Thống kê của Bộ Y tế ngày 17/8, tỷ lệ trẻ 5-11 tuổi tiêm vaccine mũi một tại TP HCM đạt hơn 52%, thấp thứ ba cả nước. Tỷ lệ tiêm mũi hai ở nhóm tuổi này của thành phố là hơn 30%, thấp thứ 4 cả nước, bốn địa phương khác cũng thấp là Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương.
Từ tháng 8, TP HCM tổ chức tháng cao điểm tiêm vaccine phòng Covid cho trẻ, trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng do biến chủng Omicron, số trẻ F0 nhập viện có dấu hiệu tăng trở lại và đều chưa tiêm vaccine. Số mũi tiêm hai tuần qua tăng so với trước, song vẫn còn thấp.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) vừa khảo sát gần 2.800 phụ huynh có con từ 5 đến dưới 18 tuổi ở các quận huyện, ghi nhận hơn 30% chưa đồng ý cho trẻ tiêm vaccine. Nhiều phụ huynh cho biết trì hoãn tiêm vì trẻ đang mắc các bệnh cấp tính, đang trong thời gian nghỉ hè không có mặt tại thành phố, trẻ đã mắc Covid trước đó. Đặc biệt, hai lý do thuộc về cảm nhận chủ quan của phụ huynh là lo vaccine gia hạn và sợ trẻ bị tác dụng phụ.
Tuần trước, HCDC cũng khảo sát nhanh 600 phụ huynh, ghi nhận nhiều trường hợp chưa nhận được tin nhắn của nhà trường kêu gọi, hướng dẫn đưa trẻ đi tiêm. Ngành y tế sau đó đã phối hợp ngành giáo dục và các địa phương tăng cường gửi tin nhắn, truyền thông, hướng dẫn phụ huynh đưa trẻ đến điểm tiêm.
Trả lời VnExpress, chị Hoàng Anh, phụ huynh có con học lớp 8, ngụ quận 7, cho biết con gái đã tiêm hai mũi hồi cuối năm ngoái. Tháng 3 năm nay, bé mắc Covid, chỉ bị sốt một ngày là khỏi, không triệu chứng gì. "Vaccine này mới có tuổi đời khoảng hai năm, các tác dụng phụ còn chưa được kiểm chứng hết nên gia đình tạm thời không cho tiêm thêm nữa vì thấy bé đã có miễn dịch nhất định", chị nói.
Tương tự, chị Hà Minh, ngụ quận Gò Vấp, không cho con đi tiêm nhắc lại vì bé có thể trạng bình thường, sức khỏe tốt, không bệnh nền, đã từng mắc Covid nhưng "triệu chứng nhẹ hơn cả bị cảm cúm". Bản thân chị đã tiêm ba mũi vaccine, cảm thấy rụng tóc nhiều, trị nhớ giảm hơn trước nên không muốn con phải tiêm.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng những phản ứng phụ khi tiêm vaccine là hoàn toàn có thể xảy ra và hầu hết là triệu chứng nhẹ. Đến nay, hàng trăm nghìn lượt tiêm trên địa bàn thành phố đều được đảm bảo an toàn khi tiêm. Ngành y tế cùng với nhà trường luôn chuẩn bị tốt để sẵn sàng phát hiện và xử trí kịp thời nếu có phản ứng không mong muốn.
Ngoài ra, những lô vaccine khi được phép gia hạn sử dụng đều đã được thẩm định đảm bảo chất lượng trên toàn thế giới. Sản phẩm vẫn giữ được độ bền, chất lượng và độ tinh khiết khi được bảo quản theo các điều kiện bảo quản trên nhãn dán. Thời gian tới, các nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu và nếu đảm bảo tính ổn định, sẽ nộp hồ sơ để tiếp tục tăng hạn sử dụng của vaccine.
Theo bác sĩ Châu, vaccine ngừa Covid-19 là vũ khí quan trọng nhất để chấm dứt đại dịch, bảo vệ người dân, làm giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh. Việc tiêm các mũi nhắc lại nhằm khôi phục khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đã bị suy giảm theo thời gian, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người lớn tuổi và người mắc bệnh nền; bảo đảm duy trì miễn dịch cộng đồng, kiểm soát dịch bền vững.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, cho rằng nhiều người nghĩ nếu đã nhiễm biến chủng Omicron sẽ có miễn dịch tốt không cần tiêm nhắc lại. Điều này không đúng. Các nghiên cứu cho thấy khi nhiễm Omicron BA.1, nếu chưa tiêm chủng thì lượng kháng thể trung hòa tạo ra rất kém. Nếu nhiễm BA.1 sau khi đã tiêm chủng, kháng thể sẽ bảo vệ chống lại chính BA.1 tốt nhưng chống lại biến chủng như BA.4 và BA.5 rất kém. Do đó, cần tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 để đối phó với biến chủng mới.
"Miễn dịch cộng đồng sẽ giảm theo thời gian, do đó vẫn cần tiêm vaccine mũi nhắc lại. Việc này không chỉ tạo miễn dịch bền vững mà quan trọng là bảo vệ người tiêm", ông Dũng nói. Dù biến chủng mới đa số mọi người bệnh nhẹ nhưng vẫn có tỷ lệ nhất định bệnh nặng và không tránh khỏi một số người bị hậu Covid-19.
Lê Phương