Chiều hôm qua, trên đường đi làm về, tôi thấy phía trước có một anh thanh niên mặc đồ lịch sự, đi xe ga đắt tiền quay ra nhổ nước bọt xuống đường. Tôi và nhiều người giật mình, lách xe né bãi nước bọt được phun ra từ một con người ăn vận đẹp đẽ mà vô ý thức đó.
Những năm gần đây, kinh tế đất nước phát triển, xã hội đã có nhiều thay đổi. Nhiều người xây được nhà to, mặc quần áo đẹp, đi xe máy, dùng điện thoại đắt tiền. Nhưng có lẽ ý thức và nếp sống văn minh vẫn là món hàng xa xỉ vượt qua tầm với của nhiều người, dù là công dân đô thị từ khi lọt lòng hay người lao động nhập cư.
Khu chung cư nơi tôi ở, có một công viên và sân chơi cho cộng đồng. Buổi chiều tối, do có nhiều mảng xanh nên khu vực này rất mát mẻ, nhiều cư dân chung cư cùng người ngoài đến đây vui chơi hóng mát.
Tôi thấy nhiều người vui chơi, ăn uống xong rồi xả rác luôn tại chỗ mặc dù thùng rác chỉ cách đấy có vài bước chân. Có những nam thanh nữ tú dắt chó đi dạo rồi sẵn tiện để chó đi vệ sinh ngay tại công viên nhưng không chịu dọn dẹp. Họ xem công viên như là nhà vệ sinh của thú cưng. Họ không ý thức được việc giữ vệ sinh chung là góp phần gìn giữ không gian sạch sẽ, tươi mát để mọi người có thể cùng tận hưởng lâu dài.
Bài viết cùng tác giả:
>> Cha mẹ Việt nên đẩy con 'ra đường' làm thêm từ lúc còn đi học
Văn hóa giao thông có lẽ là tấm gương phản ảnh rõ nét nhất thói ích kỷ và vô ý thức. Những ngã tư, mặc dù đèn tín hiệu đã chuyển sang đỏ, nhiều người vẫn chạy cố, tranh thủ vài giây để rồi bị tắc lại giữa giao lộ. Đây là khởi đầu cho một vụ ùn tắc giao thông, câu chuyện xảy ra hàng ngày trên hàng ngàn tuyến đường của Sài Gòn.
Ai cũng cố tranh thủ vài giây để rồi hại cả hàng ngàn người bị kẹt lại trên đường hàng chục phút, thậm chí hàng giờ liền. Tôi rất hay bị chửi khi dừng xe tại ngã tư khi đèn tín hiệu giao thông chỉ mới chuyển sang ...đèn vàng. Chạy xe vượt đèn đỏ như đã thấm vào máu một số người.
Một nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông nữa chính là việc lấn tuyến, chạy ngược chiều. Nhiều người vì khôn lỏi, muốn về đích nhanh hơn nên chủ ý lấn làn, chạy vượt lên. Nhưng không may cho họ (và nhiều người khác), vì có quá nhiều người khôn lỏi như vậy, nên hai dòng xe lại bị xung đột lẫn nhau tại các giao lộ dẫn đến kẹt xe. Những chuyện lấn làn này không chỉ xảy ra đối với người đi xe máy.
>> Chạy xe ôm công nghệ, thanh niên bị 'cướp mất' sức khoẻ và thanh xuân
Còn đó rất nhiều thói xấu mà xã hội và báo đài đã nhiều lần lên án như văn hóa xếp hàng, hát karaoke bằng loa kẹo kéo tại nhà, lấn chiếm vỉa hè... Nhưng vẫn chẳng có được những thay đổi, không mấy cải thiện trong ý thức người Việt.
Tôi cho rằng cần có những biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn như phạt tiền, buộc lao động công ích hoặc có thể cả phạt đánh roi như Singapore để có được một xã hội văn minh và đáng sống hơn. Giáo dục cần dạy cho học sinh, sinh viên ngay từ nhỏ về lối sống văn minh đô thị. Dạy trẻ từ những cái nhỏ nhất như đi cầu thang, đi thang máy, sử dụng nhà vệ sinh, không xả rác... để hình thành được lối sống văn minh trong mỗi cá thể.
Chúng ta không thể mãi kêu gào than vãn về những con đường ngập nước trong khi chúng ta vẫn xả rác ngập ngụa ngay miệng cống. Chúng ta không thể tức tối và ngán ngẩm về những con đường kẹt xe không lối thoát trong khi chúng ta vẫn ích kỷ vượt đèn đỏ, lấn làn chạy ngược chiều. Một xã hội có văn minh, có đáng sống hay không là kết quả của lối sống và cách hành xử của những con người sống trong cái xã hội đó.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Henry Nguyễn