì bạn chỉ đang che đậy phản ứng của bản thân. Các chất này không tác dụng với enzyme. Giờ thì độc tố của rượu lưu lại trong cơ thể thời gian dài hơn, còn bạn thì lờ đi những phản ứng tự nhiên báo hiệu mình cần ngừng uống", tiến sĩ Davies cho biết.
Thực tế, việc từ chối một hoặc hai ly rượu không dễ như tưởng tượng, đặc biệt tại các buổi tiệc có tính chất công việc. Những người lớn lên ở châu Á hiểu được áp lực và sự mệt mỏi khi phải uống rượu liên tục trong những dịp tụ họp.
Lei Yu, giáo sư Đại học Rutgers, giảng viên khoa di truyền học tại Trung tâm Nghiên cứu Sử dụng Rượu và Chất gây nghiện, cho rằng nhiều người sẽ thông cảm hơn nếu họ hiểu rằng không dung nạp rượu là một tình trạng sức khỏe.
"Vấn đề nằm ở nhận thức. Người không dung nạp rượu cũng giống với người không dung nạp lactose (không uống được sữa). Không có gì phải xấu hổ hay đáng bị kỳ thị", ông nói.
Thục Linh (Theo SCMP)