Lý do quen thuộc: lương không đủ sống.
Bố mẹ tôi rất thất vọng. Mẹ tôi thậm chí buồn rầu mà sinh bệnh. Ông bà cho rằng làm nhà nước lương thấp hơn một chút nhưng công việc ổn định.
Suy nghĩ này phổ biến ở nhiều phụ huynh. Ổn định được hiểu đơn giản là rủi ro mất việc thấp. Nhưng ổn định theo tôi cần phải nhìn ở một khía cạnh khác; không chỉ đảm bảo về vị trí, mà còn phải đảm bảo về thu nhập để người lao động có thể tập trung hoàn toàn vào công việc. Ở khía cạnh này, tôi không nhận thấy sự ổn định từ công việc nhà nước mang lại.
Ở Mỹ, công việc ở các cơ quan liên bang thực sự ổn định: lương thấp hơn khối tư nhân, nhưng nhiều phúc lợi về sau, ít rủi ro mất việc, và áp lực công việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Có được sự ổn định này vì hệ thống lương công chức của Mỹ được thiết kế khá thú vị. Dựa trên kỹ năng, người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm một là những người mà với trình độ của mình, họ rất khó xin việc ở khối tư nhân. Ví dụ, người phân loại thư ở bưu điện, thư ký. Nhóm hai là những người có kỹ năng cao, dễ dàng có được một công việc ngoài thị trường nếu rời bỏ nhà nước. Ví dụ kỹ sư ở NASA, hoặc thanh tra ở ngân hàng trung ương.
Mỗi nhóm lao động sẽ có một cơ chế khuyến khích riêng (lương, thăng chức) để không chỉ thu hút người lao động, mà còn khuyến khích họ chủ động nâng cao trình độ chuyên môn. Nhưng về cơ bản, hai nhóm này đều được tăng lương hầu như mỗi năm. Ví dụ, năm 2023, mức tăng trung bình sẽ là 4,6%, cao hơn mức 2,7% năm 2022 và các năm trước để bù đắp cho lạm phát ở Mỹ.
Việc phân loại này có hai tác dụng. Một là tìm được người phù hợp với công việc ngay từ khi tuyển dụng, để không phải tốn nguồn lực đào tạo lại. Hai là, người ứng tuyển có động lực nâng cao trình độ nếu muốn vào vị trí cần kỹ năng cao với thu nhập tốt hơn. Dù với mục đích gì thì cơ chế này cũng làm tăng năng suất lao động.
Nhiều ý kiến cho rằng Mỹ có thể làm mọi thứ vì họ giàu. Nhưng không hẳn. Họ giàu vì có cơ chế khuyến khích phù hợp để người lao động tập trung làm việc. Một hệ thống hoàn chỉnh như vậy chưa thể có được ở Việt Nam, nhưng Chính phủ có thể tăng mức độ gắn bó của người lao động với khu vực công bằng những cam kết tăng lương tối thiểu hàng năm, để khoảng cách về lương giữa công và tư không quá khác biệt.
Vấn đề tăng lương cho khu vực công được đề cập ở nghị trường Quốc hội vài ngày qua. Một số đại biểu yêu cầu tăng lương cho công viên chức từ 1/1/2023, thay vì từ 1/7/2023. Mức tăng đã được thông qua - từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương 20,8%. Nhưng yêu cầu này bị Bộ Tài chính bác bỏ vì cho rằng tăng lương ngay từ đầu năm sẽ tạo rủi ro lạm phát tăng cao, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, có thể thông cảm với sự thận trọng của Bộ Tài chính. Nhưng tôi ủng hộ tăng lương từ 1/1/2023 với một số lý do sau.
Thứ nhất, dù có tăng lương vào giai đoạn này hay không, Việt Nam cũng phải chấp nhận một mức lạm phát nhất định do nhu cầu mua sắm Tết. Kinh tế học gọi đây là tác động mùa vụ, nghĩa là tác động chỉ xảy ra vào thời điểm Tết rồi giảm xuống ở những giai đoạn sau. Tăng lương thời điểm này gây lo ngại tăng tiêu dùng của người dân, tạo thêm sức ép lên điều hành giá, do tâm lý tăng lương đi kèm tăng giá, gây khó khăn cho kiểm soát lạm phát. Nhưng ảnh hưởng Covid trong hai năm vốn đã bào mòn tiết kiệm của nhiều người. Như vậy, cũng có cơ sở để nói rằng dù được tăng lương, chưa chắc mức chi tiêu sẽ cao như các năm trước.
Thứ hai, quy mô của việc tăng lương chỉ tập trung ở 233.000 công viên chức, chiếm chưa tới 0,5% lực lượng lao động cả nước. Chính phủ đã có thể kiểm soát giá cả khi tăng lương cho 50 triệu lao động trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, tôi tin việc tăng lương cho 233.000 lao động vì thế sẽ không phải là vấn đề quá lớn.
Thứ ba, mà theo tôi quan trọng nhất, là sự công bằng. Nếu như người lao động ở khu vực tư nhân được tăng lương hàng năm, thì công viên chức chưa được tăng lương lần nào trong bốn năm, kể từ tháng 7/2019.
Đọc đến đây, nhiều người cho rằng những người làm ở cơ quan nhà nước sẽ không sống bằng lương, mà bằng các nguồn thu nhập không tên khác. Nhưng không phải người lao động nào cũng ở vị trí có khoản thu nhập đủ cao để bù đắp thiếu hụt do lương thấp. Các lý thuyết kinh tế cũng chỉ ra, chỉ có thể thu hút người lao động nếu mức lương được chi trả phù hợp với năng suất của họ. Lương thấp chỉ thu hút được những người không có động lực, loại bỏ người có khả năng và tâm huyết ra khỏi khu vực công. Hoặc người ở lại buộc phải làm điều gì đó để bù đắp thu nhập. Những hiện tượng này là lựa chọn ngược, tạo ra rủi ro đạo đức, là những thất bại thị trường.
Cuối cùng, các nghiên cứu kinh tế cho thấy tác động của việc tăng lương lên giá cả chưa được rõ ràng. Nghiên cứu nổi tiếng của MacDonald và Nilsson chỉ ra, lương cơ sở tăng lên 10% ở Mỹ chỉ làm giá cả tăng lên 0,36% từ 1978 đến 2015. Nghiên cứu của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tăng lương tối thiểu có thể làm tăng lạm phát lên 4,5-5%, thay vì chỉ 4% nếu không tăng lương.
Một lợi ích khác của việc tăng lương công viên chức là có thể giảm thiểu hành vi tham nhũng vặt, hay còn được gọi là tham nhũng mưu sinh trong khu vực công.
Giá trị của người lao động ở khu vực công không nằm ở giá trị vật chất mà họ tạo ra như người lao động ở doanh nghiệp. Họ tạo ra giá trị công phục vụ cộng đồng, quốc gia, dân tộc - những thứ không thể lượng hoá.
Trì hoãn tăng lương không chắc sẽ đảm bảo cho các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng trước mắt, là một trong những nguyên nhân khiến hàng chục nghìn công chức nghỉ việc thời gian qua.
Một nền hành chính công vững chắc là nền tảng để doanh nghiệp sáng tạo, quốc gia thịnh vượng. Để được như vậy phải thay đổi nhiều thứ, nhưng có thể bắt đầu từ việc tăng lương cho đội ngũ công viên chức đang tận hiến với nghề.
Nguyễn Quốc Định