Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết các tỉnh Đông Bắc Bộ đang có tình trạng mưa phùn, mưa nhỏ. Trong những ngày tới, khu vực duy trì nồm ẩm, trời lạnh về đêm và sáng với độ ẩm không khí cao hơn 90%.
Nồm gây ra các bất tiện trong sinh hoạt, đặc biệt là các vấn đề sức khỏe về đường hô hấp. Điển hình như gần đây, các ca bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, ho gà đều đồng loạt ghi nhận tăng.
Bác sĩ Đoàn Thị Khánh Châm, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC đã liệt kê 4 lý do khiến mùa nồm trở thành "mùa cần phòng bệnh hô hấp" và cách ngừa bệnh cho người sinh sống hoặc chuẩn bị di chuyển đến khu vực có nồm.
Độ ẩm tăng, vi khuẩn phát triển mạnh
Vào mùa nồm, độ ẩm lên đến 90% là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm và các vi sinh khác phát triển mạnh. Các tác nhân gây bệnh đường hô hấp như virus cúm, sởi, thủy đậu, adenovirus, RSV, vi khuẩn ho gà, phế cầu, não mô cầu đều sinh sôi trong môi trường có độ ẩm cao. Các tác nhân này đều lây qua đường hô hấp khiến một người mắc bệnh dễ lây cho những người xung quanh thông qua nói chuyện, tiếp xúc gần.
Để hạn chế tiếp xúc với các mầm bệnh, cần chú ý phòng ngừa như tiêm vaccine, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Bên cạnh đó kết hợp khử khuẩn, phơi khô các vật dụng cá nhân, chén đĩa, giữ nhà cửa khô ráo bằng một số mẹo như bật máy lạnh chế độ khô (dry), lau sàn bằng giẻ khô, không lau bằng nước.
Thiếu miễn dịch từ vaccine
Đề kháng của cơ thể là lá chắn giúp cơ thể chống lại các điều kiện thời tiết không thuận lợi. Việc bổ sung đề kháng bằng việc ăn uống đủ chất, tập luyện thể thao là việc cần duy trì lâu dài. Bên cạnh đó, tiêm vaccine là một trong các cách chủ động cung cấp miễn dịch đặc hiệu với các tác nhân gây bệnh phổ biến lây qua đường hô hấp như cúm, phế cầu, não mô cầu, sởi, thủy đậu, bạch hầu, ho gà.
Kiểm tra sổ tiêm chủng, bổ sung các mũi còn thiếu là việc nên làm trước các điểm giao mùa cũng như mùa nồm ẩm. Trong đó, vaccine có thành phần bạch hầu, ho gà thuộc nhóm 6 bệnh cần phòng ngay khi trẻ 2 tháng tuổi. Người lớn cũng cần chủ động tiêm vaccine phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván, tiêm nhắc mỗi 10 năm sau phác đồ cơ bản. Vaccine cúm tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người lớn, cần tiêm nhắc 1 mũi mỗi năm sau phác đồ cơ bản. Vaccine phế cầu tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn. Phác đồ tiêm ngừa vaccine phế cầu của người lớn (Prevenar 13) chỉ cần 1 mũi. Vaccine não mô cầu hiện đã có các loại phòng 5 chủng nguy cơ cao A, B, C, Y, W, tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn đến 55 tuổi. Vaccine sởi và thủy đậu tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi.
Cơ thể mất nước
Độ ẩm không khí quá cao, mồ hôi bay hơi chậm hơn gây cản trở cho cơ chế làm mát tự nhiên của cơ thể. Do đó để thoát nước ra khỏi da, cơ thể phải hoạt động nhiều hơn, các mạch máu mở rộng hơn để tăng tiết mồ hôi. Việc này khiến cơ thể dễ bị mất nước, muối đồng thời gây ra cảm giác nhờn dính trên da. Nếu cơ chế thoát nhiệt không thể hoạt động bình thường, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao, dễ gây ra tăng nhịp tim, đau đầu, mệt mỏi, chuột rút.
Để giảm tình trạng mất nước, cần duy trì uống nước dù không cảm thấy khát. Có thể kết hợp bổ sung nước và các chất dinh dưỡng bằng nước ép và ngũ cốc.
Tăng triệu chứng viêm
Độ ẩm cao có thể trực tiếp kích thích niêm mạc hô hấp, tăng tiết chất nhờn, co thắt phế quản dẫn đến ho, hắt hơi, khó thở. Cộng thêm sự phát triển mạnh các mầm bệnh dễ dẫn đến tình trạng viêm đường hô hấp như viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi. Người mắc bệnh mạn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, suyễn... dễ tăng nặng các triệu chứng hô hấp vào mùa nồm.
Việc mồ hôi đọng lại trên da do độ ẩm cao còn làm tăng các triệu chứng viêm da, chàm. Tình trạng bít tắc tuyến hô hôi còn khiến cơ thể khó chịu, ngứa và kích ứng da.
Để giảm tình trạng viêm đường hô hấp và da trong mùa nồm, cần chú ý vệ sinh thân thể, súc miệng bằng nước muối. Khi các triệu chứng viêm và dị ứng tăng nặng, cần thăm khám ở bác sĩ chuyên khoa, không tự ý mua thuốc hoặc dùng kháng sinh không có chỉ định khiến tình trạng nặng hơn.
Yên Chi