Con trai chị Hoàng Anh (35 tuổi, TP HCM) thừa 25 kg so với tiêu chuẩn, dễ mệt và hụt hơi sau khi vận động, chạy nhảy, được chẩn đoán béo phì độ 1. Năm 2021, bé nhiễm Covid-19 biến chứng viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy. Hiện, bé còn chịu di chứng phổi yếu, dễ ho khi thời tiết thay đổi.
Bác sĩ khuyên bé nên tiêm ngừa cúm hàng năm, dinh dưỡng vừa đủ và tập thể dục giảm cân thường xuyên. Từ đó, chị Hoàng Anh luôn cho con ăn theo kế hoạch, tiêm chủng đầy đủ khi đến lịch.
Còn ông Trần Lộc (62 tuổi, Hà Nội) bị thừa 7 kg và có bệnh nền tiểu đường. Cách đây4 năm, ông mắc cúm A khiến đường huyết tăng vọt, phải nhập viện điều trị nửa tháng. Kể từ đó, ông Lộc và gia đình luôn chú ý lịch tiêm, không bỏ lỡ hoặc trễ hẹn dù chỉ một lần.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết nhóm người có thể trạng thừa cân, béo phì rất cần tiêm vaccine đầy đủ. Béo phì làm suy yếu hệ thống miễn dịch và tạo ra trạng thái viêm mạn tính, khiến thông khí khó khăn. Các chất béo dư thừa có thể ảnh hưởng các chức năng chống viêm của cơ thể.
Mặt khác, người bị thừa cân, béo phì có liên quan tới hơn 200 bệnh mạn tính và biến chứng khác nhau như bệnh tim mạch, tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, bệnh phổi, huyết khối... Do đó, việc chủng ngừa đầy đủ sẽ giúp những người thừa cân, béo phì giảm tỷ lệ trở nặng, tử vong.
Béo phì làm tăng gấp 10 lần nguy cơ tử vong do Covid-19 và gần 3 lần tỷ lệ tử vong do cúm so với người có cân nặng ổn định khi nhiễm bệnh. Béo phì, thừa cân từng được Bộ Y tế xếp vào nhóm bệnh lý nền nguy cơ gia tăng mức độ nặng và tử vong cao khi mắc Covid-19.
Các nhà khoa học Đại học University of Michigan (Mỹ) cũng chỉ ra thời gian mắc cúm của người béo phì cũng dài hơn, khiến mầm bệnh này phát tán lâu hơn 42% so với người khỏe mạnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê toàn cầu có khoảng 1 tỷ người béo phì, trong đó có 650 triệu người lớn và 340 triệu trẻ em. Tại Việt Nam, tỷ lệ béo phì không cao so với khu vực nhưng tốc độ tăng nhanh nhất trong các nước Đông Nam Á. Cụ thể, tỷ lệ gia tăng béo phì hàng năm ở nước ta là 38%, so với mức tăng 10-20% của các nước Đông Nam Á.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ béo phì ở khu vực thành thị cao gấp nhiều lần nông thôn và vùng núi. TP HCM, trẻ béo phì chiếm hơn 50%, ở Hà Nội là 41%.
Bên cạnh đó, cúm, bạch hầu, ho gà có thể biến chứng nặng liên quan đến tim. Theo nghiên cứu của Trường Y tế cộng đồng Harvard T.H. Chan (Mỹ), chỉ số BMI tăng thường đi kèm với tình trạng tăng huyết áp, tích tụ cholesterol xấu, tăng tình trạng viêm. Từ đó, người béo phì tăng nguy cơ biến chứng tim sau khi mắc các bệnh về đường hô hấp.
Gan của người béo phì cũng dễ bị tác động do tình trạng thừa cân, dễ dẫn đến các bệnh viêm, xơ gan. Các tác nhân virus gây viêm gan như viêm gan A, B có thể đẩy nhanh quá trình nhiễm bệnh ở người béo phì.
Vì vậy, bác sĩ Chính nhấn mạnh người thừa cân, béo phì cần được chủng đầy đủ các loại vaccine. Mọi người có thể ưu tiên các mũi tiêm bảo vệ đường hô hấp và gan, nhằm tránh các biến chứng về phổi, tim mạch và tổn thương các cơ quan do tình trạng nhiễm mỡ, ví dụ cúm, phế cầu, bạch hầu - ho gà, thủy đậu và viêm gan A, B.
Quy trình tiêm chủng của người thừa cân béo phì không khác với các đối tượng còn lại. Mọi người chú ý khai báo đầy đủ các tình trạng bệnh lý đi kèm với béo phì nếu có, để bác sĩ đưa ra chỉ định tiêm phù hợp với từng cá nhân. Bên cạnh đó, người béo phì cần chế độ ăn uống hợp lý, duy trì thói quen vận động để hạn chế cân nặng, giữ cơ thể khỏe mạnh.
Nhật Linh
VNVC có hơn 160 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc và hơn 9.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, giỏi tay nghề. Khách hàng đến tiêm vaccine luôn được khám sàng lọc, tiêm chủng an toàn theo quy trình nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Tất cả vaccine đều được bảo quản an toàn, chất lượng trong hệ thống kho lạnh, dây chuyền lạnh đạt chuẩn GSP đảm bảo từ khâu bảo quản đến vận chuyển và tiêm chủng để vaccine đạt hiệu quả cao nhất khi sử dụng.