Anh Nam, ở quận Đống Đa, hôm 5/12 bị mất khứu giác, tự test nhanh tại nhà và gọi y tế phường hỗ trợ. Nhà anh có 7 người, gồm: cụ già 91 tuổi, bố mẹ ngoài 60 tuổi và gia đình anh trai có cháu nhỏ 2 tuổi. Sáng hôm sau, phường liên lạc lại yêu cầu ra trạm y tế test nhanh, nhưng ba ngày tiếp theo mới có kết quả. Trong thời gian chờ, nhân viên y tế yêu cầu anh tự cách ly tại nhà.
Bà Lan (mẹ của Nam) cho biết cả nhà đã tiêm vaccine nhưng vẫn lo lắng vì không được hướng dẫn, hỗ trợ gì từ y tế cơ sở như thuốc hay test xét nghiệm... Sốt ruột, anh trai Nam và vợ con tự đến cơ sở tư nhân để test nhanh, kết quả hai mẹ con dương tính, được đưa đi cách ly. Vài ngày sau, anh trai Nam và bố cũng test nhanh dương tính.
"Vì không được ai hướng dẫn nên gia đình tôi tự cách ly tại nhà, mỗi người một phòng riêng. Chúng tôi liên tục gọi y tế phường nhưng máy bận nên đành tự chăm sóc cho mình", bà Lan nói.
Anh Sơn, 30 tuổi, ở Nam Từ Liêm, nghi ngờ mắc Covid-19 từ ngày 25/11, đã thông báo y tế phường và Ban quản lý tòa nhà. Ban đầu, anh được nhân viên y tế hướng dẫn uống vitamin, điện giải và dặn ở yên tại chỗ, tránh lây lan, chờ phường đến lấy mẫu. Đến chiều hôm sau, nhân viên y tế phường đến nhà lấy mẫu gộp xét nghiệm PCR. 23h đêm 27/11 có kết quả dương tính, phường tiếp tục vào nhà lấy mẫu đơn. Hai ngày sau, anh nhận được một bộ đồ bảo hộ do nhân viên y tế phát và dặn 16h chiều được chuyển đi cách ly. "Song đến 9h sáng hôm sau, tôi mới được xe cấp cứu 115 đón. Lúc đó, sức khỏe đã ổn hơn rất nhiều rồi", anh nói.
Cũng không được hỗ trợ kịp thời từ y tế phường, anh Phong ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai, phải viết đơn gửi chính quyền. Anh cho biết tầng chung cư có một gia đình F0, hai trẻ nhỏ mà không có sự quan tâm, không có hướng dẫn để xử lý rác thải và không điều trị thuốc men cho người bệnh. Lá đơn của anh không được lãnh đạo địa phương xử lý, anh bèn đưa lên mạng xã hội cầu cứu.
"Chúng tôi là người lớn đã tiêm hai mũi vaccine nhưng còn các cháu nhỏ cần được thăm nom, điều trị kịp thời", anh nói.
Gần đây, các bệnh viện Hà Nội như Thanh Nhàn, Đức Giang luôn tiếp nhận F0 tự đến viện sau khi test nhanh tại nhà. Hầu hết người bệnh lo lắng, mong muốn được điều trị Covid-19 tại bệnh viện thay vì cơ sở thu dung. Một số ít không được cán bộ y tế địa phương hướng dẫn, khó liên hệ y tế cơ sở nên tự đến bệnh viện. Trạm y tế xã phường rất đông bệnh nhân, mẫu xét nghiệm lớn nên đôi khi "cán bộ y tế khó có thể chu đáo hết với tất cả mọi người".
Ví dụ như quận Đống Đa, lãnh đạo quận cho biết đơn vị đang quá tải công việc, thiếu trầm trọng nhân lực. Cụ thể, phường Thổ Quan khoảng 20.000 người, phường phải hẹn người tự test dương tính đến trạm y tế xét nghiệm lại và phát thuốc, vào khung giờ và khu vực quy định. Hay phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa với hơn 40.000 dân chỉ có 8-10 nhân viên y tế.
Tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, lãnh đạo xác nhận tình trạng y tế cơ sở quá tải do người mắc Covid tăng cao và việc di chuyển F0 phải phụ thuộc cơ sở thu dung có tiếp nhận hay không.
Một cán bộ y tế ở quận Nam Từ Liêm, nói dịch đang rất căng thẳng, "việc điều chuyển bệnh nhân có chậm trễ nên mong người dân thông cảm cho lực lượng y tế, không nên quá sốt ruột". Ngoài ra, việc điều chuyển bệnh nhân còn chờ vào kết quả PCR nhưng do mẫu xét nghiệm lớn nên không thể "cứ test nhanh dương là đi bệnh viện".
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội hôm 9/12 nhìn nhận nhiều xã, phường đang thiếu nhân lực y tế. Nhiều quận, huyện có số dân lên tới 90.000 mà chỉ có một trạm y tế. Đa số trạm đối mặt với tình trạng cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế thiếu thốn, xuống cấp.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết số mẫu cần xét nghiệm rất lớn và lực lượng y tế tập trung xử lý. Ông so sánh trước đây cứ 1.000 mẫu thì tất cả đều âm tính nên thời gian xét nghiệm nhanh, còn hiện số mẫu tăng nhiều hơn, phải làm "cẩn thận, chắc chắn, có mẫu dương tính phải xét nghiệm tới lần thứ 2, 3 mới có kết quả khẳng định nên chậm". Mỗi ngày Hà Nội xử lý trên 10.000 mẫu xét nghiệm trong đó có cả mẫu cách ly và nhiều mẫu phải xét nghiệm nhiều lần.
Bên cạnh đó, quy trình xử trí, tiếp nhận điều trị là do cơ sở y tế tuyến dưới phân loại và điều chuyển. Việc di chuyển bệnh nhân vào lúc nào, đến cơ sở nào phụ thuộc vào quy định phân luồng, số giường còn trống, tình trạng người bệnh và năng lực đáp ứng của hệ thống y tế tại thời điểm đấy, "cố gắng đáp ứng kịp thời, nguyên tắc không để dịch bùng phát".
Tuy nhiên, tình huống này đã được thành phố cũng lường tính cụ thể, "ở mức độ nào sẽ xử lý ở mức độ đó và làm một cách phù hợp nhất", theo Phó giám đốc CDC.
Trước diễn biến dịch phức tạp, Hà Nội đã triển khai nhiều kế hoạch và sẵn sàng các kịch bản ứng phó.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo bố trí thêm trạm y tế lưu động ở địa bàn đông dân. Từng quận, huyện, thị xã phải xác định nhu cầu bố trí trạm y tế lưu động theo số dân và cấp độ dịch. Ông cho rằng "thắng bại trong cuộc chiến chống dịch hiện nay nằm ở y tế cơ sở".
Các bác sĩ kiến nghị Sở Y tế đào tạo cán bộ y tế cấp huyện và trung tâm y tế phường biết cách phân tầng và giám sát, hướng dẫn F0 kịp thời. Sở Y tế tập huấn cho nhân viên y tế kiến thức chuyên môn chăm sóc F0, để họ tin tưởng, yên tâm theo dõi tại nhà, tránh trực tiếp đến viện gây khó và rối phân luồng điều trị.
Bộ Y tế cho phép Hà Nội sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên để xác định F0, thay vì chờ xét nghiệm PCR mang tính khẳng định. Thành phố đang lên kế hoạch triển khai.
Tuần qua, số ca mắc mới tại thủ đô bình quân hơn 750 ca/ngày so với khoảng 460 ca/ngày một tuần trước đó. Con số được dự báo sẽ tiếp tục tăng dù thành phố triển khai nhiều biện pháp kiểm soát. Hiện, toàn thành phố có gần 10.000 ca đang điều trị, đa số là bệnh nhân nhẹ và không triệu chứng.
*Tên nhân vật đã thay đổi
Thùy An