Cụ ông 70 tuổi (ngụ ở Hà Nội), mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nhiều năm nay. Năm 2015, ông mắc bệnh đại tràng phải dùng thêm thuốc ức chế miễn dịch. Tới năm 2021, ông được chẩn đoán ung thư dương vật type biểu mô vảy, phải phẫu thuật và tạo hình niệu đạo. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm HPV 16/18.
Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, đến nay y văn chưa ghi nhận về trường hợp mắc ung thư ở bệnh nhân viêm ruột mạn tính và nhiễm HPV. Song, việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài khiến những bệnh nhân này tăng số lượng virus HPV trong cơ thể, lâu năm sẽ hình thành các tổn thương.
Trước đó, bệnh viện cũng ghi nhận nhiều trường hợp nam giới nhiễm HPV mắc bệnh tình dục như sùi mào gà, ung thư hậu môn... Một số bệnh nhân cho biết chưa tuân thủ quan hệ tình dục an toàn và không nghĩ phải tiêm chủng vaccine ngừa HPV.
Bác sĩ Khiêm cho biết không chỉ nữ giới, tỷ lệ nhiễm HPV ở nam giới đặc biệt cao, nhất là đối với nhóm cộng đồng đặc biệt. Một nghiên cứu công bố tại hội nghị khoa học toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2022, khảo sát tại Hà Nội và TP HCM, trên 799 nam từ 16-50 tuổi có quan hệ tình dục đồng giới trong vòng 1 tháng trước thời điểm nghiên cứu.
Kết quả, tỷ lệ nhiễm HPV cao, trong đó 32,3% nhiễm các chủng HPV; 24,5% nhiễm chủng HPV có nguy cơ cao (16, 18, 31, 33, 45, 52...); 11% nhiễm chủng HPV 16/18 (chủng gây ung thư). Tỷ lệ nhiễm HPV nguy cơ cao ở TP HCM cao hơn Hà Nội, lần lượt là 30,9% và 18,4%.
Tại Mỹ, nghiên cứu chỉ ra HPV có liên quan tới hơn 42.000 ca ung thư, trong đó khoảng 18.300 bệnh nhân là nam giới. HPV là nguyên nhân của hơn 90% trường hợp ung thư hậu môn, hơn 60% ung thư dương vật và hơn 70% ung thư vòm mũi họng, ung thư hạ họng, ung thư vùng đầu cổ. HPV 16/18 là được báo cáo là chủng gây ra 90% các trường hợp ung thư liên quan HPV ở nam giới.
Nhiều quan điểm cho rằng nam giới không cần thiết tiêm vaccine ngừa HPV, chỉ nữ giới cần tiêm để phòng ung thư cổ tử cung và một số bệnh phụ khoa. Song, bác sĩ Khiêm cho biết HPV lây nhiễm ở cả nam và nữ. Ở nam giới, virus gây ra mụn cóc sinh dục, ung thư dương vật và các ung thư khác. HPV đào thải nhanh ở người trẻ nhưng tồn tại dai dẳng ở người 35 tuổi trở lên, có thể tồn tại suốt đời trong cơ thể đồng thời tỷ lệ đào thải virus thấp hơn, lâu ngày tiến triển thành tế bào ung thư. Chính vì vậy rất khó có thể nhận biết thời điểm lây nhiễm HPV ở nam giới và khó có phương pháp điều trị hoặc chữa khỏi.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo không chỉ nữ giới, nam giới cũng rất cần tiêm vaccine HPV để phòng bệnh. Đồng thời, cần quan hệ tình dục an toàn, tầm soát ung thư định kỳ.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết hiện nay Gardasil và Gardasil 9 là hai loại vaccine ngừa HPV hàng đầu trên thế giới phòng ngừa hiệu quả các bệnh ung thư do HPV. Trong đó, từ tháng 5/2022, vaccine Gardasil 9 đã được tiêm cho nam giới và cộng đồng LGBT từ 9-26 tuổi. Gardasil 9 phòng được 9 chủng HPV (6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58), đạt hiệu quả bảo vệ 94%.
Trong khi đó, vaccine Gardasil phòng 4 chủng HPV (6, 11, 16, 18) dành cho nữ giới từ 9-26 tuổi. Hai loại vaccine hiện có tại các trung tâm tiêm chủng VNVC với nhiều ưu đãi.
Chi Lê