Trả lời:
Bất kỳ ai có vết bầm tím kéo dài hơn hai tuần không rõ nguyên nhân cần được bác sĩ thăm khám. Đây có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nội khoa như Lupus, bệnh ưa chảy máu, bệnh gan thận, thiếu máu hay thiếu hụt vitamin K; viêm mạch máu, viêm màng não, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng hay hội chứng marfan... Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thuốc cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện vết bầm trên da hơn như ibuprofen (thuốc kháng viêm không steriod), aspirin, warfarin (thuốc chống đông).
Tuy nhiên, cơ thể một số người có thể dễ bị bầm tím hơn bình thường. Các hoạt động thể thao, chấn thương do va đập có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và bầm tím. Đây có thể là dấu hiệu của sự lão hóa, tâm lý căng thẳng hoặc tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị.
Do đó, mọi người không nên chủ quan dù các vết bầm có thể không đau nhức.
Người bệnh cần đi khám nếu có vết bầm tím kèm đau đớn, hay một số triệu chứng khác như máu trong nước tiểu hoặc phân, chảy máu nướu răng, tứ chi sưng tấy, sậm màu vùng da xung quanh vết thâm theo thời gian; sốt, buồn nôn hoặc nôn mửa; xuất hiện một cục u lớn ở vùng bầm tím, chóng mặt hoặc ngất xỉu, đau khớp hoặc xương, bầm tím ở cùng một nơi nhiều lần.
Bác sĩ Thạch Văn Toàn
Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM