Trung Quốc duy trì kho vũ khí hạt nhân với khoảng 264 đầu đạn kể từ năm 1964 để thực hiện nhiệm vụ răn đe chiến lược. Con số này quá ít so với 1.550 đầu đạn hạt nhân mà Nga và Mỹ đang sở hữu theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) mới.
Việc duy trì kho vũ khí hạt nhân nhỏ phù hợp với quan điểm về răn đe chiến lược và học thuyết trả đũa hạt nhân của Trung Quốc. Tuy nhiên, những thành tựu công nghệ gần đây có thể khiến nước này nhanh chóng tăng cường kho vũ khí hạt nhân trong những năm tới, theo National Interest.
Trung Quốc đang bắt đầu xây dựng bộ ba răn đe hạt nhân chiến lược đáng tin cậy. Trước đây, Bắc Kinh chủ yếu dựa vào tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất trang bị một đầu đạn hạt nhân. Hiện nay, nước này đã sở hữu khả năng răn đe trên biển với việc biên chế tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Type-094.
Trung Quốc đang sở hữu 4 chiếc Type-094 và dự kiến đóng thêm ít nhất một tàu nữa. Mỗi tàu ngầm Type-094 có 12 ống phóng tên lửa, trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-2 với tầm bắn 7.500 km. Một số báo cáo cho rằng JL-2 có thể mang tối đa 8 đầu đạn hồi quyển độc lập (MIRV). Như vậy, hạm đội tàu ngầm Type-094 sẽ cần khoảng 60 đến 480 đầu đạn hạt nhân.
Lầu Năm Góc nhận định Bắc Kinh sẽ bắt đầu biên chế tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Type-096 tối tân và tên lửa đạn đạo JL-3 trong vòng 10 năm tới. Hiện chưa rõ số lượng tàu ngầm Type-096 dự kiến được chế tạo, cũng như tên lửa mới có mang nhiều đầu đạn hạt nhân hay không.
Tuy nhiên, Type-096 được cho là sẽ trang bị 24 ống phóng tên lửa SLBM. Trong trường hợp Bắc Kinh chế tạo 5 tàu Type-096 và mỗi tên lửa JL-3 chỉ mang một đầu đạn, nước này sẽ cần tối thiểu 120 đầu đạn hạt nhân, bằng gần nửa kho vũ khí hạt nhân hiện nay. Nếu tính cả số đầu đạn trang bị cho tàu ngầm Type-094, việc duy trì khả năng răn đe trên biển sẽ chiếm tới 75% số đầu đạn hạt nhân của Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, lực lượng tên lửa đạn đạo mặt đất cũng cần thêm những đầu đạn hạt nhân mới, trong bối cảnh Trung Quốc đang trang bị công nghệ MIRV cho chúng. Hồi đầu năm nay, Bắc Kinh đã thử tên lửa DF-5C trang bị 10 đầu đạn MIRV. Biến thể DF-5B cũ hơn cũng có thể mang tối đa 10 đầu đạn.
Hiện chưa rõ Trung Quốc có bao nhiêu tên lửa DF-5C, nhưng Lầu Năm Góc ước tính nước này đang sở hữu khoảng 20 tên lửa DF-5A và DF-5B. Việc trang bị đầu đạn hạt nhân cho số tên lửa này sẽ chiếm một nửa tổng số vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Đó là chưa kể tới việc Trung Quốc sắp biên chế tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 có thể mang theo 10 đầu đạn MIRV. Lực lượng tên lửa DF-41, DF-5B và DF-5C sẽ đòi hỏi tối thiểu 87% tổng số đầu đạn hạt nhân trong biên chế Trung Quốc hiện nay.
Chuyên gia quân sự Zachary Keck cho rằng những ước tính này có thể cao hơn thực tế. Trung Quốc không thực sự cần chế tạo nhiều tên lửa và đầu đạn như vậy. Bên cạnh đó, các tên lửa cũng cần mang theo mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương, thay vì nhồi nhét toàn bộ đầu đạn MIRV lên một quả đạn.
Tuy nhiên, thực tế rõ ràng là Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân, nhằm đáp ứng nhu cầu dự trữ và xây dựng lực lượng răn đe chiến lược trong tương lai. Trung Quốc được cho là có khoảng 14-18 tấn urani làm giàu cấp độ cao cùng 2,3 tấn plutoni cấp độ vũ khí, đủ để chế tạo 750-1.600 đầu đạn. Thực tế này có thể sẽ buộc Mỹ điều chỉnh chiến lược kiểm soát vũ khí hạt nhân trong những năm tới, Keck nhận định.
Duy Sơn