Chiều 17/8, dòng xe đông đúc dừng tại chốt kiểm soát giao lộ Nơ Trang Long - Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, chờ kiểm tra giấy tờ. Lực lượng công an, quân sự, trật tự đô thị thay phiên nhau kiểm tra từng người. Việc kiểm tra những người có thẻ của cơ quan y tế, ngân hàng, lực lượng công vụ... diễn ra nhanh. Nhiều shipper đeo thẻ nhận diện, băng tay, người làm việc ở các doanh nghiệp thiết yếu được phép hoạt động đều có giấy xác nhận để qua chốt.
Tuy nhiên, một số người không có giấy xác nhận, trình bày lý do mua thực phẩm, thuốc men, chỉ tay vào túi đựng nhu yếu phẩm treo trên xe để chứng minh. Họ cũng đưa giấy tờ tuỳ thân chứng minh nhà gần đây nên được lực lượng chức năng nhắc nhở và thông cảm cho qua.
Theo cán bộ CSGT tổ trưởng chốt kiểm soát, khi thành phố cho phép một số ngành nghề được hoạt động từ ngày 16/8, như: cơ sở bánh mì, hủ tiếu, công chứng, bảo hiểm, phòng khám... khiến lượng người ra đường tăng lên. Trước đây việc kiểm soát có thể diễn ra với từng người, nhưng hiện cao điểm buổi sáng chỉ kiểm tra xác suất. Trường hợp không có thẻ, biểu hiện nghi ngờ ra đường không lý do mới bị kiểm tra. Có lúc lượng xe tập trung đông buộc phải xả trạm để không ùn tắc.
"Chốt kiểm soát nằm gần bệnh viện nên xe cấp cứu qua lại liên tục. Khi có xe cứu thương hụ còi là anh em phải xả trạm, nhường đường cho xe qua", cán bộ CSGT nói và cho biết lực lượng shipper hiện được giao hàng liên quận huyện nên qua chốt khá đông vào buổi trưa.
Đứng chờ người thân đang chạy thận nhân tạo trước cổng Bệnh viện nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh), ông Nguyễn Minh Hoàng, 55 tuổi, nói những ngày gần đây xe đông gấp 3-4 lần so với trước. "Tuần nào tôi cũng đưa người thân đi chạy thận 3 lần, thấy xe tăng cao hơn hẳn tháng trước. Tiếng động cơ, còi xe cũng nhiều hơn", ông Hoàng nói và cho biết nhiều đường gần đó như Phan Đăng Lưu, Lê Văn Duyệt, Chu Văn An... cũng khá đông đúc, nhất là vào buổi trưa. Ở các ngã tư dừng đèn đỏ, xe máy, ôtô dồn lại dài cả chục mét.
Khu vực trung tâm thành phố, một số tuyến đường như Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Võ Thị Sáu (quận 3), Ba Tháng Hai (quận 10)... xe cộ cũng đông đúc. Tại chốt kiểm soát trên đường Võ Thị Sáu, quận 3, lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ từng người, hầu hết cho qua sau vài giây. "Bây giờ ai ra đường cũng có giấy xác nhận, thẻ đi làm. Nhiều giấy tờ bị nhàu, thậm chí rách không đọc được nên anh em thông cảm cho qua để tránh ùn tắc, tránh lây ", cán bộ công an tại chốt cho biết.
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải cho thấy, xe trên các tuyến đường ở thành phố những ngày gần đây tăng đột biến so với trước. Từ lúc TP HCM thực hiện Chỉ thị 16, lưu lượng xe trên các tuyến đường giảm cao nhất 86% hôm 11 và 25/7 so với trước khi giãn cách xã hội. Các ngày sau, từ 26 đến 30/7, lưu lượng xe chỉ giảm trung bình từ 74-79%.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, mật độ xe các tuyến đường tăng cao hơn, khi nhiều ngày tỷ lệ giảm chỉ từ 65-69%. Cá biệt hôm 15/8, lượng xe giảm 83% - nhiều nhất tính từ đầu tháng 8, nhưng trở về tỷ lệ giảm 69% ngày hôm sau. Vào ban đêm, sau khi TP HCM siết chặt đi lại, chỉ một số người được ra đường 18h-6h khiến lượng xe giảm 91-94% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16.
Hiện, xe máy được thống kê là phương tiện chính chạy trên các tuyến đường. Từ ngày 9 đến 16/8, tỷ lệ xe máy chiếm trung bình từ 40-46% trong tổng các loại xe. Kế đến là xe tải, chiếm từ 28-35%; ôtô con từ 16-28%.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá tình hình Covid-19 ở TP HCM vẫn phức tạp nên việc giãn cách cần ưu tiên hàng đầu. Bởi nếu không làm tốt, công sức chống dịch vừa qua ở thành phố có thể "đổ sông đổ biển". "Dịch đã nhiễm sâu trong cộng đồng, trong khi nhiều người không có triệu chứng. Do đó nếu không kiểm soát giãn cách tốt sẽ không thể cắt được nguồn lây", ông Nga nói và lo ngại trước tình trạng đường phố TP HCM đang đông xe trở lại, khó đảm bảo hạn chế tiếp xúc, giao tiếp...
Không loại trừ nguyên nhân một số người vẫn có tâm lý chủ quan, nhưng ông Nga cho rằng lý do chính khiến người dân ra đường nhiều hơn những ngày qua bởi họ quá "bí bách" sau gần 3 tháng thành phố giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ. Nhiều người hoàn cảnh khó khăn, mất việc, chưa được nhận tiền hỗ trợ Covid-19... buộc ra đường tìm cách duy trì cuộc sống.
Một nguyên nhân khác, theo ông Nga là nhiều địa điểm cách ly, phong toả, bệnh viện quá tải dẫn đến việc tiếp tế, chăm sóc khó khăn. Điều này khiến người nhà các gia đình ra đường nhiều hơn để mua bán tiếp tế thuốc men, nhu yếu phẩm; shipper vận chuyển hàng... "Do đó thành phố cần đảm bảo người dân không thiếu ăn, chỗ ở và có chính sách hỗ trợ bằng tiền, lương thực, thực phẩm... để hạn chế ra đường", ông Nga nói và cho rằng việc thiết lập "vùng xanh" không chỉ những nơi không còn dịch mà cần phải ổn định cả tinh thần cho người dân.
Tại cuộc họp chiều 16/8, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nhìn nhận việc kiểm soát dịch thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào "giãn cách giữa người với người". Vì vậy, các quận huyện phải thực hiện nghiêm tinh thần "ai ở đâu ở đó", đặc biệt các khu phong tỏa. Ông yêu cầu các sở ngành đo lường lượng xe ra đường, đồng thời chỉ đạo các địa phương lên kế hoạch thực hiện từng ngày, tranh thủ kiểm soát được dịch bệnh.
Đến tối qua, TP HCM ghi nhận 156.186 ca nhiễm. Hiện, thành phố tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 15/9, dài nhất từ trước đến nay.
Hà An - Gia Minh