Một cuộc gọi vừa dứt, chuông điện thoại của bác sĩ Mai lại vang lên. Người ở đầu dây bên kia, là F1, đang hỏi kết quả xét nghiệm PCR. Giọng khàn đặc, bác sĩ Mai dặn họ bình tĩnh chờ thêm do bên đơn vị xét nghiệm đang quá tải mẫu. Ngồi kế bên chị Mai, một cán bộ y tế khác cũng đang hướng dẫn cho F0 cách ly tại nhà.
Trung bình mỗi ngày qua, nhân viên y tế phường Ô Chợ Dừa thay phiên xử lý khoảng 1.000 cuộc gọi, nội dung hướng dẫn người dân khai báo, thông báo kết quả xét nghiệm hoặc tư vấn điều trị F0, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm... Số điện thoại của mỗi nhân viên y tế phường đều được công khai để người dân liên hệ y tế. "Nhiều khi tưởng số điện thoại cá nhân là hotline của phường", bác sĩ Mai cho hay.
Theo bác sĩ Mai, y tế phường vốn đã chuẩn bị các phương án xử lý dịch, thế nhưng khi số ca tăng nhanh từ tháng 10, họ rơi vào thế bị động, lúng túng vì phải làm lượng lớn thủ tục hồ sơ, không kịp xác minh nhiều trường hợp. Ngoài ra, nhân lực tại phường khá mỏng (8 nhân viên y tế) trong khi dân số hơn 40.000. Tám người chia 4 ca để trực đêm, còn ban ngày làm việc từ sáng đến tối mịt, "hiếm ai về nhà trước 17h, theo giờ hành chính".
Bác sĩ Thanh (cán bộ y tế phường Thổ Quan), cũng nhiều đêm trắng cùng đồng nghiệp xử lý số liệu. Đây là một trong 7 phường dịch ở cấp độ 3 của thành phố, ghi nhận hơn 120 F0, điều trị khoảng 20 F0 tại nhà. Hiện, dân số phường khoảng 20.000 người, có 8 nhân viên y tế thay phiên làm việc. Theo bác sĩ, phường rất đông bệnh nhân, công việc nhiều, nên mọi cuộc gọi đều phải ngắn gọn và nhanh nên đôi khi "cán bộ y tế khó có thể chu đáo hết với tất cả mọi người".
Bác sĩ cho rằng địa bàn phường mật độ dân cư cao, nhà ở san sát, diện tích nhỏ, không có phòng riêng nên khi một người mắc thì cả nhà mắc. Mỗi ngày, 8 nhân viên y tế chia nửa quân số đi các điểm tiêm vaccine, nửa còn lại ở tại phường xử lý công việc. Bác sĩ Thanh chia sẻ "hơn 20 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi thấy đồng nghiệp mình 'ăn vội, nghỉ vội' và quá tải công việc như lúc này".
Đống Đa đang là quận màu cam (cấp độ nguy cơ cao) duy nhất tại Hà Nội, ghi nhận hơn 1.300 F0 trong hai tuần, diễn biến phức tạp, nhân viên y tế luôn trong tình trạng thiếu thời gian để hoàn thành công việc. Ngày 13/12, quận tạm dừng tất cả hoạt động không thiết yếu và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Quận này có đến 7 phường, trong số 13 phường dịch ở cấp độ 3 của thành phố.
Theo quy trình tiếp nhận F0 của Sở Y tế, người dân có triệu chứng nghi ngờ hoặc xét nghiệm dương tính sẽ thông báo với y tế địa phương. Nhân viên y tế đến nhà lấy mẫu xét nghiệm, người dương tính không được tự ý đi đến viện. Tuy nhiên, hiện F0 tăng, y tế phường không đủ nhân lực đến tận nơi xử lý, đành hẹn người tự test dương tính đến trạm y tế xét nghiệm lại và phát thuốc, vào khung giờ và khu vực quy định. Người không phải là F0 thì không được vào trạm y tế trong khung thời gian này.
"Cách này vừa giúp tiết kiệm nhân lực và trang thiết bị vừa tránh bỏ sót ca bệnh, người dân được hướng dẫn cách phòng lây nhiễm khi di chuyển đến trạm", bác sĩ Thanh nói. Sau khi có kết quả xét nghiệm lại dương tính, nhân viên y tế phân loại F0 theo triệu chứng, trường hợp nhẹ hoặc không triệu chứng thì cách ly tại nhà. Cả hai phường (Ô Chợ Dừa, Thổ Quan) cấp phát túi thuốc A cho F0 tại nhà, gồm vitamin C và paracetamol. Trường hợp F0 trở nặng, nhân viên y tế liên hệ bệnh viện tầng 2 và cấp cứu 115 để vận chuyển đến viện.
Trả lời VnExpress, lãnh đạo trung tâm y tế quận Đống Đa nhìn nhận đơn vị đang gặp tình trạng quá tải công việc, thiếu trầm trọng nhân lực khi lập thêm trạm y tế lưu động và điều trị F0 tại nhà. Nhiều cán bộ trong thời gian làm nhiệm vụ bị mắc Covid, nhân lực đã thiếu lại càng thiếu. Chưa kể, ngoài Covid-19 còn xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết do khu vực đông dân cư nên áp lực tăng lên hàng ngày. "Nhân viên y tế dự phòng khi chuyển sang điều trị Covid gặp khó khăn, vừa phải phân loại bệnh nhân vừa điều trị F0 tại nhà nên cần tập huấn thêm", vị lãnh đạo này nói.
Gần đây mỗi ngày quận Đống Đa ghi nhận thêm hơn 100 bệnh nhân. Một số F0 là phụ nữ có thai, người có bệnh nền hoặc không đáp ứng được các điều kiện về nơi ở... phải điều trị tập trung. Chiều 14/12, quận Đống Đa vận hành cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ với 600 giường, đặt tại khu ký túc xá Đại học Thủy lợi. Quận dự kiến sẽ lập các cơ sở thu dung khác nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng nhanh.
Thiếu nhân lực y tế cơ sở tại tuyến phường, xã đang là tình hình chung tại Hà Nội, nhất là khi số ca nhiễm tăng cao. Các bệnh viện tuyến cuối thay vì chỉ điều trị ca nặng thì tiếp nhận cả F0 nhẹ hoặc không triệu chứng để giảm áp lực cho các cơ sở y tế khác.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà trả lời chất vấn của HĐND thành phố sáng 9/12, cho biết trạm y tế tuyến cơ sở phải chiến đấu với dịch bệnh, xã phường đông dân số như Hoàng Mai, Đống Đa, trên 30.000 dân chỉ có tối đa 5 đến 10 cán bộ y tế. Ngoài ra, thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị xuống cấp nên y tế gặp nhiều khó khăn. Sở Y tế thành phố đưa ra một số chính sách thu hút và đãi ngộ, tăng thu nhập, đào tạo nhân lực đầu vào...
Ở trung tâm y tế, bác sĩ Mai chuyển bớt thời gian nghe, gọi điện thoại sang xử lý online, hướng dẫn người dân thông qua mạng và liên tục tìm cách bổ sung thêm người để giảm bớt áp lực. Trưa nay, chị vừa cắt đi mái tóc dài, nói để tiện cho công việc, bớt 30 phút gội sấy mỗi ngày. Bác sĩ cho rằng công việc hiện tại ở trạm y tế cần bớt thủ tục điều tra dịch tễ để bác sĩ chuyên tâm điều trị F0 tại nhà. "Thời điểm này Hà Nội chưa đến nỗi như TP HCM đỉnh dịch vào giữa năm, song cũng rối loạn và vất vả cho nhân viên y tế", bác sĩ nói và chia sẻ thêm rằng mình may mắn được gia đình động viên, người dân thông cảm, "chưa bao giờ nghĩ tỉnh dậy sẽ không đi làm nữa vì rất nhiều người cần mình".
Bác sĩ Thanh thì động viên bản thân và đồng nghiệp xác định làm ngành y là phải đương đầu, "không yêu nghề không theo đến lúc này". Chị tự hào khi nhân viên trong phường đều nhiệt tình, phối hợp với nhau để hoàn thành công việc dù áp lực bộn bề.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 19.210 ca Covid-19. Tối 13/12, Bộ Y tế công bố thành phố 1.000 ca, cao nhất cả nước. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm trong một ngày ở thủ đô lên 1.000.
Cùng ngày, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo thành phố xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày. Hà Nội đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Thành phố cũng đã triển khai thi công xong hệ thống oxy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí oxy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà.
Hôm nay, Bộ Y tế cho phép Hà Nội sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên để xác định F0, thay vì chờ xét nghiệm PCR mang tính khẳng định. Hà Nội xây dựng kịch bản ứng phó 100.000 ca, đảm bảo 2.000 giường hồi sức cấp cứu và đào tạo năng lực hồi sức cấp cứu...
* Tên nhân vật đã thay đổi
Thùy An