Đây là nhận định được đưa ra trong hội thảo mới đây tại Hà Nội về giải pháp mở rộng và duy trì bền vững chương trình điều trị nghiện bằng thuốc Methadone.
Theo các chuyên gia của Ủy ban quốc gia phòng chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm, rất nhiều quan điểm hiện nay vẫn cho rằng nghiện ma túy có thể được chữa khỏi bằng phương pháp cai nghiện. Do vậy, mỗi năm các địa phương chi hàng chục tỷ đồng để đầu tư và mở rộng các trung tâm cai nghiện tập trung, trong khi hiệu quả không cao.
Giáo sư Chung Á, Ủy ban quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm cho rằng y học đã chứng minh, và Việt Nam đã công nhận nghiện chất dạng thuốc phiện là một bệnh mãn tính cần được điều trị lâu dài. Người nghiện ma túy điều trị bằng thuốc methadone cũng giống như bệnh nhân tiểu đường cần thuốc insuline để kiểm soát lượng đường trong máu.
"Người sử dụng ma túy thích cảm giác phê do ma túy đem lại và thường tìm kiếm loại ma túy có tác dụng nhanh như heroin. Methadone có tác dụng chậm, khoảng 30 phút và đạt đỉnh điểm khoảng 3-4 giờ sau khi uống. Methadone không đem lại cảm giác phê kể cả khi người bệnh được điều trị ổn định ở liều cao", ông Á giải thích.
Theo ông, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone không phải là thay thế nghiện chất này bằng nghiện chất khác. Vì người bệnh được uống thuốc Methadone hàng ngày dưới sự kiểm soát của nhân viên y tế, không tăng liều, người bệnh phục hồi mà không có hành vi buộc phải tìm kiếm, sử dụng, bất chấp hậu quả về sức khỏe và xã hội như khi sử dụng heroin.
Vương Linh