Một trong những nhận định thường thấy của công chúng là nếu hiện trường vụ án xuất hiện ADN của nghi phạm, đây chính là bằng chứng không thể chối cãi. Tuy nhiên, điều này chưa chắc đã chính xác, theo Christopher Phillips, nhà nghiên cứu di truyền học pháp y tại đại học Santiago de Compostela (Tây Ban Nha).
Phillips cho rằng nhận định trên có thể đúng vào khoảng 20 năm trước vì khi ấy, người ta chỉ có thể trích xuất ADN từ những vết máu, tinh trùng còn mới, hoặc các mẫu mô lớn. Nhưng công nghệ pháp y ngày nay quá nhạy và chính xác đến mức có thể lấy được mẫu ADN từ chỉ một vài tế bào.
Mẫu ADN nhỏ như trên, hay còn được gọi là "ADN tiếp xúc" hoặc "ADN vi mô", giúp có thêm nhiều vật chứng có thể phân tích, nhưng cũng đi kèm khuyết điểm. Điều tra viên sẽ phải phân biệt giữa ADN thuộc về hung thủ và ADN ngẫu nhiên tới hiện trường vì con người có thể để lại ADN ở khắp mọi nơi qua tế bào da chết, nước bọt, và tóc.
"Trong thực tế có tồn tại hiện tượng "vô tình chuyển dịch ADN". Ví dụ, ADN trên hung khí có thể tới từ người từng cầm nắm vật hoặc từ người từng bắt tay với những người này", Phillips nói.
Trong một nghiên cứu pháp y năm 2015, người tham gia được chia thành từng cặp và phải bắt tay trong vòng hai phút rồi cầm vào hai con dao khác nhau. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong 85% trường hợp, ADN của cả hai người trong một cặp cùng xuất hiện trên cán dao. Trong 20% trường hợp, ADN từ người không cầm dao xuất hiện nhiều hơn người thực tế cầm cán dao.
Đôi khi, chính bản thân kỹ thuật viên pháp y lại vô tình làm thay đổi vật chứng, như trường hợp của Adam Scott, người bị cảnh sát Anh cáo buộc hiếp dâm vào năm 2011 sau khi ADN của người này xuất hiện trong mẫu tinh trùng lấy từ người nạn nhân. ADN là chứng cứ duy nhất được dùng để buộc tội, trong khi Scott khẳng định đã ở cách hiện trường hơn 300 km vào thời điểm xảy ra vụ án.
Sau 5 tháng trong tù, nhà chức trách mới phát hiện kỹ thuật viên trong phòng giám định đã tái sử dụng phiến kính hiển vi có chứa nước bọt của Scott trong sự việc không liên quan. Lịch sử cuộc gọi cũng giúp củng cố chứng cứ ngoại phạm của Scott.
Phillips cho biết sự việc của Scott giúp thẩm phán và công tố viên thu được bài học rằng bản thân chứng cứ ADN không đủ để buộc tội. Nếu có rủi ro ADN bị vô tình chuyển dịch, nhà chức trách cần có các chứng cứ bổ trợ khác như mẫu sợi vải, lời khai nhân chứng trực tiếp, vân tay,...
Ngoài ra, một điều dễ bị lầm tưởng khác là ADN có thể được dùng để tái tạo hình ảnh giống khuôn mặt của nghi phạm. Theo Phillips, công nghệ được gọi là ADN kiểu hình. Nó có thể xác định giới tính, màu da, màu tóc, và xác suất màu mắt chứ không cung cấp thông tin về hình dáng khuôn mặt, kích cỡ mũi, hoặc các đặc điểm ngoại hình khác. Vì thế, đây chỉ là công cụ giúp loại trừ nghi phạm.
Ví dụ, năm 2015, ADN kiểu hình đã được vận dụng thành công để phá được vụ án nhiều năm không có lời giải. Trong vụ án này, thiếu nữ Eva Blanco Puig bị hiếp dâm và giết hại tại Tây Ban Nha vào năm 1997. Ban đầu, công tố viên từng xin lệnh thu thập ADN của nhiều nam giới được chọn ngẫu nhiên tại thị trấn nơi Blanco sống nhưng bị tòa án từ chối.
Gần 20 năm sau, Phillips được yêu cầu xét nghiệm ADN kiểu hình đối với mẫu vật thu được từ người nạn nhân. Qua phân tích tổ tiên và màu da, Phillips xác định xác suất nghi phạm là người gốc Bắc Phi lớn hơn 180 lần so với xác suất là người gốc châu Âu. Lúc này, tòa án mới cho phép điều tra viên lọc ra nghi phạm trong cộng đồng người gốc Bắc Phi sống tại thị trấn. Cuối cùng, điều tra viên xác định được hai người anh em của nghi phạm, từ đó tìm ra hung thủ đang trốn tại miền nam nước Pháp.
Quốc Đạt (Theo Sense About Science, How Stuff Works)