Trung Quốc đang phát triển loại vệ tinh gián điệp sử dụng công nghệ chụp ảnh bóng ma nhằm phát hiện các oanh tạc cơ tàng hình tối tân của Mỹ. Nếu dự án thành công, đây có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi tại Đông Á trong vòng 10 năm tới, SCMP ngày 26/11 đưa tin.
Giới chuyên gia vật lý Trung Quốc khẳng định các kỹ thuật ngụy trang hiện nay, từ màn khói che giấu lực lượng trên chiến trường đến vật liệu hấp thụ sóng radar trên máy bay và chiến hạm tàng hình, đều sẽ vô dụng trước công nghệ chụp ảnh bóng ma.
Công nghệ chụp ảnh bóng ma lượng tử có thể đạt độ nhạy chưa từng có, dựa trên nguyên lý phát hiện lượng ánh sáng cực nhỏ phát ra từ vật thể có độ phản xạ cực thấp, cũng như cách mục tiêu tương tác với ánh sáng trong môi trường xung quanh. Điều này giúp công nghệ chụp ảnh bóng ma thu thập được nhiều thông tin mục tiêu hơn các phương pháp truyền thống.
Vệ tinh trang bị cảm biến quang lượng tử mới có khả năng nhận dạng, bám bắt mục tiêu gần như vô hình trước radar và cảm biến quang hồng ngoại như oanh tạc cơ tàng hình bay trong đêm.
B-2 Spirit hiện là oanh tạc cơ tàng hình duy nhất trên thế giới, có thể thực hiện đòn tấn công chiến lược vào đối phương. Nó chủ yếu xuất kích vào ban đêm để tránh camera quang học độ nét cao trên các vệ tinh gián điệp. Oanh tạc cơ này được phủ lớp sơn đặc biệt để tán xạ hoặc hấp thụ sóng radar trên các băng tần nhất định, cũng như được trang bị nhiều công nghệ khuếch tán nhiệt để tránh cảm biến hồng ngoại. Mẫu B-21 đang được phát triển cũng giữ nguyên các công nghệ trên, nhưng được cải tiến đáng kể và dự kiến biên chế cho không quân Mỹ vào năm 2025.
Ông Gong Wenlin, giám đốc Phòng nghiên cứu Quang lượng tử thuộc Học viện khoa học Thượng Hải, nơi chế tạo nguyên mẫu thiết bị chụp ảnh bóng ma cho vệ tinh, tuyên bố công nghệ này được thiết kế để buộc phi cơ tàng hình như B-2 phải lộ diện. Bản thử nghiệm đầu tiên dự kiến ra mắt vào năm 2020, phục vụ mục tiêu thử nghiệm trong không gian trước năm 2025 và trang bị đại trà sau đó 5 năm.
Công nghệ này đã được thử nghiệm trên các hệ thống mặt đất. Nhóm của ông Wenlin đang chạy đua với các đối thủ nước ngoài, gồm cả phòng nghiên cứu của quân đội Mỹ, để phóng vệ tinh trang bị công nghệ chụp ảnh bóng ma đầu tiên trên thế giới.
Trung Quốc từng thử nghiệm tính khả thi của công nghệ này trên hệ thống mặt đất vào năm 2011, trước Mỹ ba năm. "Chúng tôi đánh bại họ trên mặt đất và rất tự tin sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua trong không gian", ông Wenlin tuyên bố.
Vệ tinh chụp ảnh bóng ma sẽ trang bị hai camera. Chiếc đầu tiên nhắm đến khu vực nghi ngờ bằng một cảm biến hình ảnh đơn cỡ lớn, trong khi camera thứ hai đo sự thay đổi ánh sáng ở môi trường xung quanh khu vực đó. Mục tiêu có thể phản chiếu một lượng nhỏ ánh sáng từ các nguồn như Mặt Trời, Mặt trăng hoặc thậm chí ánh đèn huỳnh quang. Ngoài ra, vệ tinh cũng được lắp hai bộ phát tia laser để chiếu sáng mục tiêu và khu vực xung quanh.
Bằng cách phân tích và kết hợp tín hiệu thu được từ hai camera thông qua thuật toán vật lý lượng tử, các nhà khoa học có thể chụp ảnh vật thể với độ nét cực cao, chưa từng đạt được với các phương pháp trước đây.
Ông Wenlin cho biết công nghệ này không bị ảnh hưởng bởi bóng tối, mây, sương mù và các yếu tố cản trở tầm nhìn khác. Công nghệ chụp ảnh quang lượng tử có thể lấy dữ liệu từ nhiều dải tần ánh sáng, giúp ảnh chụp có vẻ tự nhiên với mắt người hơn so với ảnh đen trắng từ radar, vốn dựa trên tín hiệu phản hồi của sóng điện từ.
Camera chụp ảnh bóng ma cũng có thể xác định đặc tính vật lý và hóa học của mục tiêu. Điều này giúp kíp vận hành phân biệt mô hình giả hoặc khí tài được che giấu kỹ càng. Các chuyên gia Trung Quốc cho biết công nghệ chụp ảnh bóng ma sẽ phát huy hiệu quả cao nhất khi kết hợp với các phương pháp truyền thống như camera quang học và radar khẩu độ tổng hợp.
Giáo sư Xiong Jun tại Đại học Bắc Kinh cho biết công nghệ chụp ảnh bóng ma có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong các chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, để chế tạo thành công vệ tinh chụp ảnh bóng ma, Trung Quốc vẫn cần vượt qua nhiều thách thức kỹ thuật.
Nếu vệ tinh sử dụng nguồn sáng tự nhiên như Mặt Trời và Mặt Trăng, nó sẽ cần cảm biến siêu nhạy để phát hiện những thay đổi nhỏ trong ánh sáng với tốc độ một phần tỷ giây. Trong trường hợp sử dụng nguồn sáng nhân tạo như tia laser, vệ tinh buộc phải có bộ phát rất mạnh để chiếu tới mục tiêu gần mặt đất.
Duy Sơn