Bác sĩ Nguyễn Như Điền, Quản lý Y khoa Miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết vết thương do người cắn khá phổ biến, ví dụ do xung đột, va chạm hoặc trẻ em nô đùa quá mức... Khoang miệng của người có hệ vi sinh vật lớn thứ 2 sau ruột, chứa hơn 700 loài vi khuẩn, do đó người cắn và người bị cắn đều có thể lây nhiễm bệnh dưới đây:
Viêm gan B
Virus viêm gan B thường tồn tại trong máu và các dịch tiết cơ thể của người bệnh, trong đó có nước bọt. Dù nồng độ virus trong nước bọt thấp, vẫn có khả năng lây truyền cho người bị cắn nếu tạo ra vết thương hở. Nếu người cắn có bệnh về răng miệng như xước, loét, viêm lợi hoặc chảy máu chân răng, khả năng truyền bệnh cao hơn.
Viêm mô tế bào
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Wounds, cho thấy vết cắn của người dễ bị nhiễm trùng hơn vết cắn của động vật, tỷ lệ nhiễm trùng sau khi bị người cắn là 10-30%. Nguyên do là nước bọt của người chứa nhiều vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí như liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A như Streptococcus pyogenes, tụ cầu vàng - Staphylococcus aureus, Fusobacterium, Prevotella, Peptostreptococcus, Veillonella...
Biểu hiện của nhiễm trùng do vết cắn của người bao gồm đau, ban đỏ, sưng, chảy mủ, viêm mạch bạch huyết và sốt. Như trường hợp người đàn ông 49 tuổi, ở Nam Định bị viêm mô tế bào sau một ngày bị cháu bé 3 tuổi cắn vào trái gây sưng nề, tấy đỏ, chảy dịch và sốt cao 39,5 độ C, được chuyển đến Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị vào tháng 4/2024. Vết thương do vết cắn của người cũng có nguy cơ nhiễm trùng mô mềm sâu, viêm gân, viêm khớp nhiễm trùng và viêm tủy xương.
Giang mai
Ngoài lây truyền chủ yếu qua đường quan hệ tình dục, vi khuẩn giang mai Treponema pallidum còn lây truyền qua đường nước bọt qua hôn, cắn, quan hệ bằng đường miệng... Khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể người lành, chúng sẽ sinh sôi, sau đó lan đến nhiều vị trí trên cơ thể gây ra tình trạng sốt, sưng hạch bạch huyết, nhức đầu, đau họng, suy đa tạng khi không được điều trị kịp thời.
Virus herpes
Virus herpes ngoài lây truyền phổ biến qua đường tình dục còn lan truyền từ người sang người thông qua nhiều phương thức khác nhau, trong đó có vết cắn của người. Có hai loại virus herpes simplex chính là HSV-1 và HSV-2. Trong đó, loại HSV-1 chủ yếu gây ra mụn rộp miệng, đặc trưng bởi vết loét lạnh xuất hiện trên môi, quanh miệng hoặc trên mặt người bệnh. Khi bị người bệnh cắn, người lành có thể lây bệnh qua việc tiếp xúc với dịch tiết của mụn rộp, hoặc lây qua đường nước bọt, chất tiết khác.
Uốn ván
Trực khuẩn uốn ván sống và tồn tại nhiều trong môi trường yếm khí như đất, cát, đất đất phân bón, vật dụng sinh hoạt hàng ngày như kéo, dao, kim bị rỉ sét. Chúng sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua vết thương dù rất nhỏ, dẫn đến tình trạng tăng trương lực, co cứng cơ, gây suy hô hấp, tử vong cao từ 10-90%.
Trong khi đó, vết thương do người cắn gây xước da, chảy máu có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập và tấn công hệ thần kinh, gây bệnh. Vì vậy, khi có vết thương xảy ra, mọi người cần rửa sạch và đến cơ sở y tế để được khám, xử lý vết thương, điều trị hoặc có nên tiêm uốn ván hay huyết thanh khi cần.
Cách phòng ngừa
Bác sĩ Điền cho biết người bị cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước sạch, giữ phần tổn thương sạch sẽ và đến cơ sở y tế để được tư vấn chủng ngừa. Mọi người không nên tự điều trị, đắp vết thương theo mẹo dân gian, các loại lá cây... khiến vết thương nhiễm trùng, biến chứng.
Một số bệnh như viêm gan B, uốn ván đã có vaccine phòng ngừa. Trong đó, viêm gan B có nhiều loại dành cho trẻ em và người lớn gồm Heberbiovac HB (Cu Ba) và Gene Hbvax (Việt Nam), Twinrix (Bỉ) phòng viêm gan A và B trong một mũi tiêm; vaccine phối hợp có thành phần viêm gan B như 5 trong 1, 6 trong 1 cho trẻ em.
Uốn ván cũng có nhiều loại vaccine gồm mũi uốn ván đơn và phối hợp như uốn ván - bạch hầu hấp phụ, bạch hầu - ho gà - uốn ván, có thể tiêm chủng chủ động hoặc tiêm khi có vết thương hở.
Diệu Thuần