Buổi tọa đàm mang tên "Đối thoại văn chương" nhân dịp ra mắt cuốn sách cùng tên của hai tác giả Trần Nhuận Minh và Nguyễn Đức Tùng. Không theo hình thức phê bình lý luận văn học thường thấy, cuốn sách là một cuộc trò chuyện, đối thoại giữa hai tác giả trong suốt 9 tháng trời. "Đối thoại văn chương" dày tới 836 trang, được chia thành 9 chương theo 9 tháng trao đổi trực tiếp, qua Internet, thư từ... từ tháng 1 và kết thúc vào cuối tháng 9 năm 2011.
Trần Nhuận Minh (anh ruột nhà thơ Trần Đăng Khoa) là nhà thơ nổi tiếng của giai đoạn đất nước đổi mới, từng được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, còn Nguyễn Đức Tùng là một nhà thơ, nhà phê bình sống ở Canada, từng xuất bản nhiều tập thơ, sách, trong đó được biết đến nhiều nhất là cuốn "Thơ đến từ đâu".
Rất nhiều người thắc mắc, tại sao lại có một cuốn sách khác lạ như vậy, lại là cuộc đối thoại của hai nhà thơ chênh nhau 12 tuổi, sống ở hai đất nước khác nhau, và phong cách thơ cũng khác nhau. Nhà thơ Trần Nhuận Minh cho biết ông gặp nhà thơ Nguyễn Đức Tùng trong một cuộc gặp gỡ thơ ca ở Canada, hai ông đã có những trao đổi về thơ, và Nguyễn Đức Tùng muốn đưa cuộc trò chuyện thành một phần nội dung của cuốn sách mà anh đang thực hiện. Nội dung đó sau được phát triển, dự định thành một cuốn sách riêng dày 200 trang, Nhưng chưa thấy thỏa đáng với chừng ấy thông tin, tranh luận, hai ông đã thống nhất phát triển thêm nữa các nội dung trao đổi, cố gắng đẩy tới cùng cái giới hạn cần thiết của nó, và tập bản thảo được hoàn thành sau 9 tháng trời làm việc liên tục. Còn Nguyễn Đức Tùng cho biết ông sinh ra ở miền Nam Việt Nam nhưng sống nhiều năm ở Canada, còn Trần Nhuận Minh là nhà thơ của cách mạng, của đổi mới nên có rất nhiều điểm khác biệt. Nếu coi Đức Tùng là ngoại vi, thì Nhuận Minh chính là trung tâm của một cuộc tìm hiểu về nền thơ ca trong giai đoạn sau đổi mới tới nay. Chính sự tìm hiểu lẫn nhau giữa ngoại vi và trung tâm mà các vấn đề của thi ca (nhất là từ đổi mới tới nay được đưa ra, bàn bạc một cách kỹ lưỡng).
"Đối thoại văn chương" ra đời, là một cuốn sách bàn về nghề làm thơ và các vấn đề bếp núc văn chương. Nguyễn Đức Tùng là người nêu câu hỏi, còn Trần Nhuận Minh trả lời, tổng cộng có tới 265 cặp câu hỏi - trả lời, đưa ra nhiều vấn đề thú vị của văn chương. Khó có thể xếp cuốn sách vào dạng sách phê bình lý luận, hay là một công trình nghiên cứu khoa học, bởi cuộc đối thoại này vừa đưa ra những ý kiến, quan điểm cá nhân mà hai tác giả quan tâm, nhưng đồng thời dựa trên những lý luận, khoa học. Sẽ có nhiều bạn đọc cho rằng những ý kiến mà hai tác giả đưa ra, các bài thơ này, nhà thơ khác không phải là hay, không phải là tiêu biểu cho trào lưu này, xu hướng khác... nhưng tất cả đều là những dẫn chứng khách quan của học thuật mà cả hai tác giả quan tâm.
Bàn về rất nhiều các vấn đề của thi ca Việt Nam thời nay, song cuốn sách vẫn được chia làm 3 nội dung chính: Những bàn luận về nghề với đặc trưng thể loại thi ca; Những cảm nhận mới về một số giá trị văn chương cũ; Những hồi ức văn học liên quan đến những bài thơ cụ thể.
Đọc cuốn sách, độc giả dễ mường tượng ra mình đang đứng trước hai nhà thơ, nghe họ trò chuyện, đưa ra câu hỏi - trả lời, đối thoại cùng nhau. Cuộc đối thoại ấy có cái thân tình, vừa có cái nghiêm nghị, có những câu hỏi ráo riết, tranh luận thấu đáo, nhưng cũng có những câu hỏi - đáp ý nhị, tinh tế.
Dù xuất bản dưới hình thức đối thoại cá nhân của hai nhà thơ, "Đối thoại văn chương" mang lại nhiều giá trị thông tin hữu ích cho người đọc. Bởi sự tâm huyết, công phu của hai nhà thơ khác nhau nhưng có đích chung là luôn cố gắng tìm hiểu cho bằng được, ở những gì cốt lõi nhất và trung thực nhất, mà một thời kỳ văn học đã được bày tỏ.
Lam Thu