Hội thảo diễn ra trong cả ngày 15/4 tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Đây là hội thảo lớn của Viện Văn học, nhận được 83 tham luận là những công trình nghiên cứu gửi tới tham dự. Nhiều giáo sư, tiến sư, nhà nghiên cứu, phê bình lý luận văn học đã có mặt để phát biểu, lắng nghe và phản biện. 32 tham luận được ban tổ chức lựa chọn để báo cáo tóm tắt.
Hội thảo ghi nhận văn học thời đổi mới là sự thể hiện những cái "tôi" một cách mạnh mẽ. Trước đó, văn học phải làm nhiệm vụ cao cả hơn, hòa vào cái ta chung. Cả dân tộc như một bản đồng ca, khi mà "đọc thơ anh mà tôi ngỡ thơ mình". Từ những năm 1970, văn học đã có dấu hiệu phát triển và thể hiện nhân tố mới, nhưng khái niệm "văn học đổi mới" gắn liền với thời điểm 1986, khi Đảng ta phát động cuộc đổi mới toàn diện. Bước vào thời kỳ này, đội ngũ sáng tác "lên đường đi tìm cái tôi đã mất".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, văn học đổi mới đã chấp nhận cách nhìn đa chiều hơn, có nhiều giọng nói mới, tinh thần mới. Bản thân Nguyễn Quang Thiều là một nhân tố trong tiến trình đổi mới ấy. 20 năm trước, nhiều người đã hoài nghi, đánh giá thơ ông không phải thơ Việt, chỉ trích bằng những lời lẽ nặng nề; thì nay giới phê bình nhìn nhận ông như người đầu tiên xác lập một giọng điệu mới trong thơ Việt. Nguyễn Quang Thiều cũng như nhiều người khác đánh giá cao những biến chuyển trong văn học thời đổi mới.
Văn học đổi mới cũng ghi nhận những đóng góp của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi có tới 3 tham luận nghiên cứu về tác giả Tướng về hưu. Trong đó, tham luận Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt của văn học Việt Nam sau 1975 của Phó giáo sư La Khắc Hòa gây chú ý khi mượn câu chuyện, sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp để nói về tiến trình văn học đổi mới.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học, văn học từ sau 1986 đã thu được nhiều thành tựu đáng chú ý. Đời sống văn học diễn ra sôi động, nhiều tác phẩm phong phú, hấp dẫn, nhiều khuynh hướng, cách tân nghệ thuật mới mẻ. Đáng kể là với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật", nhà văn không còn e ngại trước các đề tài nhạy cảm, được tự do lựa chọn phương thức thể hiện, lựa chọn bút pháp, ngôn ngữ biểu đạt... Viện trưởng Viện Văn học cũng đánh giá có hai hướng đổi mới tổng thể là đổi mới trên nền truyền thống và đổi mới theo hướng nghệ thuật hiện đại phương Tây.
Tuy nhiên, phó giáo sư Nguyễn Đăng Điệp cũng chỉ ra những hạn chế của văn học thời kỳ đổi mới, như thiếu nền tảng triết học, mỹ học cho văn chương nên chưa có tác phẩm xứng tầm với năng lực. Tình trạng thương mại hóa câu khách, chạy theo các đề tài thời thượng khiến văn chương đôi chỗ chú trọng vào chức năng giải trí, coi nhẹ giá trị nhân văn và tính phản biện xã hội. Hoạt động quảng bá văn chương cũng là một khâu yếu của văn học. Việc quản lý hoạt động văn học cũng có nhiều bất cập, như xử lý một số vụ việc văn chương chưa mềm mại, gây phản ứng dư luận.
Theo giáo sư Trần Đình Sử, nền lý luận phê bình văn học Việt Nam hiện tại chưa hoàn toàn tham gia vào các vấn đề khoa học xã hội nhân văn của thế giới. Vì thế có ít công trình khoa học của Việt Nam được xuất bản ra thế giới. Giáo sư nhấn mạnh: "Nước ta còn tụt hậu nhiều về lý luận văn học nên phải mạnh dạn tiếp thu. Nếu thấy có gì không hợp lý nên trình bày công khai để trao đổi. Chúng ta cũng chưa có một hội đồng dịch thuật".
Giáo sư Phong Lê nói ngày nay có nhiều thế hệ văn chương đồng hành. Từ thế hệ 2X (nhà văn Tô Hoài) cách đây vài năm vẫn còn sáng tác, tới thế hệ 3X như Nguyễn Xuân Khánh, Nguyên Ngọc vẫn đang hoạt động văn chương sôi nổi, cho tới thế hệ 8X ngày nay. Theo giáo sư Phong Lê, thời sung sức với văn học chỉ nên trong độ tuổi từ 20 tới 60, sau đó nhường cho thế hệ trẻ. Ông đánh giá: "Văn học hiện đại hôm nay phải xây dựng từ 9x trở đi. Phải đặt niềm tin ở họ, cho họ đi tới tận cùng cái tôi cá nhân của mình".
Lam Thu