- Cơ duyên nào đưa ông đến với bất động sản và gắn bó với nghề hai thập niên qua?
- Học đại học kinh tế, chuyên ngành ngân hàng, đầu tiên tôi đầu quân vào Ngân hàng Nhà nước. Sau đó, tôi làm tại UBND huyện Thủ Đức (thời điểm này chưa tách thành 3 quận như hiện nay), được phân công là trưởng các bộ phận kế hoạch, tài chính, thống kê kiêm trưởng ban quản lý công trình huyện Thủ Đức. Khi được tổ chức điều chuyển sang Công ty Quản lý Nhà Thủ Đức, tôi thật sự ngỡ ngàng vì mọi thứ đều mới mẻ.
Những kỷ niệm ngày đầu chập chững làm quen với bất động sản thì nhiều vô kể. Một trong những khó khăn đầu tiên với tôi là phải ngay lập tức đối mặt với những phức tạp do khiếu nại, kiện tụng trong công việc đền bù giải phóng mặt bằng. Nếu lúc đó tôi nản lòng thì sẽ không có Thủ Đức House ngày hôm nay.
Thật ra, với tôi, mỗi năm đều có những thách thức, khó khăn riêng, không năm nào giống năm nào. Vì vậy, tôi luôn phải nỗ lực, kiên trì ứng phó để tiến lên, mặt khác phải luôn trui rèn bản lĩnh, bổ sung kiến thức cho những gì mình còn thiếu, giống như quá trình nâng cấp máy tính, diễn ra không ngừng nghỉ.
- Những năm trở lại đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến người giàu, người thành đạt và tôn vinh những nhân vật này. Ông cũng từng nhiều lần được bầu chọn là doanh nhân tiêu biểu của TP HCM và cả nước. Cảm nghĩ của ông thế nào về những danh hiệu đó?
- Tôi không phải là người giàu. Thành đạt cũng chỉ là khái niệm chung mà nhiều người mong ước đạt tới. Tôi không quan tâm đến việc mình có được tôn vinh hay không, điều này nằm ngoài suy nghĩ của tôi. Thế nhưng tôi chỉ mong được bạn bè nhắc đến với sự tôn trọng rằng tôi đã sống đàng hòang, đóng góp những điều có ý nghĩa cho xã hội, không làm điều phi đạo đức.
Nói cách khác tôi chỉ muốn được là người hiền, giúp những người xung quanh được thành công, hạnh phúc. Tôi luôn cố gắng tạo không gian làm việc sáng tạo, đầy hứng khởi, đầy tình người, tuân thủ pháp luật. Tôi luôn muốn cùng với cộng sự, thành viên trong công ty phấn đấu đạt được những mục tiêu có lợi cho cộng đồng, giúp mọi người cùng tiến về phía trước.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức Lê Chí Hiếu. Ảnh: N.L. |
- Nhiều doanh nghiệp dùng bóng đá, quảng cáo... để đánh bóng thương hiệu. Với Thủ Đức House, ông đã xây dựng thương hiệu như thế nào?
- Xây dựng thương hiệu là điều bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn phát triển. Tuy nhiên, thương hiệu không chỉ là cái tên, danh tiếng mà phải là chất lượng sản phẩm, chữ tín. Với tôi, điều quan trọng là phải xây dựng được văn hóa công ty. Không ít doanh nghiệp bỏ ra nhiều tiền để quảng cáo, đánh bóng tên tuổi nhưng chưa quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công ty. Đây là một thiếu sót.
Mỗi năm tôi có những thách thức và mục tiêu mới, trong đó không chỉ là những con số lợi nhuận mà còn có chỉ số hạnh phúc của nhân viên, sự trưởng thành của doanh nghiệp. Đó là sự tưởng thưởng lớn nhất. Tôi quan niệm rằng, thành công không ở đâu xa, thành công ở ngay trong căn nhà của mình, trong từng nhân viên, cộng sự của mình.
Tôi xây dựng thương hiệu công ty cũng giống như thi công một ngôi nhà, muốn ngôi nhà lớn mạnh, vững chãi thì ngoài việc xây dựng nền móng kết cấu vững chắc còn phải xây dựng được cái linh hồn của ngôi nhà. Đó chính là văn hóa, bản sắc riêng, khiến cộng đồng nhớ đến, tin tưởng và yêu quý. Thuyết phục người khác tin vào doanh nghiệp của mình là điều khó nhất, song nếu có văn hóa công ty, ai nấy cùng đồng lòng thì mọi khó khăn sẽ vượt qua.
- Năm 2010 sắp kết thúc, thị trường bất động sản TP HCM vẫn đang vật lộn với giai đoạn hậu khủng hoảng. Theo ông, khó khăn lớn nhất hiện nay là gì?
- Bất động sản đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý, việc bồi thường giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguồn vốn thường mất rất nhiều thời gian và nguồn lực. Người lèo lái phải thấy trước được những chu kỳ của thị trường, từ đó chuẩn bị sản phẩm phù hợp. Không nên vì những yếu tố thất thường trong hiện tại mà cuốn cờ bỏ chạy vì khi thị trường phục hồi mình chẳng có gì để bán cả.
Hiện thị trường địa ốc đang bùng nổ nhiều sản phẩm giá rất mềm, đặc biệt là chung cư tầm 10-13 triệu đồng mỗi m2. Do hạn chế khả năng tài chính, khách hàng chỉ quan tâm đến giá cả, và thường không nắm rõ về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên trên thực tế, một số đơn vị bán nhà nhá rẻ lại đi kèm với sự yếu kém về chất lượng và khách hàng phải chấp nhận sống trong môi trường ngột ngạt, thiếu tiện ích tối thiểu.
Doanh nghiệp chuyên phát triển dòng sản phẩm trung bình khá, giá tầm 15-17 triệu đồng mỗi m2 sẽ đứng trước nhiều thách thức. Bởi lẽ, dù xây dựng nghiêm chỉnh, đặt ra bài toán chi phí xây dựng và giá thành tương ứng với giá trị sản phẩm, nhưng sự cạnh tranh về giá rất khốc liệt. Song, tôi tin rằng lời giải cho bài toán bất động sản là phải có tầm nhìn trung và dài hạn vì chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm sẽ được kiểm chứng theo thời gian.
Ông Lê Chí Hiếu cho rằng mình không phải là người giàu và tâm đắc với triết lý "tôi thích được gọi là người hiền". Ảnh: N.L. |
- Ông đánh giá như thế nào về thời cơ và thách thức của thị trường bất động sản TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung?
- Sự chìm nổi, thăng hoa và khủng hoảng của thị trường bất động sản diễn ra rất nhanh và trải qua nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, từ năm 2008 trở đi, thị trường TP HCM đã không còn nhiều biến động lớn. Hà Nội sôi động hơn đôi chút nhưng chỉ mang tính cục bộ và nhất thời. Do hạ tầng cơ sở đang trong quá trình xây dựng, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn phải tiếp tục thời gian thử thách. Các thách thức trong thời gian tới là: tăng dân số cơ học, hạ tầng kỹ thuật, giao thông huyết mạch còn yếu, nguồn vốn hạn chế, quy hoạch, điều hành vĩ mô quản lý đô thị vẫn chưa hoàn thiện, tính minh bạch chưa cao, tính thanh khỏan còn kém do thị trường chưa phát triển thông suốt.
Từ tình hình thị trường nhà đất TP HCM nhìn rộng ra thị trường cả nước, bất động sản như một đứa trẻ lớn quá nhanh, trong khi bố mẹ (Nhà nước) không kịp chăm sóc, dạy dỗ. Nhiều năm qua, thị trường có những cơn nóng lạnh bất chợt đều do chính sách. Dù chỉ là một quy định nhỏ như thủ tục, công chứng, thuế... cũng có thể gây ách tắc. Hiện nay nhiều quy định pháp luật vẫn còn khập khiễng, điều này đòi hỏi sự dung hòa điều chỉnh của Chính phủ.
- Vậy theo ông, người đứng đầu doanh nghiệp cần có tố chất gì trong thời kỳ hậu khủng hoảng?
- Làm giám đốc rất khó, khó hơn nghề cascadeur. Người diễn những vai mạo hiểm ngã trên trường quay lỡ có xảy ra tai nạn cũng không ảnh hưởng đến nhiều người. Trong khi đó, một lãnh đạo doanh nghiệp ngã ngựa thì hàng trăm thậm chí hàng nghìn người bị ảnh hưởng, thất nghiệp. Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của người lãnh đạo rất lớn, đòi hỏi phải luôn luôn tỉnh táo.
Theo tôi, người lãnh đạo bất cứ giai đoạn nào (cực thịnh hay khủng hoảng, hậu khủng hoảng) phải có đức, có tài và có sức khỏe. Quan trọng nhất là phải có tầm nhìn, vạch ra chiến lược phù hợp, thấu hiểu được những nguồn lực mình đang có để phối hợp chúng, tìm ra giải pháp thoát khỏi khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp tham làm nhưng với tay không tới, cuối cùng dẫn đến đổ vỡ, đó là do không đủ bản lĩnh. Nói như vậy không có nghĩa là không nên mạo hiểm. Bởi vì muốn thành công, đôi khi cần phải có chút máu liều. Thế nhưng luôn phải nhớ rằng, mạo hiểm phải trên cơ sở nắm chắc các thông tin, điều kiện đảm bảo thực hiện và hướng rút lui khi cần thiết để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi rủi ro xuất hiện.
Ông Lê Chí Hiếu giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House). Ông đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính; 16 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và nhiều ngành khác. Doanh nghiệp có 4 dự án đầu tư tại Việt Nam dưới hình thức liên doanh với nước ngoài. Thủ Đức House cũng đang đầu tư tại Mỹ. Riêng tại Việt Nam, ông Hiếu cùng công ty đã thực hiện gần 40 dự án bất động sản lớn. |
Vũ Lê