Trong thời gian này tôi đọc rất nhiều bài báo nói về đầu tư và mua nhà khi thu nhập còn thấp của các tác giả trên diễn đàn. Tôi thấy phần lớn mọi người đều nói là thu nhập thấp thì không thể mua được nhà, nhưng cũng có một số bạn chia sẻ rằng nhờ biết cách chi tiêu mà bạn ấy đã mua được nhà dù thu nhập cũng không cao.
Theo quan điểm của tôi, thu nhập chỉ là yếu tố cần, còn yếu tố đủ đó chính là cách bạn chi tiêu và đầu tư như nào.Vì thực tế khi bạn lương 5 triệu, lương 10 triệu, hay lương 20 triệu một tháng, nhưng cách chi tiêu của bạn theo kiểu có bao nhiêu xài bấy nhiêu thì thu nhập bao nhiêu cũng không tích lũy được.
Còn khi bạn biết phân bổ và chi tiêu một cách hợp lý thì dù lương bạn thấp hay lương bạn cao thì bạn vẫn có khả năng đầu tư và tiết kiệm theo khả năng tài chính của bạn.
Bản thân tôi từ tỉnh lẻ vào Sài Gòn học đại học và đi làm rồi lập nghiệp. Ở tuổi hơn 30 nhưng tôi đã tích lũy được khoản tài chính ổn định từ nhiều nguồn thu nhập thụ động khác nhau đủ để về hưu sớm.
>> Nỗi buồn 'đại gia chốt liền tay 4 lô đất giá 12 tỷ'
Sẽ có bạn nói tôi may mắn, tôi có gia đình hỗ trợ, hay có một khoản tiền nhờ may mắn mà có, nhưng thực tế không phải vậy, vì ngoài nuôi bản thân tôi, tôi còn phải lo cho gia đình lớn và gia đình nhỏ của tôi. Tôi cho rằng để đạt được những điều này, nó hoàn toàn đến từ việc đầu tư và chi tiêu một cách có kế hoạch.
Từ khi tôi còn là sinh viên, vì nhà nghèo nên tôi tự nuôi bản thân mình bằng chính những công việc như gia sư, bồi bàn, bán hội chợ, hay giúp việc nhà... Ngoài chi tiêu cơ bản cho bản thân mỗi tháng, tôi cố gắng để dành chút ít.
Tôi luôn quan sát và tìm cơ hội đầu tư từ số tiền tiết kiệm đó. Lần đầu kinh doanh đó là khi tôi còn là sinh viên. Tôi ở ký túc xá, nhận thấy sinh viên hay có nhu cầu ăn khuya, ăn vặt và mua những đồ dùng cá nhân như bột giặt, dầu gội, sữa tắm nhưng lại hay quên mua... Do quy định ký túc xá không được ra ngoài sau 10h30 đêm, thời đó cũng không có các cửa hàng tiện lợi như bây giờ nên dù có nhu cầu cũng không mua được.
Do đó, tôi đã dành số tiền tiết kiệm để mua đồ về bán vào mỗi buổi tối muộn ở ký túc xá, tôi mua ở Chợ Lớn nên giá rẻ, về bán lại cho các bạn với giá rẻ hơn các cửa hàng tạp hóa quanh ký túc xá tôi ở. Mỗi món chỉ chênh lệch vài đồng nhưng nhiều món nên tôi cũng để dành được một ít mỗi tháng.
Trong thời gian này, tiền tôi kiếm được từ làm thêm và kinh doanh, ngoài chi tiêu cho bản thân, phần còn lại tôi đầu tư cho bản thân thông qua việc học ngoại ngữ và các chứng chỉ cần có khi ra trường.
Khi ra trường, do có vốn ngoại ngữ tốt hơn so với các bạn của tôi nên tôi có cơ hội làm việc trong công ty nước ngoài. Do mới ra trường nên lương còn thấp, nên hàng tháng tôi ưu tiên để khoản tiết kiệm ra trước, khi nào đủ tiền mua một chỉ vàng, tôi lại mua cất để đó, phần còn lại tôi lên kế hoạch chi tiêu cụ thể cho từng khoản mục như tiền thuê nhà, tiền ăn uống, tiền sinh hoạt phí.
>> Sống nhàn tuổi 40 nhờ 'quên' 20 cây vàng
Để có thể chi tiêu tiết kiệm trong sinh hoạt, tôi thường quan sát từ người thân và bạn bè, đọc sách báo để chọn lọc, học hỏi và tạo thành thói quen chi tiêu sinh hoạt tốt.
Ví dụ như tôi thường đổ xăng vào buổi sáng sớm thay vì giữa trưa nắng, thay vì đi chợ hàng ngày, tôi đi chợ hàng tuần với số lượng lớn rồi chia nhỏ theo ngày, hay những vận dụng xài thường xuyên, tôi luôn mua đồ tốt nhất để không phải sửa chữa, những vận dụng ít xài, tôi mua sản phẩm với giá cả vừa phải và đặc biệt tôi luôn lên danh sách cụ thể cho mỗi lần đi mua sắm và chỉ mua những thứ cần thiết.
Sau năm năm ra trường, tôi lên kế hoạch mua nhà, nhưng không phải để ở mà đầu tư. Tôi bán toàn bộ số vàng tôi tích lũy được một ít vốn (do vàng lên giá theo thời gian). Tôi tính toán nếu vay ngân hàng để mua thì hàng tháng tôi phải trả lãi và vốn rất cao, như thế sẽ là một gánh nặng lớn cho tôi nên thay vì tự mua một mình, tôi rủ bạn bè tôi, những người có số tiền như tôi mua chung và chia lợi nhuận theo phần trăm đóng góp.
Chúng tôi chịu khó đi tìm, chịu khó tự sửa chữa lại, và bán lấy chênh lệch. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên tiền thu về sau mỗi lần đầu tư chỉ khoảng 10 triệu, 20 triệu... Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm và vốn, sau nhiều lần mua bán cùng bạn bè, tôi đã tích lũy cho mình một khoản vốn tương đối, công thêm tiền tiết kiệm từ lương, thưởng và tiền vay ngân hàng, tôi quyết định tự mình mua một căn chung cư vừa phải trong khả năng tài chính của mình.
>> Người thuê nhà sống hưởng thụ đã tính đến biến cố?
Khi mua, tôi sẽ đánh giá vị trí là quan trọng nhất, rồi những tiện ích đi kèm. Căn chung cư đầu tiên tôi mua chỉ có một phòng ngủ, chung cư đã xây dựng được mấy năm nên đã cũ, nhưng bù lại, vị trí ở khu trung tâm quận 2. Vị trí đẹp, số tiền mua vừa phải, tôi sửa chữa cho đẹp, tôi dễ dàng bán lại cho đối tượng là cặp vợ chồng mới cưới.
Cứ mỗi lần như thế tôi lại tích lũy thêm một khoản từ đầu tư cho mình. Khi đủ vốn có thể mua một căn nhà để ở và tích lũy thêm một khoản dư ra, tôi lại cùng bạn bè mua đi và bán lại, tích lũy thêm vốn. Dù bất động sản chính là kênh đầu tư cho tôi thêm thu nhập nhưng tôi chưa bao giờ lơ là với công việc văn phòng của mình.
Tôi luôn đầu tư vào bản thân đó là luôn học hỏi, làm việc nghiêm túc, tích lũy kinh nghiệm và thăng tiến trong nghề nghiệp vì tôi luôn xác định đây chính là khoản thu nhập ổn định cho cuộc sống của tôi và góp thêm một phần vốn cho tôi đi đầu tư. Ngoài đầu tư bất động sản, tôi còn kinh doanh thêm siêu thị mini và quán chay.
>> 'Quá khó để người trẻ tự thân mua nhà'
Có lẽ mỗi người sẽ có một sự lựa chọn khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh và cơ hội của mỗi người. Tôi luôn dùng sơ đồ SWOT để đánh giá tất cả cơ hội và rủi ro khi đưa ra những quyết định quan trọng. Tôi cũng từng thất bại một số lần đầu tư, nhưng mỗi lần như vậy tôi lại tích lũy cho mình những bài học quý giá. Sau một thời gian tôi đầu tư và kinh doanh, tôi nhận thấy để thành công, mình cần phải:
- Hiểu rõ khả năng tài chính của mình, có kế hoạch và lộ trình rõ ràng cho từng mục chi tiêu và đầu tư cụ thể trong từng năm. Luôn đặt ra câu hỏi trong tình huống xấu nhất là gì? Tôi có phương án nào để thay thế? Mức rủi ro nhiều nhất tôi có thể chấp nhận được là bao nhiêu?
- Mối quan hệ luôn quan trọng vì một mình mình, mình không thể biết tuốt, hay tài chính mình có hạn do đó hãy luôn học hỏi và tạo các mối quan hệ để cùng đầu tư chung. Khi đầu tư chung phải có văn bản quy định, phân công nhiệm vụ và nguồn vốn rõ ràng ngay từ đầu để tránh tình trạng xích mích và hiểu lầm nhau sau này.
- Luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư và tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác nhau.
- Luôn đầu tư kiến thức cho mình trong những lĩnh vực mình tham gia.
- Và một điều rất quan trọng đó là tính kỷ luật, kiên trì và tự giác thực hiện theo kế hoạch, mục tiêu đề ra nhất là khâu quản lý chi tiêu.
>> Bài học cay đắng vì 'hụt hơi' khi vay tiền mua nhà
Tôi có một sở thích là ngày nào tôi cũng dành ít nhất nửa tiếng đọc những thông tin đầu tư trên sách báo, tôi cũng thích đọc các bài báo chia sẻ từ các độc giả về những vấn đề liên quan đến tài chính của họ, qua cách chia sẻ đó, tôi luôn thấy có rất nhiều điều hay để có thể học hỏi và tích lũy trải nghiệm, kiến thức cho mình.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.