Thùy Yên (30 tuổi, Yên Bái), mang thai tuần thứ 24 nhưng chưa tiêm vaccine uốn ván. Cô luôn phân vân giữa việc chủng ngừa đầy đủ để con sinh ra khỏe mạnh hoặc bỏ qua mũi vaccine để dành tiền lo công việc khác.
"Các chị đi trước bảo để thai nhi lớn khoảng 6 đến 7 tháng mới tiêm uốn ván; người lại nói không tiêm thì ảnh hưởng rất nhiều đến em bé. Vì vậy tôi vẫn phân vân", Yên nói.
Ngọc Huyền (27 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu) đang mang thai tuần thứ 32. Bác sĩ dặn dò Huyền tiêm vaccine khi mang thai hơn 20 tuần, chỉ định phác đồ 2 mũi, song Huyền vẫn chần chừ, sợ vaccine sẽ ảnh hưởng đến em bé.
Sau nhiều lần được gia đình, bạn bè thuyết phục, Huyền mới quyết định tiêm ngừa. Tuy nhiên, cô chỉ kịp tiêm một mũi uốn ván.
"Bác sĩ giải thích mũi 2 cần tiêm trước tuần 34 và hai mũi cần cách nhau 1 tháng nên không kịp. Trong khi đó, mũi 2 mới có nhiều kháng thể. Hiện tôi mới tiêm được một mũi nên khá lo lắng vì không có nhiều miễn dịch cho con, hối hận vì không biết và tiêm uốn ván sớm hơn", Huyền cho biết.
Bác sĩ Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết trường hợp của Yên và Huyền không hiếm gặp. Nhiều người cho rằng vaccine uốn ván không cần thiết vì bệnh chỉ lây khi da bị tổn thương, người mang bầu sẽ không bị lây nhiễm nếu cẩn thận.
Bác sĩ Tấn cho rằng đây là các quan niệm sai, chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của bệnh uốn ván. Trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani có trong đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh... lây lan vào cơ thể thông qua vết thương.
Trong khi đó, phụ nữ có thể gặp vết thương trong quá trình sinh con, ví dụ phải rạch tầng sinh môn, phẫu thuật sinh nở. Trực khuẩn uốn ván có thể lây nhiễm qua con đường này. Đối với trẻ sơ sinh, trực khuẩn có thể lây qua quá trình cắt rốn, gây bệnh uốn ván sơ sinh. Tỷ lệ tử vong chung do uốn ván có thể đến 90%, trong đó uốn ván rốn sơ sinh tử vong trên 95%.
Việt Nam đã ghi nhận rải rác ca mắc uốn ván do thai phụ không tiêm chủng, vệ sinh kém trong quá trình sinh nở. Ví dụ tháng 8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM tiếp nhận 4 trường hợp trẻ sơ sinh mắc uốn ván rất nặng, trước đó ghi nhận trung bình một ca một tháng. Tất cả bệnh nhi là đồng bào dân tộc ít người (S’Tiêng, H’Mông) sống ở các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hai trong bốn ca bệnh trẻ được sinh tại nhà, cắt rốn bằng tre nứa, dao lam không vô trùng.
Trên thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,6 triệu trẻ sơ sinh không sống qua được tháng đầu tiên. Trong đó, 1 triệu trẻ tử vong trong ngày đầu tiên sau sinh vì các vấn đề có thể ngăn ngừa được như các bệnh nhiễm trùng viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, uốn ván, thủy đậu, cúm, rubella...
Nhiều chuyên gia khuyến cáo vaccine uốn ván rất cần thiết cho phụ nữ mang thai. Chương trình tiêm uốn ván thai kỳ đã được phổ biến đến các bệnh viện trên toàn quốc, áp dụng cho phụ nữ mang thai ngoài 20 tuần.
Bác sĩ Tấn nhấn mạnh tiêm uốn ván sớm khi mang thai là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh cho cả mẹ và bé. Miễn dịch của mẹ sẽ truyền cho con trong thai kỳ, giúp bảo vệ trẻ khi sinh ra. Hai mũi vaccine uốn ván có thể làm giảm 94% tỷ lệ trẻ tử vong do uốn ván sơ sinh.
Vaccine đã được chứng minh an toàn với phụ nữ mang thai, không gây lây nhiễm bệnh và biến chứng. Thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Vaccine uốn ván đơn có phác đồ 2 mũi cách nhau tối thiểu một tháng, trong đó mũi 2 tiêm trước khi sinh tối thiểu một tháng, duy trì tiêm nhắc một mũi ở những lần mang thai tiếp theo.
Mộc Thảo
Vào 9h ngày 19/8, Hệ thống tiêm chủng VNVC và hãng dược phẩm Sanofi Pasteur tổ chức "Lớp tư vấn sức khỏe thai, sản số 9" theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với các nội dung:
Miễn dịch thụ động và những điều kỳ diệu từ vaccine cho thai nhi do BS Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa, Hệ thống VNVC chia sẻ.
Những điều cần biết về chuyển dạ - chuẩn bị sinh do BS.CKI Hồ Thị Khánh Quyên, Trung tâm Sản phụ khoa, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chia sẻ.
Độc giả quan tâm và tham gia có thể đăng ký miễn phí và nhận quà tại đây.