Sáng 22/5, 172 VĐV hồi hộp chờ hiệu lệnh xuất phát cự ly 100km Huanghe Shilin Mountain Marathon - giải chạy đường núi ở Công viên địa chất quốc gia rừng đá Hoàng Hà. Vài người mặc áo khoác mỏng, khởi động cơ bắp, nhảy lên nhảy xuống trước vạch xuất phát. Zhang Xiaotao đưa mắt quan sát, và nhận thấy gió thổi bay mũ của một số bạn chạy quanh anh. Đó là dấu hiệu đầu tiên của một ngày kinh hoàng phía trước. Nhưng lúc ấy, Zhang - một blogger thể thao 30 tuổi - không biết rằng chỉ vài giờ sau, anh sẽ nằm bất tỉnh trên một ngọn núi hiểm trở, sau khi thời tiết chuyển xấu nhanh chóng, mưa đá và gió lớn kéo đến.
Zhang là một trong những VĐV được cứu khi mưa lớn chuyển thành mưa đá và nhiệt độ giảm mạnh. Anh may mắn hơn nhiều so với 21 bạn chạy đã tử nạn - những người bị hạ thân nhiệt trước khi qua đời.
Khi Zhang leo lên đoạn đường khó khăn nhất của cuộc thi - từ kilomet 20 tới kilomet 30, mưa đá và gió giật xuất hiện, càng lúc càng to, hạn chế tầm nhìn. "Nó cứ đập vào mặt và mắt tôi mờ đi. Tôi không thể nhìn rõ đường", chân chạy này kể.
Gió lớn đến mức, Zhang trượt chân ngã gần 10 lần, đến khi không thể nhấc người lên và bất tỉnh. Blogger tỉnh dậy trong một hang động, được quấn chiếc chăn bông quanh người và sưởi ấm bởi ngọn lửa. Một người chăn cừu tên Zhu Keming đã tìm thấy, và đưa Zhang đến nơi an toàn. "Tôi nợ anh ấy mạng sống", anh nói.
Zhu sống ở thôn Trường Sinh, huyện Cảnh Thái. Hôm 22/5, anh như thường lệ lên núi chăn cừu và nhân tiện xem các VĐV thi đấu. Khi trời đổ mưa vào gần trưa, Zhu vào chiếc hang mà anh dùng làm điểm dừng chân mỗi khi lên chăn cừu. Đang nghỉ ngơi, Zhu nghe thấy tiếng hét lớn của các VĐV. Người chăn cừu liền đi kiểm tra và phát hiện nhóm năm VĐV đã nhiễm lạnh, một người bắt đầu co giật. Cả năm được sưởi bằng lửa và giữ ấm bằng chăn của Zhu.
Zhu sau đó gọi điện rồi ra điểm hẹn chờ đoàn cứu hộ và tìm thấy Zhang đang nằm bất tỉnh. Người chăn cừu liền về gọi năm VĐV kia, những người lúc này đã hồi sức, trở ra đưa Zhang về nơi trú ẩn. Đến khoảng 19h ngày 22/5, cả sáu VĐV này được các nhân viên cứu hộ tới đón.
Tới tối 23/5, sau khi công tác cứu hộ hoàn tất, toàn bộ 172 VĐV được tìm thấy, câu chuyện những người chạy bộ bị mắc kẹt do không có sóng điện thoại và không được chuẩn bị cho tình thế thời tiết cực đoan, đã khiến cộng đồng phẫn nộ. Một nhóm điều tra về thảm hoạ này đã được thành lập. Truyền thông thì chất vấn việc ban tổ chức không quyết định huỷ cuộc đua sớm hơn và họ có thể làm gì để ngăn chặn thiệt hại về nhân mạng.
Khi thị trưởng thành phố Bạch Ngân cúi đầu xin lỗi các gia đình nạn nhân trên sóng truyền hình, Zhang nghĩ anh suýt nằm trong các những nạn nhân. Ngay khi bắt đầu lên núi, anh đã vượt qua Huang Guanjun - nhà vô địch 10.000m tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật Trung Quốc 2019. Khi Zhang vượt qua, Huang chỉ vào tai mình và vẫy tay, ra dấu cho anh biết mình không thể nghe thấy Zhang nói chuyện
"Tôi phát hiện anh ấy bị câm điếc. Không lâu sau, Huang qua đời trên chính con đèo mà chúng tôi gặp nhau", Zhang kể.
Các cuộc đua chạy đường trường và chạy đường núi trở nên phổ biến trong khoảng hai thập kỷ gần đây. Những vận động viên hàng đầu ngày càng đặt ra những mục tiêu mới, tăng độ khó và độ dài của cuộc đua. Có những giải đấu, VĐV chạy trong vài ngày, chạy hàng trăm kilomet, họ thậm chí hứng thú với các cuộc chạy đường núi ở độ cao kỷ lục và nhiệt độ khắc nghiệt. Các nhà phê bình cho rằng, một số cuộc đua bắt đầu không còn thể hiện rõ ranh giới giữa sự chinh phục và sự liều lĩnh.
Huanghe Shilin Mountain Marathon ở Công viên địa chất quốc gia rừng đá Hoàng Hà đã được chính quyền địa phương tổ chức trong bốn năm qua. Sự kiện này được xem là cách để thúc đẩy du lịch cho một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Người tham gia thường là các VĐV leo núi, những các VĐV chạy đường siêu dài, chạy trail. Nhiều người trong số họ chạy vì mục tiêu tiền thưởng. Giải thưởng cho hai vị trí nhất nhì lần lượt là gần 2500 USD và gần 2000 USD, trong khi các VĐV vào top 10 sẽ nhận 300 USD, còn các VĐV hoàn thành cự ly trong thời gian quy định (finisher) nhận 248 USD tiền thưởng.
Yun Yanqiao, một VĐV điền kinh giàu thành tích ở Trung Quốc, không tham gia cuộc đua ngày 22/5, nhưng mất hai người bạn là Huang Yinbin (28 tuổi) và Liang Jing (31 tuổi) - nhà vô địch ultra marathon. Theo Yun, cả Huang và Liang đều có xuất thân không giàu có và chạy ultra marathon với mục tiêu kiếm tiền thưởng. Liang Jing chạy đua vì vợ và con nhỏ, đồng thời cũng thỏa mãn đam mê riêng.
"Anh ấy là một người luôn chăm chỉ trong tập luyện và thi đấu. Anh ấy rất quan tâm tới gia đình của mình", Yun nói.
Một trong những người sống sót - VĐV leo núi nổi tiếng người Trung Quốc, Luo Jing - mô tả với đài truyền hình CCTV trải nghiệm của bản thân trong thảm kịch. Khi cô và những người khác bắt đầu leo núi, không khí loãng dần lúc lên cao, cô nhận thấy ngày càng nhiều người dừng lại bên đường, run rẩy vì lạnh.
"Họ nói trên núi quá lạnh và tất cả đều mặc áo cộc tay, quần đùi. Một người nói với chúng tôi: 'Xuống núi thôi, có người sùi bọt mép rồi kìa", Luo Jing kể. Cô cũng đăng một đoạn video ngắn lên Weibo, quay cảnh xuống núi và nói: "Tôi sẽ quay lại ngay. Tôi vẫn an toàn", tiếng gió gào thét trong điện thoại và nước mưa che khuất khung hình.
Xuân Thắng (theo New York Times)