Younger là một nhật vật kỳ cựu của Interpol được mời tham gia Ủy ban điều tra độc lập của WADA (Cơ quan chống doping thế giới). Ông chính là người dẫn đầu một phái đoàn của WADA tiến hành các cuộc điều tra vấn nạn sử dụng doping tràn lan và có hệ thống của thể thao Nga, từ cuối năm 2014. Ông là chuyên gia kiểm tra và phát hiện sử dụng chất kích thích.
Sau khi Liên đoàn điền kinh Nga bị cấm tham gia vô thời hạn tại mọi giải đấu quốc tế, Younger hôm 19/11 còn chỉ trích vấn nạn sử dụng doping tại Nga là thứ “văn hóa xấu rất khó thay đổi”. Nhiều VĐV điền kinh của quốc gia này vẫn “tiếp tục sử dụng chất bị cấm ngay trước mũi các nhân viên điều tra của WADA”.
Ông cho biết: "Trong quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện ra ở một số trung tâm thể thao của Nga, các VĐV của họ vẫn sử dụng doping. Đó là hành động thiếu tôn trọng, và cho chúng tôi thấy họ đã không nghiêm túc nhìn nhận cuộc điều tra của WADA. Họ đã không coi việc thể thao Nga bị điều tra doping là vấn đề nghiêm trọng".
"Chúng tôi đã phải đối mặt với một thứ văn hóa thể thao thực sự đáng ngạc nhiên. Tôi luôn rất thận trọng, và những khi tôi điều tra tội phạm, thường họ cũng che giấu đường đi hay chứng cứ phạm tội của họ. Nhưng tại Nga, chúng tôi nghe thấy chính các vận động viên nói rằng ‘Tôi không quan tâm, vì sẽ chẳng có gì xảy ra như thường lệ’. Nghĩa là các VĐV tin rằng họ sẽ không bị sao khi dùng chất kích thích giống như trước đây", Younger nói thêm.
Do không tuân thủ các quy định về kiểm tra và phát hiện doping của WADA, Trung tâm chống doping Moscow, thuộc Cơ quan chống doping Nga, mới đây đã bị đình chỉ hoạt động. Giám đốc Trung tâm này bị cáo buộc từng ra lệnh hủy bỏ 1.417 mẫu thử doping của các VĐV Nga ngay trước khi WADA cử một nhóm tới kiểm tra Trung tâm hồi tháng 12/2014.
Nhưng khủng hoảng doping có dấu hiệu sẽ tác động mạnh tới cả những nền thể thao khác, chứ không chỉ riêng Nga. WADA mới công bố thêm thể thao Andorra, Argentina, Bolivia và Ukraine cũng không tuân thủ đúng theo các quy định phòng chống doping quốc tế. Các quốc gia này sẽ không còn được phép tiến hành các chương trình chống doping của riêng họ, giống như Nga hiện nay. Brazil, Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Mexico và Tây Ban Nha thì cùng bị WADA đặt vào danh sách bị theo dõi việc tuân thủ quy định xét nghiệm doping.
WADA chỉ có thể cáo buộc và công bố các nền thể thao vi phạm quy định phòng chống doping theo chuẩn quốc tế. Cơ quan này không có quyền phạt các liên đoàn thể thao. Quyền hạn đó thuộc về các liên đoàn thể thao quốc tế và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Chẳng hạn như Liên đoàn Điền kinh Quốc tế (IAAF) hôm 13/11 đã quyết định đình chỉ tạm thời hoạt động của điền kinh Nga ở mọi sự kiện, sau khi xem xét các cáo buộc trong báo cáo của WADA. Trong báo cáo hơn 300 trang, Ban điều tra độc lập của WADA tuyên bố họ phát hiện từng có “Chương trình doping được nhà nước bảo trợ” tại Nga.
Như vậy các VĐV của Liên đoàn điền kinh Nga sẽ không được tham gia mọi giải đấu quốc tế thuộc hệ thống của IAAF từ nay cho tới khi có quyết định chính thức, có thể bao gồm World Athletic Series và cả Olympic 2016 - Thế vận hội mùa hè khai mạc vào ngày 5/8 năm tới, ở Rio de Janeiro, Brazil. Nếu thể thao Nga thực hiện cải cách hệ thống kiểm soát doping, và nếu nỗ lực đó thuyết phục được các phái đoàn kiểm tra của quốc tế trong thời gian tới thì Liên đoàn điền kinh nước này sẽ không còn bị cấm thi đấu quốc tế.
Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko hy vọng cả nền thể thao Nga sẽ nỗ lực thay đổi để sớm thoát khỏi án phạt doping và trở lại thi đấu quốc tế trong vòng ba tháng tới, nghĩa là có thể kịp dự cả giải điền kinh Vô địch thế giới trong nhà tại Portland, Oregon, Mỹ vào tháng 3/2016 – khoảng năm tháng trước Olympic.
Quan chức này khẳng định Bộ thể thao Nga sẽ thành lập một Ủy ban để kiểm tra và đối phó với các cáo buộc về doping hệ thống tại Nga trong báo cáo mà WADA công bố gần đây.
“Tôi hy vọng trong 90 ngày nữa chúng tôi sẽ phục hồi được tư cách thi đấu cho Liên đoàn điền kinh Nga”, ông Mutko nhấn mạnh.
Nguyễn Phát