Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua tỉnh Bình Thuận dài hơn 100 km, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm qua Khánh Hòa dài 49 km, đã thông xe từ ngày 19/5. Sau hơn hai tháng hoạt động, tuyến đường huyết mạch ở miền Nam đã xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông, làm 5 người chết, 12 người bị thương.
Hai sự cố gần đây nhất trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết xảy ra tại huyện Bắc Bình vào khuya 24/7. Xe tải đông lạnh biển số Phú Yên đã tông ôtô chở heo đậu ở dải dừng khẩn cấp phía trước, khiến 2 người bị thương. Cách đó 7 km, một vụ va chạm giữa xe khách và ôtô 16 chỗ khiến 6 người bị thương.
Ông Nguyễn Huỳnh, tài xế thường chạy ôtô trên tuyến, cho biết khoảng cách hai làn xe cùng một bên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khá hẹp, lại không có làn khẩn cấp xuyên suốt, dễ xảy ra sự cố khi xe chạy buổi tối. Chưa kể chạy xe đường dài ban đêm, tài xế dễ buồn ngủ nhưng cao tốc không có trạm dừng chân.
"Cao tốc chưa hoàn thành các hạng mục đã đưa vào khai thác tiềm ẩn nguy cơ tai nạn", ông Huỳnh nói và cho hay tuyến đường chưa có đèn chiếu sáng, ban đêm xe dừng ở dải khẩn cấp không có tín hiệu báo từ xa rất nguy hiểm.
Trả lời VnExpress ngày 25/7, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, cho biết thông tin tai nạn trên tuyến do thiếu hệ thống cảnh báo an toàn và tín hiệu giao thông là không đúng. Dẫn chứng hai vụ tai nạn nói trên, ông Huy nói biên bản hiện trường của CSGT cho thấy tài xế xe sau chạy nhanh, thiếu quan sát đâm ôtô dừng trong dải khẩn cấp.
"Cao tốc khi cho thông xe đã hoàn thiện hệ thống cảnh báo an toàn giao thông và hệ thống chiếu sáng ở những nơi cần thiết", ông Huy nói.
Đối với nhu cầu nghỉ ngơi đường dài trên cao tốc, ông Huy cho biết tới đây, tuyến sẽ được xây hai trạm dừng nghỉ ở xã Hàm Trí (huyện Hàm Thuận Bắc) và xã Phong Phú (huyện Bắc Bình), cách nhau 60 km.
Mỗi điểm được bố trí hai trạm (mỗi trạm quy mô 5 ha) ở hai bên tuyến, đảm bảo các tiện ích phục người đi đường dừng chân nghỉ ngơi, đổ nhiên liệu... "Hiện hồ sơ thiết kế đã được Ban quản lý dự án 7 hoàn thiện, trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét để lựa chọn nhà đầu tư", ông Huy cho hay.
Với cao tốc đi qua địa phận Khánh Hòa, đại diện Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Tập đoàn Sơn Hải) cho biết hai vụ tai nạn trên tuyến vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 khiến 4 người tử vong đều xảy ra trên những đoạn đường đẹp, đầy đủ biển báo giao thông.
"Có thể cao tốc chưa lắp camera giám sát tốc độ nên nhiều tài xế chủ quan, dễ vượt quá tốc độ cho phép", đại diện doanh nghiệp quản lý dự án nói, cho biết các hạng mục phụ trợ, trong đó có hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên cao tốc dự kiến sang tháng 8 sẽ hoàn thiện.
Tại cuộc họp giữa chủ đầu tư với Ban An toàn tỉnh Khánh Hòa diễn ra gần đây, doanh nghiệp dự án đề xuất lắp camera giám sát tốc độ để phạt nguội các tài xế chạy ẩu, quá tốc độ để ngăn ngừa tai nạn giao thông. Đơn vị này dự kiến trên tuyến cứ 10 km lắp một camera.
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hoà, cho biết để hạn chế tai nạn, các địa phương, lực lượng CSGT cùng nhà đầu tư phải rà soát lại phương án tổ chức giao thông, đặc biệt tại hai nút giao đầu và cuối tuyến nối với cao tốc. "Ngành chức năng cần xử lý nghiêm các xe vi phạm, đặc biệt là lỗi về tốc độ", ông nói.
Cùng với tuyến Phan Thiết - Dầu Giây thông xe hồi cuối tháng 4, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết giúp rút ngắn thời gian từ TP HCM đi Nha Trang còn 4-5 giờ thay vì 7-8 giờ như trước, giảm tải cho quốc lộ 1.
Ở giai đoạn đầu, hai tuyến rộng 17 m, 4 làn xe, không có làn khẩn cấp mà chỉ có các điểm dừng khẩn cấp (dài 270 m, rộng 2,5 m), cách nhau 4-5 km. Ôtô được phép chạy tốc độ tối đa 80 km/h và tối thiểu 60 km/h. Vào giai đoạn hai, khi đường mở rộng lên 6 làn, hai cao tốc mới có làn khẩn cấp.
Việt Quốc – Bùi Toàn