Hơn 30 năm tuổi nghề của ông chủ Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương (HVG) Dương Ngọc Minh đều gắn chặt với con cá tra. Mọi buồn vui, thăng trầm trong cuộc sống của ông đều có sự hiện diện của loài cá này, từ lúc ở lực lượng thanh niên xung phong (năm 1978), cho tới khi trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HVG ngày nay.
Chính vì thế, lịch trình hằng ngày của ông tại công ty đều có khoảng thời gian thăm thú ao nuôi, và dạo quanh nhà máy chế biến ở Tiền Giang. Với ông, đó là cách giải khuây hiệu quả nhất, chứ không phải chơi golf, du lịch...
![]() |
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương - Dương Ngọc Minh (bên trái) tại nhà máy ở Tiền Giang. Ảnh: T.T. |
Một trong những điều tâm đắc nhất của ông chủ Hùng Vương là phát hiện hồi năm 2004. Lúc đó, ông nhận thấy con cá nuôi bè không hiệu quả bằng nuôi ao. Cũng từ đây, doanh nghiệp chuyển sang mua cá từ ao. Lợi nhuận thu về của Hùng Vương tăng 15-20% so với việc chế biến từ cá nuôi bè. Hai năm sau, các công ty khác trong ngành thủy sản mới thừa nhận điều này và làm theo.
Ông Minh chia sẻ, cá tra là ngành kinh doanh ổn định. Cá nuôi được quanh năm chứ không theo mùa vụ như các thủy sản khác, lại giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất là biến động nguyên liệu. Có năm, nhà nhà đào ao thả cá tra do trước đó nhiều gia đình phất lên nhờ nuôi loài cá này. Đến lúc cung vượt quá cầu, giá cá tra rớt thảm hại, người nuôi phải bán tống bán tháo hàng nghìn tấn, treo ao hàng loạt. Những năm sau đó, nguyên liệu cho ngành không đủ, giá cá tra lại tăng vọt.
Để thoát khỏi tình trạng lệ thuộc nhiều vào cung cầu nguyên liệu trên thị trường, một số doanh nghiệp thủy sản chủ động đầu tư, ký hợp đồng với nông dân để họ biết rõ nuôi để bán cho đơn vị nào. Bản thân HVG còn đầu tư dây chuyền tự sản xuất thức ăn, kiểm soát chất lượng thức ăn cho cá. Và do vậy, 3,2 kg cá nguyên liệu do Hùng Vương nuôi trồng thu về khoảng 2,8 kg phi lê, thay vì xấp xỉ 2 kg như cá mua ngoài.
![]() |
Lãi vay ngân hàng cao đang là nhân tố làm khó các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Ảnh: T.T. |
Rủi ro lớn thứ hai là các nước nhập khẩu làm khó con cá tra Việt Nam, mà thuế chống bán phá giá là ví dụ điển hình nhất. Điều này đã và đang ảnh hưởng tới sản lượng tiêu thụ ở thị trường nước ngoài.
Để "sống chung, sống tốt với lũ", Tổng giám đốc thủy sản Hùng Vương hiến kế xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho nghề nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra. Theo ông, phải quy hoạch lại sản lượng xuất khẩu, không nên phát triển nóng quá, mà cần chú trọng ở khâu chất lượng hơn nữa. Còn các khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế quảng bá sản phẩm như những năm qua, theo ông Minh, nên được dùng để xây dựng bộ quy chuẩn về thủy sản.
Khó khăn của năm nay là thiếu hụt nguyên liệu trong ngành. Hiện một số doanh nghiệp không dám ký nhiều đơn hàng vì không có đủ nguyên liệu ung ứng. Ông Minh e ngại tình trạng này sẽ kéo dài đến hết năm sau, bởi phải tới tháng 4, khâu tái đầu tư mới thực hiện được và thu hoạch diễn ra vào tháng 11.
Các doanh nghiệp thủy sản cũng đã tính được điều này, nhưng vấn đề then chốt là vốn. Trong bối cảnh lãi vay, chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay, tạo vốn lưu động mà không phải vay ngân hàng đã khó, huống chi đầu tư cho nuôi trồng, ông Minh nhận xét.
![]() |
Đối với ông chủ Hùng Vương, cá tra giống như người bạn. Ảnh: T.T. |
Gắn bó với con cá tra hơn 30 năm nay, ông Minh đã trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp kinh doanh thủy sản. Mới đây nhất, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) bất ngờ đưa loài cá này vào danh sách đỏ với khuyến cáo hạn chế sử dụng, song Chủ tịch Dương Ngọc Minh không mảy may lo sợ. Quãng thời gian lăn lộn với nghề, với các vụ kiện trong ngành thủy sản, hay những biến động về nguyên liệu đã cho ông những kinh nghiệm ứng phó.
Lấy dẫn chứng, năm 2009, ngành nuôi trồng tôm của các nước Đông Nam Á và cá rô phi Trung Quốc cũng bị đưa vào danh sách đỏ. Song, đến năm 2010, lượng bán vào Châu Âu của những sản phẩm này vẫn tăng hơn năm trước 20%. Theo ông, bản thân người tiêu dùng có nhận xét riêng, hơn nữa, "danh sách đỏ" chẳng qua là tờ rơi, chứ không phải nghiêm cấm hay ràng buộc về mặt pháp lý.
Còn thực tế trong nước, nếu năm 2000, xuất khẩu cá tra thu về chỉ 200 triệu đô la thì năm 2010 đã vọt lên 1,5 tỷ đô la. Nhu cầu tiêu thụ ở Châu Âu đang tăng trở lại, sau khi sụt giảm mạnh trong thời khủng hoảng. Cá tra đã có mặt ở hơn 120 quốc gia, thậm chí xuất hiện tại những vùng không có tên trên bản đồ thế giới.
Ngoài ra, điểm mạnh của cá tra là loại cá thịt trắng, giá thành rẻ, được người tiêu dùng Châu Âu, Trung Mỹ ưa chuộng từ lâu, vượt qua hàng loạt đối thủ ở các nước khác. Thậm chí, cá tra Việt Nam còn đánh bật cá nội địa khỏi cuộc chơi ngay tại sân nhà nên không dễ bị "gục ngã" từ khuyến cáo của WWF. Những ngày cuối tháng 12, cá tra Việt Nam đã được giải oan, khi WWF quốc tế đồng ý gỡ tên loài cá này ra khỏi danh sách đỏ.
Người đứng đầu Công ty thủy sản Hùng Vương tâm sự, nhìn những đàn cá tung quẫy trong nước, mọi phiền muộn đều tan biến. "Một ngày không xuống ao nuôi, tôi có cảm giác bồn chồn khó tả. Thói quen này tôi không thể từ bỏ được, nó giống như đi xa nhớ nhà", vị chủ tịch chia sẻ. Ông tiết lộ thêm, một số đồng nghiệp (nhất là những vị lớn tuổi, đã nghỉ hưu trong ngành) cũng có cùng sở thích, nên những lúc rỗi rảnh, trong câu chuyện hàn huyên giữa các đồng sự luôn có bóng dáng của loài cá này.
Bạch Hường