Ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, đại diện nhà đầu tư, thông tin như trên chiều 25/11.
Theo ông, chi phí vận hành hầm Hải Vân 2 ước khoảng 150 tỷ đồng mỗi năm, trong khi đó dự án đang bị vỡ phương án tài chính do thiếu hụt nguồn vốn mà Nhà nước cam kết hỗ trợ là 1.180 tỷ đồng.
"Nhà đầu tư đã huy động hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, hoàn thành công trình theo hợp đồng, song đến nay ngân hàng đang tái cơ cấu nợ nên doanh nghiệp phải tập trung trả nợ, không có vốn cho vận hành hầm", ông Thắng nói và cho hay nếu cơ quan chức năng cam kết giải ngân vốn, đơn vị sẽ tiếp tục làm việc với ngân hàng để có thể đưa hầm Hải Vân 2 vào khai thác.
Hôm 20/11, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã kiểm tra hầm Hải Vân, chấp thuận kết quả nghiệm thu của Bộ Giao thông Vận tải, đánh dấu mốc hoàn thành hầm Hải Vân 2.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đã báo cáo Chính phủ các vướng mắc về phương án tài chính của dự án hầm Hải Vân 2; trong đó kiến nghị Chính phủ sớm bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 để hỗ trợ dự án theo đúng chủ trương và cam kết trong hợp đồng. "Dự kiến cuối tháng 11 sẽ có thông báo của Chính phủ về vấn đề này", vị này cho hay.
Hầm Hải Vân 2 có tổng mức đầu tư 8.516 tỷ đồng, là một dự án thành phần nằm trong dự án hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông với tổng vốn đầu tư 26.154 tỷ đồng. Trong đó vốn nhà nước tham gia là 5.048 tỷ đồng, phần nhà đầu tư huy động 21.106 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư được thu phí tại 7 trạm BOT để hoàn vốn dự án. Đến nay các dự án hầm đều đã hoàn thành.
Hầm Hải Vân 2 dài 6,2 km quy mô 4 làn xe được xây dựng nhằm ngăn ngừa tình trạng quá tải ở hầm Hải Vân 1 hiện nay, góp phần đảm bảo lưu thông tuyến hầm giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.