Từ ngày 4/4, xe khách trên 30 chỗ, xe giường nằm, xe đầu kéo, xe tải từ 6 trục (tải trọng trên 30 tấn) sẽ không được vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn mà chuyển sang đi quốc lộ 1, chạy song song cao tốc.
Lý giải cho sự phân luồng này, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết tuyến Cam Lộ - La Sơn được khai thác từ ngày 31/12/2022, chưa thu phí nên thu hút phương tiện, đặc biệt là xe tải trọng lớn, xe container, xe khách. Thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy cao tốc này đã giảm tải cho quốc lộ 1 từ 30 đến 40% lưu lượng.
Cuối tháng 3, điểm đầu tuyến cao tốc (Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) có hơn 4.200 lượt xe vào mỗi ngày đêm, tương đương 10.000 xe quy đổi (từ các loại ôtô, xe tải ra ôtô con). Trong khi đó, trạm thu phí Đông Hà trên quốc lộ 1 (vị trí tương ứng với điểm đếm xe trên cao tốc) lưu lượng gần 17.300 xe mỗi ngày đêm, tương đương trên 26.800 xe quy đổi.
Năng lực thông hành của tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 9.200-11.000 xe quy đổi và quốc lộ 1 là 31.000-33.000 xe. Như vậy, lượng xe trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã sắp mãn tải (đạt năng lực thông hành), trong khi xe trên quốc lộ 1 mới đạt 80-90%, còn có thể tiếp nhận 3.000-4.000 xe mỗi ngày đêm.
"Việc phân luồng khoảng 3.000 lượt xe quy đổi (gồm xe trên 30 chỗ và xe tải nặng trên 30 tấn) sẽ giảm tải cho cao tốc mà không gây ách tắc cho quốc lộ 1", đại diện Cục Đường bộ Việt Nam giải thích.
Xe tải lưu thông khó khăn trên cao tốc
Trong khi quốc lộ 1 qua Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có địa hình tương đối bằng phẳng thì cao tốc Cam Lộ - La Sơn phần lớn đi qua đồi núi, địa hình phức tạp, mặt đường dốc. Thời tiết miền Trung lại mưa nhiều, sương mù về đêm khiến mặt đường ẩm ướt, trơn trượt, tầm nhìn hạn chế.
Ông Lê Văn Sáu, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư), cho biết do mặt đường hạn chế 2 làn xe và điều kiện địa hình phức tạp, xe tải nặng đi trên cao tốc đoạn đèo dốc thường không đạt tốc độ tối thiểu, chỉ 35-40 km/h so với yêu cầu 60 km/h. Việc này khiến các xe phía sau phải nối đuôi chạy chậm, tài xế có thể bị ức chế dẫn đến vượt tại vị trí cấm, tăng nguy cơ xảy ra tai nạn và giảm năng lực thông hành của tuyến.
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, do điều kiện địa hình tuyến khó khăn, các xe tải nặng dễ bị hư hỏng khi lưu thông. Những xe này có tiết diện lớn, trong khi mặt cao tốc hẹp, đa số không có làn dừng khẩn cấp nên khi gặp sự cố, xe đỗ chiếm một phần làn đường dẫn đến nguy cơ tai nạn cho các xe cùng chiều.
Tai nạn trên cao tốc thời gian qua chủ yếu liên quan đến xe tải nặng và xe khách trên 30 chỗ, đặc biệt khi lưu thông trên địa hình khó khăn. Nhóm xe này có nguy cơ gây thương vong cao khi xảy ra tai nạn do kích thước lớn và chở nhiều người.
Cao tốc mới được đầu tư giai đoạn một, chưa có trạm dừng nghỉ, cửa hàng xăng dầu, nhiều đoạn tuyến chưa được phủ sóng viễn thông... Do đó khi xảy ra tai nạn hoặc xe bị hư hỏng, người tham gia giao thông không liên lạc được với lực lượng chức năng và cứu hộ, cứu nạn để được trợ giúp kịp thời.
Xe tải nặng không làm tăng tai nạn trên quốc lộ 1
Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế lo ngại việc cấm xe tải trên 30 tấn và xe khách lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ khiến tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 tăng cao. Trước đây, tai nạn trên quốc lộ 1 chiếm 48-50% tổng số người chết trên toàn tỉnh, nhưng nay đã giảm còn 18-20% sau khi có cao tốc.
Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho rằng trong thời gian cao tốc Cam Lộ - La Sơn khai thác tạm, nhiều xe tải nặng trên 10 tấn đã phân luồng sang quốc lộ 1 trong 4 tháng để đơn vị thi công xử lý các điểm sạt lở. Số vụ tai nạn trên quốc lộ 1 khi đó không tăng đột biến so với những tháng trước. Như vậy, việc phân luồng sắp tới với xe tải nặng trên 30 tấn (chiếm ít hơn xe 10 tấn) đi trên quốc lộ 1 chưa có đủ cơ sở để khẳng định sẽ làm tăng tai nạn.
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết phương án phân luồng xe đi trên cao tốc và quốc lộ 1 đã được nghiên cứu nghiêm túc. Hồ sơ đề xuất đã được đơn vị tư vấn thiết kế tính toán khoa học trên cơ sở tổng lưu lượng phương tiện tham gia, khả năng thông hành và điều kiện khai thác thực tế của hai tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Nối Quảng Trị với Thừa Thiên Huế, cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km, đang trong giai đoạn phân kỳ đầu tư với hai làn xe, mặt đường tính cả lề chỉ rộng 12 m. Giai đoạn một, khoảng 85 km được thiết kế hai làn, phần lớn có vạch liền màu vàng cấm vượt, cấm lấn làn. Cách khoảng 10 km lại có đoạn vượt 1-1,5 km bốn làn xe, có làn dừng khẩn cấp. Ôtô được chạy 60-80 km/h tại đoạn hai làn, tối đa 80 km/h tại đoạn bốn làn.
Từ Tết Nguyên đán đến nay, cao tốc Cam Lộ - La Sơn xảy ra nhiều tai nạn nghiêm trọng. Ngày 18/2, xe Ford 7 chỗ va chạm xe container cùng chiều và gây tai nạn liên hoàn với hai ôtô khác, khiến 3 người chết. Ngày 11/3, xe giường nằm đâm phải xe tải đang dừng trên tuyến này, khiến 2 người chết.