Năm 1980, khi năm 17 tuổi, Santae Tribble ra trước tòa án Washington, DC (Mỹ) vì tình nghi cướp của và nổ súng giết hại người đàn ông lớn tuổi ngay trước cửa nhà. Vật chứng duy nhất liên kết Tribble với vụ án mạng là một trong nhiều sợi tóc được lực lượng chức năng tìm thấy trong chiếc quần tất mà kẻ cướp dùng làm mặt nạ vứt gần hiện trường.
Trước tòa, Tribble xuất trình chứng cứ cho thấy đã ở tại nhà mẹ thuộc một bang khác. Bằng chứng ngoại phạm của Tribble được khoảng 10 nhân chứng khác củng cố. Tuy nhiên, tất cả đều không thể bác bỏ lời khai của chuyên gia FBI trong lĩnh vực đối chiếu sợi tóc dưới kính hiển vi.
Chuyên gia FBI làm chứng rằng sợi tóc tìm thấy trong quần tất và tóc của Tribble "trùng khớp trên mọi đặc điểm dưới kính hiển vi". Dựa vào đây, công tố viên nhấn mạnh rằng xác suất sợi tóc trong quần tất không phải của Tribble có lẽ chỉ là "một trên 10.000.000". Bằng con số thống kê ấn tượng, lời làm chứng của chuyên gia FBI thuyết phục được 12 người ngồi trên ghế bồi thẩm đoàn. Tribble bị kết tội Giết người.
Năm 2012, tiến bộ của công nghệ ADN cho phép giám định lại 13 sợi tóc thu thập được từ chiếc mặt nạ quần tất. Kết quả cho thấy không sợi tóc nào thuộc về Tribble, kể cả sợi từng bị xác định là trùng khớp. Không chỉ vậy, lần giám định này còn phát hiện phía FBI khi ấy đã xác định nhầm một sợi lông chó thành tóc người. Cuối năm 2012, Tribble được minh oan.
Tribble không phải trường hợp duy nhất tại Mỹ bị kết án oan dựa trên chứng cứ duy nhất là lời khai của chuyên gia đối chiếu lông tóc. Tới cuối năm 2019, 75 người bị kết án do kỹ thuật đối chiếu lông tóc dưới kính hiển vi đã được giải oan nhờ xét nghiệm ADN, theo ProPublica.
Được nổi tiếng thông qua tiểu thuyết hư cấu về thám tử Sherlock Holmes, kỹ thuật đối chiếu lông tóc dưới kính hiển vi đã trở thành bộ môn khoa học pháp y vững chắc vào thập niên 1950. Trước khi có công nghệ ADN hiện đại, kỹ thuật này chỉ có thể giúp giới hạn phạm vi nghi phạm hoặc loại trừ nghi phạm cụ thể.
Chuyên gia pháp y thông thường sẽ đánh giá nhiều đặc điểm của sợi lông tóc để xác định bị cáo có phải chủ nhân hay không. Một số yếu tố dễ dàng thấy được bằng mắt thường như độ dài, màu sắc, hình dạng (thẳng hoặc xoăn). Một số đặc điểm khác có thể được quan sát dưới kính hiển vi như kích cỡ, phân loại, và sự phân bổ màu sắc, sự sắp xếp của biểu bì trên sợi lông tóc, hoặc đường kính sợi. Từ đó, chuyên gia có thể đưa ra những nhận định như sợi lông tóc thuộc về con người hay động vật, xuất phát từ khu vực nào trên cơ thể, thuộc chủng người nào, có bị nhuộm hay không, rụng tự nhiên hay bị giật đứt.
Các chuyên gia đối chiếu lông tóc thường không thống nhất về việc hai mẫu vật cần giống nhau ở bao nhiêu tiêu chí mới được coi là "trùng khớp". Một số người dựa vào 6-7 tiêu chí, trong khi những chuyên gia khác cần 20-30. James Hilverda, chuyên gia FBI trong vụ án của Tribble, nói rằng cần dựa vào khoảng 15 tiêu chí dựa trên kinh nghiệm thực hiện hàng chục nghìn lần đối chiếu.
Tới thập niên 1970, bộ môn phân tích lông tóc dưới kính hiển vi bắt đầu tự nhận có tiêu chuẩn vững chắc hơn và có khả năng xác định chính xác sợi tóc tại hiện trường thuộc về ai. Dần dần, lời làm chứng từ chuyên gia đối chiếu lông tóc làm việc cho cơ quan liên bang được vị nể cho phép công tố viên xé tan lớp màn mơ hồ của vụ án để giúp bồi thẩm đoàn tập trung vào mẩu chứng cứ buộc tội duy nhất tại hiện trường.
Tuy nhiên, vấn đề trong việc áp dụng kỹ thuật đối chiếu lông tóc cũng dần xuất hiện. Theo Washington Post, ngay từ năm 1974, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận rằng việc đối chiếu bằng mắt mang tính chất chủ quan tới mức chuyên gia phân tích khác nhau có thể đi tới kết luận khác nhau về cùng một sợi lông tóc. Một số bản án dựa trên đối chiếu lông tóc bị lật ngược do công nghệ ADN.
Cuối cùng, FBI phải đối mặt với sai sót của kỹ thuật đối chiếu lông tóc. Năm 2015, FBI chính thức thừa nhận 26 trên 28 chuyên gia đối chiếu lông tóc của cơ quan này đã nói quá kết quả so sánh theo hướng có lợi cho công tố viên trong 257 trên 268 vụ án được rà soát lại. Đây được Washington Post coi là một trong những bê bối pháp y lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Quá trình rà soát các vụ án khác vẫn đang được tiếp diễn.
Ngày nay, kỹ thuật đối chiếu lông tóc vẫn được sử dụng nhưng ở góc độ hạn chế hơn. Thay vì dùng để xác định danh tính, kỹ thuật này được dùng để loại trừ nghi phạm.
Quốc Đạt (Theo Washington Post, The Guardian, FBI)