Ngày 11/1, hầm Hải Vân 2 được thông xe, vượt tiến độ xây dựng 3 tháng so với kế hoạch. Chủ đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả công bố hầm mở cửa cho phương tiện lưu thông trong 20 ngày dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 1 đến 21/2, tức từ ngày 20 tháng Chạp đến 10 tháng Giêng năm Tân Sửu). Sau đó tuyến hầm sẽ tạm dừng vận hành, còn hầm cũ Hải Vân 1 vẫn hoạt động bình thường.
Theo ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Đèo Cả, kinh phí vận hành hầm Hải Vân 1 là gần 100 tỷ mỗi năm, hầm Hải Vân 2 tương tự. "Đóng hầm Hải Vân 2 do chủ đầu tư đang khó khăn về tài chính, thiếu kinh phí vận hành. Đây là việc không mong muốn để chờ cơ quan quản lý giải quyết các kiến nghị về tài chính của dự án", ông Nam nói.
Theo đại diện Chủ đầu tư, hầm Hải Vân 2 là một trong bốn dự án thành phần thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả, bao gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, hầm Cù Mông và Hải Vân 2 với tổng vốn đầu tư vốn đầu tư 21.612 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ 5.048 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 16.564 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cho phép nhà đầu tư sử dụng 6 trạm thu phí là Đèo Cả, Bàn Thạch, Cù Mông, La Sơn - Túy Loan, Phước Tượng - Phú Gia và Ninh An để hoàn vốn cho các hầm trong khoảng 27 năm.
Riêng hầm Hải Vân 2 và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 8.516 tỷ đồng, là tuyến hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, được xây dựng trên nền hầm lánh nạn của Hải Vân 1 trước đây.
Năm 2017, sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, tái định cư hầm Cổ Mã, phần vốn Nhà nước 5.048 tỷ đồng còn lại 1.180 tỷ đồng. Chính phủ đã quyết định sử dụng kinh phí này để giải phóng mặt bằng, tái định cư hai dự án hầm Cù Mông và Hải Vân 2. Tuy nhiên hiện số vốn này vẫn chưa được bố trí, hoàn trả lại cho các dự án hầm.
Ngoài ra, trong 6 trạm thu phí được Nhà nước cam kết cho doanh nghiệp ký hợp đồng thu phí để hoàn vốn dự án, đến nay cao tốc La Sơn - Túy Loan chưa thực hiện được. Theo tìm hiểu, đây là dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nên doanh nghiệp không được quyền thu phí.
"Dự án hầm Hải Vân 2 là công trình xây dựng cuối cùng trong số bốn hầm đường bộ, việc không nhận được khoản hỗ trợ 1.180 tỷ đồng và không được thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan khiến phương án tài chính bị phá vỡ", ông Ngọ Trường Nam cho hay.
Thời gian qua, để hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch, nhà đầu tư đã chịu khoản lãi vay ngân hàng để bù đắp nguồn vốn thiếu, riêng chi phí lãi vay cho phần vốn 1.180 tỷ đồng đã phát sinh thêm khoảng 300 tỷ đồng.
"Việc thu phí tại trạm Bắc Hải Vân là để hoàn vốn cho việc sửa chữa hầm Hải Vân 1 và dự án Phú Gia - Phước Tượng, không đủ kinh phí vận hành hầm Hải Vân 2", ông Nam giải thích thêm và cho rằng việc đóng cửa hầm gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.
Trong năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần kiến nghị Thủ tướng xem xét bố trí vốn ngân sách hỗ trợ dự án hầm Hải Vân 2, qua đó thực hiện cam kết hợp đồng và bảo đảm hiệu quả tài chính của dự án. Ngoài ra, để bù đắp nguồn vốn không thu phí trạm La Sơn - Túy Loan, nhà nước cần bù đắp cho dự án khoảng 2.280 tỷ đồng.
Gần nhất vào ngày 28/12/2020, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục kiến nghị Chính phủ giải ngân vốn nhà nước cam kết hỗ trợ cho dự án hầm Hải Vân 2, với số tiền 1.180 tỷ đồng. Bộ này đề xuất trước mắt Chính phủ chấp thuận bố trí 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng cho dự án, phần còn lại cân đối trong năm 2020, 2021 và kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021- 2025.
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải), các dự án PPP cần có sự hỗ trợ của nhà nước để bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.
"Đóng cửa hầm Hải Vân 2 gây thiệt hại của người dân và doanh nghiệp, không ai mong muốn điều đó. Chúng tôi hy vọng Chính phủ sớm giải quyết kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải và doanh nghiệp", ông Huy nói.
Hầm Hải Vân 2 dài 6,2 km được xây dựng nhằm ngăn ngừa tình trạng quá tải ở hầm Hải Vân 1 hiện nay. Công trình hầm đường bộ Hải Vân rút ngắn đáng kể đoạn đường qua đèo Hải Vân, nối liền Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng từ 21 km xuống còn hơn 6,2 km, bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương trong khu vực.