Hai đoạn đi qua TP Thủ Đức, thuộc 14 km còn lại tuyến Vành đai 2 TP HCM, dự kiến được trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp cuối năm nay. Tổng vốn xây 6 km ước tính hơn 17.000 tỷ đồng, tức trung bình hơn 2.800 tỷ đồng mỗi km, chi phí cao nhất trong các dự án giao thông của cả nước.
Đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, kinh phí đầu tư dự kiến gần 8.600 tỷ đồng, trong đó phần giải phóng mặt bằng hơn 6.400 tỷ (chiếm 74% nguồn vốn). Đoạn 2 dài 2,8 km, từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, tổng vốn hơn 8.400 tỷ đồng, trong đó khoảng 5.500 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng (chiếm 65%).
Hai dự án đều xây trên mặt đất, sẽ giải toả toàn bộ 67 m bề rộng theo quy hoạch từ đầu. Một số ý kiến cho rằng khối lượng đền bù quá lớn, chiếm hai phần tổng nguồn vốn, nên nếu dự án làm trên cao tương tự Vành đai 3 đoạn qua Thủ Đức có thể tiết kiệm vốn đầu tư. Tuy nhiên, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết đường trên cao hay dưới đất đều phải giải phóng mặt bằng, tương ứng số làn xe đã được quy hoạch. Vành đai 2 quy mô 6-10 làn, nên ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng tương đương nhau, chi phí làm trên cao còn đắt hơn nhiều so với đi thấp.
Ngành giao thông thành phố cũng cho hay Vành đai 2 là tuyến được quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, giúp giảm áp lực giao thông cho nội đô, kết nối các trục giao thông chính, cảng biển, cao tốc... Do vậy, quy mô tuyến đường được nghiên cứu kỹ nhằm đáp ứng lưu lượng giao thông theo từng giai đoạn. Theo phương án tuyến đi thấp ở mặt đất, kinh phí đầu tư chủ yếu tốn kém ở hạng mục giải phóng mặt bằng do qua đô thị, còn phần xây lắp chỉ chiếm khoảng 20%. Tổng mức đầu tư tuyến đường đang ở bước sơ bộ để làm cơ sở đề xuất chủ trương đầu tư, khi thông qua tiếp tục được rà soát chi tiết hơn.
Ông Lê Ngọc Hùng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (cơ quan trước đây lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án), cho hay phương án làm trên cao hai đoạn Vành đai 2 qua Thủ Đức không được tính đến do không khả thi và chưa phù hợp quy hoạch. Tuyến đường đi thấp và giai đoạn đầu cũng được tính toán giải phóng mặt bằng toàn bộ, làm trước đường song hành hai bên để kết nối vào các khu dân cư, đô thị dọc bên, phát huy hiệu quả đầu tư. Phần đất trống ở giữa chưa làm trong giai đoạn đầu nhằm mục đích dự trữ mở rộng tuyến sau này, khi lưu lượng giao thông tăng lên.
Trước đó, TP HCM quy hoạch 5 tuyến trên cao tổng chiều dài gần 71 km nhưng chưa đường nào triển khai. Các dự án này đều có tổng mức đầu tư lớn, như tuyến số 1 dài 9,5 km (nút giao Lăng Cha Cả, quận Tân Bình - đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh), tổng vốn ước tính khoảng 17.500 tỷ đồng. Mới đây, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) cũng đề xuất nghiên cứu dự án đường trên cao nối Nam Sài Gòn với khu vực Tân Sơn Nhất, dài hơn 14 km, 4 làn xe, tổng vốn khái toán hơn 38.000 tỷ đồng. Trong đó, phần bồi thường và xây lắp tương đương nhau, đều khoảng 19.000 tỷ đồng.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Chu Công Minh, chuyên ngành cầu đường thuộc Đại học Bách Khoa TP HCM, cho biết đường trên cao bản chất là làm cầu cạn, nên phần xây lắp cần nguồn vốn lớn, chưa kể giải pháp kỹ thuật cũng phức tạp hơn so với đi thấp ở mặt đất. Đường trên cao có ưu điểm giảm giao cắt với các tuyến phía dưới, giúp xe chạy nhanh, thông suốt, không phải tổ chức nhiều nút giao. Tuy nhiên, đường trên cao lại chỉ chủ yếu phục vụ cho xe chạy mà khó phát triển đô thị, khai thác quỹ đất dọc bên.
"Ngoài ra, đường trên cao khi làm trong đô thị phải đánh giá thêm nhiều yếu tố về mỹ quan, do có thể che tầm nhìn các khu nhà cao tầng, ô nhiễm tiếng ồn. Điều này không phù hợp với Vành đai 2 bởi ngoài kết nối giao thông, tuyến còn mục tiêu kích thích phát triển vùng lân cận, hình thành các đô thị mới...", ông nói và cho rằng tuyến vành đai là trục quan trọng, quy hoạch nhiều năm nhưng chậm trễ khép kín dẫn đến chi phí đầu tư các đoạn còn lại tăng cao. Thành phố nên sớm triển khai, bởi càng càng chậm ngày nào càng tiếp tục đội vốn, ảnh hưởng phát triển giao thông, kinh tế...
Vành đai 2 được quy hoạch cách đây 15 năm, dài hơn 64 km, đến nay đã hoàn thành khoảng 50 km. Tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (Thủ Đức), điểm cuối ra quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TP HCM.
Mong muốn khép kín Vành đai 2 được TP HCM đề ra hơn 10 năm trước, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ vẫn chưa hoàn thành do trở ngại lớn nhất là nguồn vốn. Ngoài hai đoạn đi qua TP Thủ Đức, tuyến còn một đoạn khác dài 5,3 km từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh ở phía Nam, tổng vốn dự tính hơn 9.200 tỷ đồng chưa được đầu tư. Riêng đoạn 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Thủ Đức), đã triển khai nhưng đang dang dở.
Gia Minh