Tại kỳ họp thứ 4 đang diễn ra, Chính phủ trình Quốc hội tăng lương cơ sở cán bộ công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng một tháng, áp dụng từ 1/7/2023.
Thảo luận tại tổ ngày 22/10 và nghị trường hôm nay về tình hình kinh tế xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sớm tăng lương cơ sở từ 1/1/2023, thay vì từ 1/7 năm sau. Giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại tổ về thời điểm tăng lương cơ sở, Bộ Tài chính cho rằng, nếu tăng lương sớm từ đầu năm sẽ gây khó khăn cho kiểm soát lạm phát.
Đầu năm gần với Tết dương lịch và Âm lịch, nhu cầu mua sắm của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh. Nếu tăng vào thời điểm này sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá, do tâm lý tăng lương đi kèm tăng giá, gây khó khăn cho kiểm soát lạm phát. "Trước nguy cơ lạm phát cao, việc cải cách chính sách tiền lương cần được thực hiện thận trọng, hài hòa với các mục tiêu điều hành kinh tế xã hội", Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Do đó, Chính phủ tiếp tục tham mưu các cấp thẩm quyền chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương trong năm 2023. Thay vào đó, đề xuất tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%). Mức tăng này được Bộ Tài chính đánh giá là cơ bản bù đắp mức độ trượt giá.
Giải trình trước Quốc hội chiều nay, Bộ trưởng Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng cho rằng khó tăng lương từ 1/1/2023 và mốc 1/7 là hợp lý trong điều kiện phải chủ động lường trước những vấn đề phát sinh như lạm phát, và các yếu tố khách quan khác.
Về đề nghị của đại biểu Quốc hội thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2024, Bộ Tài chính cho hay, tại báo cáo dự toán ngân sách năm 2023 trình Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo nhu cầu và nguồn tích luỹ để cải cách tiền lương. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới, trong nước đang chịu áp lực lạm phát lớn, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội lùi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 sau năm 2023.
Trường hợp áp lực lạm phát giảm, không có biến động lớn về kinh tế - xã hội, cơ quan quản lý ngân khố quốc gia khẳng định, Chính phủ sẽ khẩn trương trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách tiền lương.
Tiếp tục tinh giản biên chế, đổi mới tuyển dụng công chức
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, toàn quốc có 39.550 công chức, viên chức thôi việc. Trong đó, lĩnh vực giáo dục có 16.400 người, cao nhất trong các ngành nghề; tiếp sau là y tế 12.200 người. Đa số người nghỉ việc có độ tuổi dưới 40, trong đó hơn nửa có trình độ đại học.
Tuy nhiên, trong hai năm rưỡi qua, cả nước tuyển dụng mới gần 144.000 công chức, viên chức. Riêng viên chức giáo dục được tuyển mới gần 74.500 người; y tế 38.100 người. Như vậy, số lượng công chức, viên chức thôi việc so với tổng biên chế là không lớn, nhưng tập trung ở lĩnh vực trọng điểm, liên quan đến yếu tố chăm lo con người.
Bà Trà nêu hàng loạt nguyên nhân công chức, viên chức thôi việc, như thị trường lao động phát triển, có kết nối, vận hành đồng bộ, tương tác thông suốt giữa các khu vực, vùng, trong nước và quốc tế. Công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang tư là yếu tố khách quan, trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động. Xu hướng này tạo động lực thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa khu vực công và tư, tạo động lực để khu vực công cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.
Ngoài nguyên nhân khách quan nói trên, còn có nguyên nhân chủ quan là thu nhập của công chức, viên chức thấp hơn khu vực tư dù có cùng trình độ. Áp lực của họ ngày càng nhiều, môi trường làm việc một số nơi chưa tạo động lực phát huy năng lực. Quản trị khu vực công vẫn theo lề lối cũ, trong khi doanh nghiệp tư nhân có nhiều cách khích lệ lao động, ghi nhận kịp thời cống hiến của họ.
"Công chức, viên chức thôi việc hàng loạt trong hai năm rưỡi qua là điều cần nhìn nhận nghiêm túc, là vấn đề đáng quan ngại. Khu vực công cũng cần hoàn thiện thể chế, hướng tới đổi mới tiến bộ, công bằng, cạnh tranh lành mạnh", Bộ trưởng Nội vụ nói.
Bà Trà thông tin, cùng với tăng lương cơ sở, chuẩn bị các điều kiện để cải cách chính sách tiền lương, các cơ quan sẽ tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy để tinh giản biên chế; đổi mới tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ. Tất cả đều đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ. Bộ cũng sớm xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng người tài, chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng xác định xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất, năng lực, uy tín, gương mẫu, tạo niềm tin cho cán bộ, công chức, viên chức. Môi trường làm việc cũng sẽ được đổi mới theo hướng dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, tạo điều kiện để công chức, viên chức thể hiện tài năng; đồng thời đổi mới lề lối làm việc để phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đề nghị tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non
Cũng giải trình trước Quốc hội chiều 27/10, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc tăng lương cho giáo viên đã được Chính phủ tính toán nhằm đảm bảo cho thầy cô giáo yên tâm công tác.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giáo dục đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh ngay phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non - lực lượng bỏ việc nhiều nhất thời gian qua (chiếm 40%) và cũng đang thiếu nhiều nhất. Hiện nay, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non là 35%, ông Sơn mong muốn họ được nhận phụ cấp tương tự như nhân viên y tế cấp cơ sở (100%), hoặc tối thiểu tăng từ 35% lên 70% - ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cấp cơ sở.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, những ngày qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được hơn 200 ý kiến của cử tri gửi tới, bày tỏ lo lắng vì ngành giáo dục đang thiếu giáo viên. Để giải quyết, ngành giáo dục đã phối hợp với nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên cần phải bù đắp từ nay tới năm 2026 là 107.000, có thể biến động do giáo viên bỏ việc. Con số bù đắp này nhằm duy trì hoạt động dạy và học bình thường, đồng thời thực hiện các mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
Việc thiếu giáo viên được Bộ trưởng Sơn lý giải diễn ra từ lâu, nhưng nay tình trạng trở nên trầm trọng do nhiều người bỏ việc trong thời gian ngắn. Tháng 9/2015, tổng số học sinh khi bắt đầu năm học của cả nước là trên 19 triệu, nhưng đến tháng 9/2022 đã tăng lên 23 triệu. Trong khi đó, số giáo viên ở hai thời điểm là hơn 1,1 triệu và hơn 1,2 triệu. Như vậy, giáo viên chỉ tăng hơn 100.000, trong khi số học sinh đã tăng 3 triệu.
Thiếu giáo viên còn do hàng loạt nguyên nhân khác như: biến động dồn dịch về dân số ở một số thành phố, khu công nghiệp; dịch bệnh khiến các trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là nhóm trẻ tư thục; nhu cầu phổ cập mầm non bậc năm tuổi; chuẩn tỷ lệ giáo viên trên học sinh (mỗi giáo viên 35 học sinh mỗi lớp bậc tiểu học và 45 học sinh mỗi lớp bậc trung học)...
Vừa qua, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu và sẽ tuyển dần từ nay đến năm 2026. Riêng năm 2022 được duyệt 27.850 chỉ tiêu. Các Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị liên quan, bắt đầu tuyển dụng. Lãnh đạo ngành giáo dục đề nghị dồn cho năm học 2023-2024, vì đây là thời điểm nhu cầu giáo viên cho các môn học mới lớn.
Bộ trưởng Sơn cho hay, ngoài chỉ tiêu tuyển mới, các tỉnh, thành tuy thiếu giáo viên nhưng vẫn có trên 10.000 chỉ tiêu từ các năm cũ chưa tuyển được. Do đó, ông đề nghị các địa phương vừa tuyển mới, vừa tiếp tục tuyển số cũ để đáp ứng nhu cầu giảng dạy.
Ông cũng đề nghị bổ sung chính sách để các tỉnh tăng cường dùng ngân sách địa phương ký hợp đồng với giáo viên không thuộc các chỉ tiêu biên chế. Các tỉnh, thành cần thanh kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng giáo viên, đảm bảo công bằng, công khai, tránh phát sinh tiêu cực. "Nếu để xảy ra tiêu cực thì sẽ rất đáng tiếc vì đó là một trong những lý do khiến nhiều người không muốn ứng tuyển", Bộ trưởng nói.
Ngày mai, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường Diên Hồng.