Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, từ 10h ôtô được phép chạy trên hai tuyến cao tốc này với tốc độ tối đa 80 km/h và tối thiểu 60 km/h. So với một số cao tốc khác đang khai thác, tốc độ này thấp hơn 20-40 km/h, do hai tuyến mới đầu tư giai đoạn một, với nền đường rộng 17 m, 4 làn xe, không có làn khẩn cấp. Cả hai dự án sẽ chưa tổ chức thu phí sau khi thông xe.
Để đảm bảo an toàn, dọc tuyến có bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp (dài 270 m, rộng 2,5 m) trên cùng một chiều xe chạy, cách nhau 4-5 km. Hiện, trước các điểm dừng khẩn cấp đều có gắn biển báo hướng dẫn.
Ông Nguyễn Văn Minh, TP Nha Trang, cho biết đã đến vị trí chuẩn bị nhập vào cao tốc từ 9h để trải nghiệm tuyến cao tốc. "Nhìn cơ sở hạ tầng tuyến cao tốc sáng nay rất đẹp. Có càng nhiều tuyến cao tốc sẽ tiết kiệm được thời gian và giúp kinh tế phát triển", ông Minh nói.
Cũng chờ sẵn từ nút giao quốc lộ 27C (huyện Diên Khánh) để chạy thử cao tốc trong sáng nay, anh Bùi Phùng ở TP HCM, cho rằng tuyến đường chỉ giới hạn tốc độ 80 km/h còn khá chậm. "Sau khi trải nghiệm, tôi thấy đường chạy rất êm. Nếu giới hạn tốc độ 80 km/h, thì hơi phí", anh Phùng nói và hy vọng tuyến đường sẽ sớm được mở rộng, có đầy đủ làn dừng khẩn cấp, trạm nghỉ.
Tại cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có một tổ CSGT và Thanh tra Giao thông tỉnh Bình Thuận túc trực, để xử lý phòng khi xảy ra ùn tắc. Tuy nhiên, lưu lượng xe vào cao tốc chưa nhiều, thi thoảng chỉ có vài ôtô con và xe tải đi qua.
Gần 11h, tại nút giao cầu vượt Ma Lâm giữa cao tốc và quốc lộ 28 (huyện Hàm Thuận Bắc), vẫn rất ít xe từ Phan Thiết lên và Lâm Đồng xuống nhập vào cao tốc. Trên tuyến chính cũng vài phút mới có 2-3 xe từ hướng TP HCM ra và Tuy Phong vào nên khá thông thoáng.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km qua tỉnh Khánh Hòa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với hơn 7.600 tỷ đồng. Còn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100 km qua tỉnh Bình Thuận. Hai tuyến trên cách nhau hơn 78 km, với dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo nằm ở đoạn giữa đang được thi công. Vì vậy, Phan Thiết và Nha Trang vẫn chưa được kết nối thông suốt theo cao tốc.
Theo phương án tổ chức giao thông của Bộ Giao thông Vận tải, trước mắt, tại cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, ôtô sẽ đi từ quốc lộ 1 vào quốc lộ 27C rồi nhập vào cao tốc tại nút giao tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh; sau đó đến nút giao Cam Ranh kết nối quốc 1 tại xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh.
Xe từ quốc lộ 1 sẽ vào nút giao Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong); sau đó đến điểm cuối ở nút giao Ba Bàu (huyện Hàm Thuận Nam), tiếp nối với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã thông xe từ 29/4 để đi tiếp vào Đồng Nai và TP HCM, cũng như ngược lại. Ngoài ra, xe từ nhiều hướng ở Bình Thuận có thể nhập làn vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại các nút giao khác, như: Chợ Lầu, Đại Ninh, Ma Lâm và Phan Thiết.
Với đoạn cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo được khai thác, ôtô từ TP HCM và các tỉnh phía Nam có thể đi một mạch ra tỉnh Bình Thuận bằng cao tốc mà không cần đi trên quốc lộ 1. Tới đây, khi đoạn Vĩnh Hảo - Cam Lâm hoàn thành, ôtô sẽ chạy liền mạch từ TP HCM đến Nha Trang bằng cao tốc.
Hai cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thông xe cũng giúp nâng chiều dài trục cao tốc Bắc Nam đã hoàn thành lên 835 km, tăng 458 km so với giai đoạn trước năm 2020.
Việt Quốc - Bùi Toàn