Các hội nhóm trên Facebook đang được tạo lập với những nội dung không thể kiểm soát. Chính vì thế, những hội nhóm với nội dung không lành mạnh đã ra đời. Một trong những hội nhóm khiến tôi giật mình đó là ""Hội những người vỡ nợ muốn làm liều".
Vào một buổi tối đầu năm nay, sau khi tham gia nhóm này để xem có những nội dung gì trong đó. Cứ tưởng là những lời tâm sự, hỏi han do bế tắc vì nợ nần, nhưng tôi đã lầm.
Một tài khoản đặt câu hỏi: "Tại sao các vụ cướp ngân hàng ở Việt Nam đều bị bắt?". Sau đó, người này phân tích tới năm lý do "ngây thơ" của những tên cướp từng bị bắt để rồi tổng hợp những "nguyên tắc chung của cướp ngân hàng" để có thể tẩu thoát.
Tôi sửng sốt trước những nội dung trong nhóm làm liều này. Ngoài kinh nghiệm cướp ngân hàng, còn có những nội dung như mua bán thận, mua súng, kinh nghiệm đi cướp...
Trong những năm gần đây, xảy ra rất nhiều vụ cướp ngân hàng. Những vụ này xảy ra cả ở ba miền.
15h26 ngày 7/1, chi nhánh Vietcombank ở quận Hải An bị một người đóng giả khách hàng quan sát 17 phút bên trong trước khi cầm súng đe dọa, cướp gần 3,5 tỷ đồng.
Hay mới xảy ra ngày 7/3 ở Hà Nội, hai tên mang súng bật lửa, dao đến phòng giao dịch ngân hàng Vietinbank vờ là khách đề nghị được rút tiền để cướp 500 triệu đồng. Hai tên này là thành viên của "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều", đây cũng là lần thứ hai thành viên của hội tổ chức các vụ cướp, nhà dân lẫn ngân hàng.
Không lẽ, cứ vỡ nợ là nhiều người nghĩ đến việc làm liều phạm tội thế sao? Ai cũng nói cướp ngân hàng ở Việt Nam khó thoát lưới pháp luật. Nhưng tôi nghĩ khi những tên tội phạm lợi dụng mạng xã hội để lập hội nhóm, bàn bạc kỹ lưỡng trước khi ra tay thì trong tương lai không xa, những thiệt hại và hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Cơ quan chức năng không triệt phá những mầm mống tội phạm trên không gian mạng.
Chánh Trung
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.