Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton hôm 8/12 cho biết đã đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ, cáo buộc 4 bang chiến trường Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin thay đổi quy trình bầu cử để nhận thêm phiếu bầu qua thư một cách vi hiến, tạo điều kiện cho "gian lận nghiêm trọng", sau đó che giấu bằng chứng phe Dân chủ đã "đánh cắp bầu cử".
Đơn kiện của Texas yêu cầu Tòa án Tối cao ra phán quyết khẩn cấp, hoãn thời hạn cử tri đoàn xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden tại 4 bang này vào 14/12.
Động thái này sau đó nhận được sự ủng hộ từ 17 bang khác, hầu hết đều có thống đốc là thành viên đảng Cộng hòa. Tổng thống Donald Trump hôm 9/12 cũng gửi đơn lên Tòa án Tối cao, yêu cầu được tham gia vụ kiện của Texas. " Đây là vụ kiện lớn. Đất nước chúng ta cần một chiến thắng", Trump đăng Twitter trước đó.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia luật cho rằng đơn kiện của Texas, cùng sự ủng hộ từ 17 bang khác, gần như không có giá trị về mặt pháp lý, với những cáo buộc mà họ đánh giá "phi lý và nực cười", có khả năng đẩy cuộc chiến pháp lý của Trump vào một kết cục "thảm hại".
Bình luận viên Mark Joseph Stern của Slate thậm chí còn đưa ra nhận định rằng Tổng chưởng lý Paxton thúc đẩy vụ kiện này "quan tâm hơn đến việc nhận được ân xá từ Trump hơn là trình bày một lập luận pháp lý chặt chẽ", bởi bản thân ông này đang bị FBI điều tra với cáo buộc tham nhũng.
Điều vẫn chưa rõ ràng là tại sao tổng chưởng lý của 17 bang, tất cả đều là đảng viên Cộng hòa, lại quyết định tham gia "cuộc chiến" vì Trump của Paxton. Trong một tuyên bố riêng, do Tổng chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt dẫn đầu, họ nhắc lại những cáo buộc của Tổng chưởng lý Texas, kêu gọi Tòa án Tối cao xem xét vụ kiện, đồng thời đề xuất biện pháp khắc phục là hủy bỏ tất cả phiếu phổ thông ở cả 4 bang bị kiện và để nghị viện các bang này tự chọn đại cử tri.
Stern cho rằng dường như không có khả năng 1/3 số tổng chưởng lý trên cả nước tin vào những cáo buộc trong đơn kiện của Texas, bởi họ đều là những quan chức tư pháp nhiều kinh nghiệm, điều hành những cơ quan lớn chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp pháp lý phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao mà những người có tư duy xa rời thực tế không thể đáp ứng.
"Chúng ta nên nghĩ rằng những tổng chưởng lý này đều rất lý trí. Họ là những chính trị gia đang tìm kiếm lợi ích tốt nhất cho bản thân. Giống như hầu hết chính trị gia Cộng hòa khác, họ hiểu rằng họ cần sự ủng hộ từ những cử tri đứng về phía Trump cho sự nghiệp của mình", Stern phân tích.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống, Trump dù thua Biden nhưng vẫn nhận được hơn 70 triệu phiếu bầu, mức cao kỷ lục đối với một ứng viên đảng Cộng hòa. Nền tảng ủng hộ Trump được cho là có tác động rất quan trọng đối với bất cứ chính trị gia đảng Cộng hòa nào.
Do đó, Stern nhận định tuyên bố ủng hộ đơn kiện của Texas là công cụ để các tổng chưởng lý Cộng hòa thể hiện lòng trung thành với Trump và hàng chục triệu cử tri đứng sau ông.
"Các cử tri Cộng hòa tại 17 bang này có thể yên tâm rằng tổng chưởng lý của họ đã chiến đấu vì Trump tới giây phút cuối cùng. Trong bối cảnh toàn bộ 50 bang và thủ đô Washington đã chứng nhận kết quả bầu cử, sự bất chấp thực tế dường như là một cách thử lòng các thành viên đảng Cộng hòa", bình luận viên này viết.
Tuy nhiên, các tổng chưởng lý không chỉ là chính trị gia bình thường, mà còn là chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý, đòi hỏi đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản về phẩm chất và kiến thức pháp luật. Họ không được nộp những đơn kiện mà tự biết rằng nó vô nghĩa, không được nói dối trước tòa, đồng thời phải nhìn nhận độc lập về chuyên môn bất chấp bên được họ bảo vệ là ai.
Những nguyên tắc này đặc biệt cần thiết khi tổng chưởng lý đại diện cho toàn bộ công dân của một bang. Mặc dù vậy, Stern cho rằng những người ký vào bản tuyên bố của 17 bang đã phớt lờ chúng khi ủng hộ loạt giả thuyết về gian lận bầu cử mà không có chứng cứ thuyết phục, động thái này dường như cho thấy xu hướng cực đoan hóa của phong trào pháp lý bảo thủ. Ngay cả khi Trump rời nhiệm sở, những nhân sự cấp cao trong bộ máy tư pháp cấp bang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của ông vẫn sẽ tiếp tục công việc.
Ít nhất 13/17 tổng chưởng lý ký tên vào bản kiến nghị là thành viên của Hiệp hội Luật sư theo Chủ nghĩa Liên bang, một mạng lưới luật sư bảo thủ được tài trợ mạnh tay và đầy quyền lực. Tổ chức này đạt được thành công chưa từng có dưới thời Trump, khi ông đề cử các thành viên của họ vào những vị trí thẩm phán, bổ nhiệm chính trị, hoặc thuê làm luật sư riêng.
Phần lớn vụ kiện liên quan đến bầu cử vài tháng qua do các thành viên Hiệp hội Luật sư theo Chủ nghĩa Liên bang thúc đẩy, với mong muốn loại bỏ nhiều nhất có thể số phiếu dành cho ứng viên đảng Dân chủ. Phong trào pháp lý bảo thủ này cũng nhiều lần cho rằng việc các chuyên gia và truyền thông chỉ trích các luật sư bảo vệ Trump trước tòa là "nguy hiểm và không thể chấp nhận".
Dường như có rất ít luật sư bảo thủ sẵn sàng kiềm chế phong trào của chính đội ngũ họ thuộc về. Stern cho rằng những tổng chưởng lý ký vào bản kiến nghị không phải mất kiểm soát, mà đơn giản là họ nhận được "cái gật đầu" từ các đồng nghiệp để làm bất cứ việc gì giúp Trump giữ ghế tổng thống.
Đội ngũ luật sư bảo thủ có khả năng sẽ tiếp tục đấu tranh vì Trump ngay cả sau ngày 20/1. Stern cảnh báo không nên coi nhẹ xu hướng cực đoan này, bởi các tổng chưởng lý ủng hộ Trump sẽ không rời ghế cùng Tổng thống sau ngày 20/1. Những trợ lý của họ cũng vậy, trong đó nhiều người là thành viên Hiệp hội Luật sư theo Chủ nghĩa Liên bang và có khát vọng vươn lên vị trí cao hơn.
Một điểm đáng lưu ý là hầu hết bang ủng hộ Trump từng thuộc Liên minh miền Nam trong nội chiến ở Mỹ vào thế kỷ 19, khiến Stern lo ngại về viễn cảnh "nội chiến lạnh" ngay trong lòng nước Mỹ.
Nỗi lo này dường như trở nên rõ ràng hơn vào hôm 8/12, khi Hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Texas Kyle Biedermann nêu ý định đệ trình một văn bản pháp lý cho phép tiến hành trưng cầu dân ý về việc tách Texas khỏi Mỹ, trở thành quốc gia độc lập, bởi "chính quyền liên bang không còn đại diện cho các giá trị của người dân bang này".
Ánh Ngọc (Theo Slate)