Thông tin được ông Nguyễn Thành Phong nói tại cuộc họp trực tuyến chiều 16/8 về triển khai Kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 trên địa bàn theo Nghị quyết số 86 ngày 6/8 của Chính phủ.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh TP HCM ghi nhận 152.627 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư, trải qua 39 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 16 tăng cường.
Theo ông Phong, trước đây số ca nhiễm mới ghi nhận hàng ngày chủ yếu trong khu phong tỏa, nhưng những ngày gần đây, số lượng F0 mới trong cộng đồng có xu hướng tăng lên.
"Riêng ngày 16/8, thành phố ghi nhận 3.341 ca nhiễm mới thì số ca ngoài cộng đồng chiếm 53%, cao hơn cả trong khu phong tỏa", ông Phong nói và yêu cầu các quận huyện cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, tranh thủ từng giờ, từng phút để thành phố sớm quay lại trạng thái bình thường mới.
Quận 1 là địa bàn ghi nhận nhiều ca nhiễm trong cộng đồng những ngày qua, Chủ tịch UBND thành phố đề lãnh đạo địa phương này lưu ý ổ dịch ở khu vực Chợ Gà, chợ Gạo vì nơi đây người dân sống đông đúc, rất dễ lây lan dịch.
Ông cũng đề nghị UBND các quận huyện sớm cụ thể hóa Nghị quyết 86 trên từng tổ dân phố, phường, xã; đặc biệt cần chủ động thống kê đầy đủ người dân khó khăn để kịp thời hỗ trợ.
"Khi chưa có dịch, người dân đem sức lao động đóng góp sự phát triển cho thành phố. Mùa dịch này, họ không đi làm được, không có thu nhập thì các địa phương phải chăm lo đầy đủ cho họ, không được bỏ sót người nào", ông Phong yêu cầu.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố, việc kiểm soát dịch thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào việc giãn cách giữa người với người. Kiểm soát được sẽ là tiền đề để cắt nguồn lây nhiễm. Vì vậy, các quận huyện phải thực hiện nghiêm đúng tinh thần ai ở đâu ở đó, đặc biệt là ở các khu phong tỏa.
"Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông Vận tải đo lường lượng phương tiện ra đường, báo cáo hàng ngày. Các quận huyện lên kế hoạch thực hiện trong từng ngày, tranh thủ để kiểm soát cho được dịch bệnh", ông Phong nói.
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói rằng tình hình dịch trên địa bàn rất nghiêm trọng nên trách nhiệm của lãnh đạo các quận huyện rất nặng nề. Ông ví thành phố "đang đi trong cơn bão lớn" nên muốn vượt qua phải cố gắng bằng chính sức của mình.
"Dịch kéo dài mấy tháng rồi, chúng ta ai cũng thèm một ngày không Covid-19 lắm nên phải cùng nhau cố gắng hết sức để vượt qua. Cuộc chiến này còn 30 ngày nữa và chỉ có một con đường để vượt qua nó", ông Nên chia sẻ với lãnh đạo các quận huyện, sở ngành.
Người đứng đầu Thành ủy thành phố cũng lưu ý các quận huyện phải tập trung lo vấn đề an sinh xã hội cho người dân, nhất là những người lao động, thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi dịch suốt mấy tháng qua.
"Một số trường hợp đã trả nhà trọ rồi, đang trên đường về mà mình mời ở lại thì phải tính chỗ ở cho người ta. Gói an sinh xã hội cũng phải phải theo dõi kĩ xem có tới tay từng người hay không, phải có người chịu trách nhiệm", ông Nên nói.
Trước đó, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cho biết theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, từ nay đến ngày 15/9, thành phố sẽ chia làm 3 giai đoạn với những mục tiêu cụ thể.
Trong đó, từ ngày 15/8 đến ngày 22/8, địa bàn sẽ tập trung kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19; không để trường hợp bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng mà không được điều trị. Ở giai đoạn này, chính quyền cũng xác định những chiến lược nhằm chuyển những "vùng đỏ - cam - vàng" thành "vùng xanh".
Giai đoạn thứ hai kéo dài từ ngày 23/8 đến ngày 31/8, thành phố đặt mục tiêu mở rộng "vùng xanh" trên bản đồ Covid-19. Trong tháng 8, TP HCM phấn đấu kiểm soát được dịch ở huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè và quận Phú Nhuận, 5, 7, 11.
Giai đoạn cuối cùng từ ngày 1/9 đến 15/9, các chuỗi lây, ca nhiễm trong cộng đồng cần được kiểm soát. TP HCM đặt mục tiêu số lượng F0 nhập viện điều trị mỗi ngày dưới 2.000 ca, không vượt quá số xuất viện mỗi ngày.
Hữu Công