Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, giải thích bệnh có 4 type gồm Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4.
"Tái nhiễm sốt xuất huyết thực chất là nhiều lần mắc bệnh với các chủng virus khác nhau", bác sĩ Chính nói.

Những ca mắc sốt xuất huyết nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Sau khi nhiễm lần đầu, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể đặc hiệu dài hạn chống lại type virus Dengue, có tác dụng bảo vệ chéo với các type khác, thường khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, khi kháng thể suy giảm dần, người bệnh vẫn có nguy cơ mắc sốt xuất huyết lần nữa do một type virus Dengue khác. Kháng thể cũ liên kết với type virus Dengue mới, gây ra hiện tượng "tăng cường phụ thuộc kháng thể" (ADE). Hiện tượng này khiến cơ thể không đủ khả năng tiêu diệt virus. Ngược lại, chúng tạo điều kiện để virus xâm nhập vào các tế bào dễ dàng hơn, làm tăng mức độ phản ứng viêm.
Cơ thể đồng thời kích hoạt cytokine để chống viêm, gây ra "cơn bão cytokine" tấn công ngược các tế bào và cơ quan khỏe mạnh. Cơ chế này khiến tình trạng xuất huyết nặng hơn, gây chảy máu ồ ạt, suy giảm chức năng đa cơ quan, thậm chí tử vong.
"Tái nhiễm có thể bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao gấp nhiều lần so với lần trước", bác sĩ Chính nói. Ngoài ra, nguy cơ biến chứng nặng còn phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và type virus. Cụ thể, trẻ em và người già, mắc tiểu đường, tim mạch, gan, thận... có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn so với các nhóm tuổi khác. Những người tự mua thuốc, điều trị và không tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế, cũng tăng nguy cơ trở nặng.
Bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài từ 7-10 ngày. Bênh có thể gây ra các biến chứng như giảm tiểu cầu, cô đặc máu, sốc mất máu, tràn dịch màng phổi, xuất huyết não, suy gan, suy thận, suy đa tạng...
Với thai phụ, sốt xuất huyết có thể gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non, nguy hiểm đến tính mạng. Ở giai đoạn hạ sốt từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, bệnh nhân có thể trở nặng với các dấu hiệu cảnh báo như đau bụng dữ dội, xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam, chân răng, mệt, li bì.
Hiện chưa vào mùa sốt xuất huyết, song một số tỉnh thành vẫn ghi nhận hàng trăm ca nhiễm một tuần. Đơn cử, TP HCM ghi nhận gần 370 ca bệnh tuần 17-23/3; Đồng Nai có hơn 100 ca tuần 9-14/3, Tây Ninh có hơn 330 ca nhiễm tuần 10-16/3. Hồi đầu năm số ca sốt xuất huyết có xu hướng tăng khiến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cảnh báo nguy cơ bệnh bùng phát sớm.

Trẻ nhỏ tiêm vaccine sốt xuất huyết tại VNVC Nguyễn Duy Trinh 2, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Diệu Thuần
Bác sĩ Chính khuyến cáo phòng bệnh sốt xuất huyết từ sớm, đúng cách để giảm gánh nặng bệnh, chống tái nhiễm. Người dân chủ động diệt muỗi, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt bằng cách dùng bình xịt, các dụng cụ diệt muỗi; loại bỏ các dụng cụ chứa nước thải, nước đọng, nuôi cá trong bể nước để diệt bọ gậy; ngủ màn, mặc quần áo dài tay...
Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu song đã có vaccine tại Việt Nam, được cung ứng trong tiêm chủng dịch vụ. Vaccine tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn, giúp phòng hiệu quả 4 type huyết thanh virus Dengue lưu hành, giảm nguy cơ mắc bệnh hơn 80% đồng thời giảm nguy cơ nhập viện hơn 90%.
Đối với người đã mắc bệnh, cần chờ khỏi bệnh trong 6 tháng mới nên tiêm. Phụ nữ nên tiêm vaccine trước 3 tháng hoặc tối thiểu 1 tháng trước khi mang thai.
Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau ba tháng. Trước tiêm, người dân không cần xét nghiệm xác định đã nhiễm Dengue hay chưa.
Diệu Bình