Chị Ngọc Liên (35 tuổi) kiểm tra sổ tiêm chủng, phát hiện cả 2 con đều thiếu mũi tiêm nhắc bạch hầu, ho gà, uốn ván. Nhiều người góp ý hai bé nên tiêm phòng đầy đủ trước khi đi học, chị quyết định cùng hai con đến VNVC chích ngừa.
Trường hợp khác, anh Hoàng (37 tuổi) đưa con gái 11 tuổi đi tiêm vaccine Boostrix phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván. Do sổ tiêm chủng của bé đã bị thất lạc, gia đình không nhớ rõ mũi tiêm của con, vì vậy được tư vấn tiêm 3 mũi để có đủ miễn dịch.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết nhiều trẻ được tiêm chủng đầy đủ trong 2 năm đầu đời nhờ chương trình Tiêm chủng mở rộng. Sau đó, trẻ không được tiêm nhắc khi lớn hơn, gây khoảng trống miễn dịch. Trong khi đó, khả năng bảo vệ từ các mũi vaccine bạch hầu, uốn ván, ho gà không tồn tại bền vững mà giảm dần theo thời gian.
Theo thông tin từ PGS.TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương tại tọa đàm "Tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm mùa hè" ngày 10/8, hiện nay Việt Nam có ít trẻ được tiêm nhắc đầy đủ các loại vaccine tiền học đường, ví dụ vaccine 4 trong 1 bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt. Cụ thể, tỷ lệ trẻ tiền học đường (từ 4 đến 6 tuổi) tiêm vaccine 4 trong 1 chỉ tăng từ 2,76% lên 4% trong 4 năm từ 2020 đến 2022. Dự kiến đến hết 2023 tỉ lệ này cũng chỉ đạt 5%.
Nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam đã ghi nhận người bệnh bạch hầu rải rác ở thanh thiếu niên chưa được tiêm nhắc hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Ví dụ tháng 5/2023, bé gái 10 tuổi ở Điện Biên tử vong do bệnh bạch hầu, 56 học sinh cách ly phòng bệnh. Năm 2022, xã Ba Trang (Ba Tơ, Quảng Ngãi), ghi nhận 7 học sinh mắc bạch hầu, 400 người khác phải nghỉ học, cách ly để tránh lây bệnh.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thống kê năm 2020, toàn quốc ghi nhận 198 ca mắc bạch hầu, ca bệnh phân bố rải rác ở các nhóm tuổi và cao nhất ở nhóm 10 đến 14 tuổi; vùng Tây Nguyên ghi nhận số ca mắc cao nhất. 4 ca tử vong do bạch hầu cũng tập trung ở Tây Nguyên, gồm hai ca tại Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum mỗi nơi một ca.
"Như vậy, nguy cơ mắc bệnh bạch hầu ở nhóm thanh thiếu niên vẫn còn cao, cần được tiêm nhắc để bổ sung miễn dịch, tốt nhất trước thời điểm tựu trường để tránh nhiễm và lây lan bệnh", bác sĩ Chính nói.
Bộ Y tế năm 2017 cũng ban hành thông tư về danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc, trong đó trẻ từ 4 tuổi trở lên được khuyến cáo tiêm nhắc bạch hầu, ho gà, uốn ván. Ngoài 4 mũi vaccine cơ bản được tiêm vào lúc 2, 3, 4 và 18 tháng tuổi, trẻ cần tiêm nhắc vào lúc 4 đến 6 tuổi và 9 đến 13 tuổi hoặc trong thời gian sớm nhất để có kháng thể phòng bệnh.
Bác sĩ Chính nhấn mạnh tiêm vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván giúp bảo vệ thanh thiếu niên khỏi mắc bệnh, biến chứng nguy hiểm và tạo miễn dịch cộng đồng giúp ngăn chặn sự xuất hiện và lây lan bệnh. Hệ thống tiêm chủng VNVC hiện có đầy đủ các loại vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt Tetraxim - Sanofi Pasteur; vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván Boostrix (GSK), Adacel (Sanofi Pasteur).
Phụ huynh cần cho con theo dõi tại trung tâm tối thiểu 30 phút sau tiêm, theo dõi các tác dụng phụ có thể có như đau, đỏ, sưng vết tiêm, nhức đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi... Gia đình tiếp tục dõi trẻ tại nhà tối thiểu 24 giờ sau tiêm để phát hiện các biểu hiện bất thường, đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.
Mộc Thảo