Điều kiện này được Ngân hàng Nhà nước đưa ra khi sửa Thông tư 39 quy định về cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Hiện, khách vay vốn chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký, có tài sản đảm bảo và không cần cung cấp thông tin của người có liên quan cho ngân hàng.
Nhưng tại dự thảo mới, Ngân hàng Nhà nước bổ sung thêm điều kiện dựa trên giá trị khoản vay. Theo đó, cơ quan này đề xuất khách hàng khi vay trên 100 triệu đồng sẽ phải cung cấp thông tin người có liên quan, ngoài hồ sơ đề nghị, phương án dùng vốn, tài sản đảm bảo.
Nếu người liên quan là cá nhân, thông tin kèm theo gồm họ và tên, số định danh cá nhân, quốc tịch, hộ chiếu và mối quan hệ với khách vay. Trường hợp là tổ chức, thông tin phải khai như tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, số Giấy chứng nhận đăng ký, người đại diện theo pháp luật...
Ngược lại, với khoản vay nhỏ dưới 100 triệu đồng, họ không cần gửi kèm hồ sơ thông tin người liên quan, cũng như phương án dùng vốn. Điều này, theo Ngân hàng Nhà nước, nhằm đơn giản thủ tục, tạo điều kiện cho người dân trong tiếp cận vốn và hạn chế tín dụng đen.
Hiện, lãi vay bình quân khoảng 6,4% một năm với các khoản vay mới, giảm 0,7% so với cuối 2023. Lãi suất cho vay giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến 29/2 giảm 0,72% so với cuối năm ngoái. Tín dụng tăng âm hai tháng đầu năm, trong khi lượng tiền gửi còn khoảng 14 triệu tỷ đồng, tức vốn ngân hàng khó bơm vào nền kinh tế.
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn hôm 14/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các nhà băng công khai lãi suất cho vay bình quân. Ngành ngân hàng, các bộ, ngành tìm giải pháp để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp.
Anh Tú