Lộc Phương Thủy
"Phê bình" được đề cập tới ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, nó bao gồm những văn bản có tính phê bình thực sự (về một nhà văn, về một cuốn sách, về một hiện tượng... ) và hơn thế, nó còn là những tác phẩm có tính chất lý thuyết, lý luận. Còn "những người sáng tạo" ở đây đương nhiên là các nhà sáng tác, các nhà văn, nhà thơ thực thụ. Đề cập đến từ "đặc biệt" ở đây bởi các nhà phê bình thuộc dạng này không phải là các nhà chuyên nghiệp, sống bằng nghề viết phê bình, nghiên cứu. Các văn bản phê bình của họ được viết (hoặc nói) ra nhiều khi không theo "chuẩn mực", "kỹ thuật" của phê bình - lý luận văn học chuyên nghiệp. Thường thì đó là các ý kiến tản mạn, có cảm xúc, một cách ấn tượng, hoặc là một vài suy nghĩ về một vấn đề cụ thể nào đấy, một tác giả nào đấy. Các ý kiến, lời nói được phát ra từ các cuộc chuyện trò có thể là riêng tư, có thể là trong một nhóm, không loại trừ ở các cuộc bàn tròn, các cuộc hội thảo. Người ta thường hiểu các ý kiến của những nhà sáng tác được phát ra kiểu ấy dễ bột phát, khá chủ quan, nhiều khi gây ấn tượng bởi cảm xúc hồn nhiên của nó, mặc dù, trong thực tế, nhiều khi lại là những ý kiến sâu sắc liên quan đến nhiều vấn đề của văn chương. Đã xuất hiện những cuốn sách sưu tầm ý kiến của các nhà văn, nhà thơ được sắp xếp theo chuyên đề, theo kiểu "Các nhà văn bàn về văn chương", cả ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Nhưng tình hình không dừng lại ở mức nhẹ nhàng như vậy. Trong lịch sử văn học nước ngoài từ nhiều thế kỷ trước đã chứng kiến những đóng góp đáng kể của giới sáng tác vào diện mạo lý luận văn học. Nhiều tác phẩm không phải là những lời phát biểu hoàn toàn cảm tính, nông cạn, mang tính nghệ sĩ (được hiểu theo nghĩa không sâu sắc) như có người lầm nghĩ mà thực sự là những cống hiến to lớn trong đời sống văn chương của các dân tộc.
Phê bình văn học ở thế kỷ 19 trở thành một lĩnh vực có tính chất chuyên nghiệp. Phương pháp phê bình tiểu sử của Sainte - Beuve và trường phái văn hóa lịch sử do Taine là chủ soái đã phát huy ảnh hưởng rộng rãi trong cuộc sống văn chương của thế kỷ. Bên cạnh đó, những tác phẩm phê bình, lý luận do các nhà sáng tác viết ra cũng có những ý nghĩa lớn lao, có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của văn học Pháp nói riêng, văn học các nước khác nói chung.
Bà de Stael không chỉ viết thơ và tiểu thuyết mà còn được coi là "nhà lý luận đầu tiên của chủ nghĩa lãng mạn Pháp". Ngay từ những năm khởi đầu thế kỷ 19 (1800), tác phẩm về văn chương trong mối tương quan với các thể chế xã hội của bà đã có tiếng vang rất lớn trong giới cầm bút. Bà trình bày mối tương quan giữa văn học và xã hội của mỗi nước, mỗi thời đại. Bà phát hiện ra những nguồn gốc cơ bản để cách tân thơ ca, yêu cầu khẩn thiết có một nền văn học mới hợp với thời đại mới. Ảnh hưởng của những tư tưởng của bà vượt quá tầm của một nhà văn bình thường và mang tính chất của những cách tân đầy tính cách mạng.
Stendhal, nhà văn được Valéry gọi là "giọng điệu cá biệt nhất xưa nay trong văn học" nổi tiếng với các tiểu thuyết như Đỏ và Đen, Tu viện thành Parme cũng là một cây bút lý luận sắc sảo trong tác phẩm Racine và Shakespeare (1823). Cho rằng không nên bắt chước máy móc các bậc tiền bối, dù đó là những nhà văn cổ điển vĩ đại như Racine, Corneille, Moliere, ông khẳng định: mỗi thời đại có những yêu cầu riêng và nghệ thuật phải đáp ứng được những yêu cầu ấy. Là người viết tiểu thuyết, nhưng Stendhal lại là người cách tân trong lĩnh vực kịch. Những ý tưởng đổi mới của ông thực sự là những đóng góp đáng kể trong lý luận kịch đương thời.
Chỉ sau tác phẩm nói trên của Stendhal vài năm, vào năm 1827, Hugo cống hiến cho lý luận kịch một văn bản có giá trị đánh dấu mốc của thế kỷ. Đó là lời tựa cho vở kịch Cromwell được coi là bản tuyên ngôn của kịch lãng mạn Pháp thế kỷ 19. Hugo không chỉ "khuấy lên bão tố từ đáy lọ mực" trong sáng tác với cả ba thể loại: tiểu thuyết, thơ và kịch. Ông còn là "nhà cách mạng" trong việc chống lại các quy tắc cứng nhắc của kịch cổ điển đồng thời cổ vũ cho các quy luật của tự nhiên, của thiên tài. Phá vỡ những chuẩn mực đã cũ, mang lại sức sống cho sáng tác, yêu cầu tự do trong nghệ thuật, đó là những điều trăn trở của Hugo trong thế kỷ 19 và của biết bao người sáng tác những đời sau.
Cũng dưới dạng lời tựa, có sức "công phá" mạnh mẽ trong lý luận là Lời nói đầu cho bộ Tấn trò đời (1842) của Balzac. Không chỉ là những lời tâm huyết, hoặc bộc bạch chân thành, mà là một tuyên ngôn thực sự của một con người mong muốn "bao quát hết thảy, lý giải hết thảy". Bản tuyên ngôn đó không chỉ là tiếng nói của một nhà văn, của "người khởi xướng" bộ Tấn trò đời, mà còn là những quan niệm, nguyên lý văn học cho một trường phái, một thời đại. Văn bản ấy đã có chỗ tựa là "đôi vai của những khổng lồ" từ các thế kỷ trước trên mọi lĩnh vực: tôn giáo, lịch sử, khoa học tự nhiên, văn học... đồng thời sáng rực lên bởi ý chí, lòng đam mê và tài năng của một con người khổng lồ đã cảm thấy "sự hiện hữu của một thế giới tinh thần mới, làm xáo trộn những mối quan hệ chắc chắn và tất yếu giữa các thế giới với Chúa".
Nhắc tới các tác phẩm lý luận phê bình của các nhà văn Pháp thế kỷ 19 (dù chỉ là sơ lược trong phạm vi một bài như thế này) không thể bỏ qua tên tuổi nhà thơ của Ác hoa. Tác phẩm phê bình của Baudelaire có sức sống lâu dài và ảnh hưởng rộng rãi. Trong tác phẩm viết về E. Poe, với tư chất đặc biệt của một nhà thơ, Baudelaire đã từ sự mộng mơ, từ sự tưởng tượng hướng tới cái khái quát để hiểu được con người nghệ sĩ đặc biệt có tên gọi là Poe, một con người nhiều khi bị sự kinh dị ma quái che lấp trước con mắt của con người bình thường. Sự thiên tài và vĩ đại của ông phải chờ con mắt xanh Baudelaire mới thấu tỏ. Không chỉ nói về Poe, Baudelaire còn đi xa hơn, tìm đến bản chất thẳm sâu của tác phẩm văn học, đồng thời hướng tới bất kỳ sự đổi mới nào.
Sang đến thế kỷ 20, việc các nhà văn "làm phê bình", "làm lý luận" trở thành hiện tượng, một hiện tượng có tính phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Suốt chiều dài trăm năm của thế kỷ, các nhà thơ, nhà văn Pháp của các thế hệ khác nhau đã gắn bó chặt chẽ công việc sáng tác với việc phát biểu dưới nhiều hình thức các quan niệm về văn chương của mình. Tác phẩm phê bình, lý luận gắn bó hữu cơ, chặt chẽ với tác phẩm sáng tác, tạo nên tính thống nhất đặc trưng cho lối phê bình của các nhà văn, những người sáng tác.
Khi đề cập đến các phê bình mới ở Pháp, có nhà nghiên cứu đã cho rằng, các cuộc tranh luận kịch liệt nổ ra giữa hai phái phê bình Cũ và Mới ở Pháp những năm 50-60 đã có xuất xứ của nó từ những năm đầu thế kỷ 20 và trước đó. Proust với tác phẩm Chống Sainte - Beuve (xuất bản năm 1953, sau khi nhà văn mất) đã chê trách Sainte - Beuve với phương pháp phê bình tiểu sử nổi tiếng chỉ thích hợp ở thế kỷ 19, thế kỷ của chủ nghĩa hiện thực, của chủ nghĩa thực chứng và quyết định luận.
Thế kỷ XX với sự phát triển rầm rộ của nhiều ngành khoa học mới, nhiều phát hiện mới đã cho phép Proust khẳng định phương pháp phê bình tiểu sử của Sainte - Beuve đã lỗi thời và đề nghị một phương pháp mới là thăm dò nội tâm, dựng lại hành động sáng tạo mà thực chất của nó không dễ khám phá. Một khi mục đích của tác phẩm văn học là tái tạo thế giới theo cảm thụ riêng của người sáng tác, thì nhiệm vụ của nhà phê bình là thấu hiểu được thực chất của thế giới được tái tạo, một thế giới mới (không phải là sự phản ánh hiện thực) của người sáng tác mang lại. Các ý kiến của Proust đã gợi ý cho các nhà phê bình mới ở Pháp. Ví dụ như Serge Doubrovski đã phê phán các nhà phê bình giải thích tác phẩm một cách dễ dãi và hơi hợt bằng cách thu thập những thông tin, sự kiện, chi tiết bên ngoài tác phẩm, nhất là những chi tiết liên quan đến tiểu sử. Cách làm đó, theo ông, chỉ dẫn đến việc hiểu sai tác phẩm và không phát hiện được thực chất sáng tạo của nhà văn. Việc Proust nhấn mạnh trực giác và cái tôi nghệ sĩ cùng cuộc sống nội tâm phức tạp của nó đã báo trước cho một xu hướng của phê bình Mới: phê bình phân tâm học, một trong những xu hướng phê bình đạt được nhiều thành tựu ở thế kỷ 20.
Gide là người hiểu được cái tôi nghệ sĩ của Proust từ rất sớm, khi biết bao nhiêu người chê trách và la ó trước kiểu sáng tác "lạ đời" và quan điểm nghệ thuật của Proust. Bản thân Gide không chỉ một lần bảo vệ cho quan niệm về cái tôi ẩn giấu của người nghệ sĩ. Ông từ bỏ ảnh hưởng của Taine với việc nghiên cứu những ảnh hưởng của thời đại. Ông cho rằng không thể phủ nhận hoàn toàn quan hệ giữa người sáng tác và thời đại, nhưng trước hết và quan trọng nhất, theo ông, phải quan tâm đến người sáng tác và thế giới nội tâm của anh ta, đặc biệt, đến con người ẩn khuất, thậm chí "xa lạ" đối với chính nhà văn mà phải có dịp nào đó "thuận tiện" thì con người đó mới phát lộ. Chúng ta từng biết thái độ tiếp nhận của Gide đối với phân tâm học Freud từ những ngày đầu xuất hiện ở Pháp với biết bao sự e dè, nghi ngờ và phản đối. Sự cởi mở, thân thiện của ông với cái mới đã giúp ông có được những ý tưởng giúp ích cho thế hệ phê bình hậu thế.
Còn một nhân vật nữa được coi là người báo trước cho sự xuất hiện phê bình Mới ở Pháp là Valéry. Ông cũng là người quan tâm đặc biệt đến cái tôi nghệ sĩ, con người đặc biệt, không dễ nhìn thấy và thấu hiểu không chỉ đối với người bình thường, mà thậm chí đối với cả bản thân nhà văn. Không phải vô lý mà Rimbaud đã có một câu nói nổi tiếng (và không phải ngay lúc đầu mọi người đã hiểu được): "Tôi là một kẻ khác". Giống như Proust, Valéry phản đối phương pháp phê bình tiểu sử của Sainte - Beuve và cho rằng phương pháp đó hoàn toàn vô hiệu quả trước thế giới bí ẩn và đầy hấp dẫn của quá trình sáng tạo. Ngoài ra, ông còn đề nghị một lối nghiên cứu tôn trọng những quy luật khách quan của thơ ca. Trong bài viết Các vấn đề thi ca ông từng than thở: "Đúng là từ khoảng 300 năm nay, người Pháp được học để quên đi bản chất của thơ ca và đi ngược lại nơi Thi ca trú ngụ". Ông chứng minh trong bài viết của mình Thơ "đã bị biến thành cái khác bản chất của nó như thế nào" và khẳng định: "Thi ca được hình thành và được giao tiếp trong sự bỏ rơi tuyệt đối nhất hoặc trong sự chờ đợi sâu lắng nhất: nếu thơ ca được coi là đối tượng nghiên cứu thì phải dõi theo hướng đó: Trong bản thân nó chứ không phải ở xung quanh nó. Nghiên cứu thơ ca với những gì "trong bản thân nó" sẽ được quan tâm tới và phát triển rầm rộ về sau này không chỉ ở Pháp mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Vậy là phê bình của những người sáng tác đã có tác động trực tiếp đến đời sống học thuật nói chung, đến lĩnh vực phê bình, lý luận nói riêng. Tác động đó hiện hữu và để lại dấu ấn không thể phủ nhận. Ngoài ra, chúng ta còn được dịp tiếp xúc với những văn bản phê bình đã tạo nên hoặc góp phần xúc tuôn trào có tính nghệ sĩ thì không thể làm được điều đó. Lịch sử văn học Pháp thế kỷ XX không thể không nhắc đến chủ nghĩa Siêu thực và phong trào Dada. Nếu như Dada để lại dấu ấn "khước từ, lật đổ" đối với những gì thuộc về chuẩn mực và tồn tại không lâu thì thơ ca Siêu thực đã tiến hành những thử nghiệm quan trọng. Đặc biệt, nó còn cung cấp một cái nhìn mới về thế giới và quan tâm đến mối quan hệ gắn bó giữa tác giả và độc giả. Ảnh hưởng của thơ ca Siêu thực trải dài suốt thế kỷ, không chỉ ở nước Pháp mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Tzara với bản Tuyên ngôn Dada (1918), Breton trong bản Tuyên ngôn của chủ nghĩa Siêu thực (gồm có ba bản lần lượt được công bố vào năm 1924, 1929, 1941) đã bày tỏ những tư tưởng cách tân của mình.
Sang nửa sau của thế kỷ 20, chúng ta có dịp tiếp xúc với các nhà tiểu thuyết Mới. Không phải một trường phái có sự chỉ đạo từ đầu, có tạp chí riêng và tuyên ngôn riêng như một số trường phái trào lưu đầu thế kỷ, nhưng như một lẽ tự nhiên, các nhà văn như Sarraute, Robbe - Grillet, Simon, Butor... thường được các nhà nghiên cứu phê bình xếp vào một nhóm có tên là tiểu thuyết Mới, với "chủ soái" là Robbe - Grillet. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả đó là hầu hết các nhà văn của nhóm này vừa sáng tác vừa viết lý luận. Các ý kiến của họ không hẳn có sự đồng thuận hoàn toàn, thậm chí có những điểm đối lập, nhưng về cơ bản, họ gặp nhau ở những điểm sau:
- Họ chối từ tiểu thuyết Pháp truyền thống trong tổng thể của nó. Họ phủ nhận những yếu tố xây dựng nên tiểu thuyết hiện thực theo lối Balzac như nhân vật, cốt truyện, đời sống tâm lý của nhân vật... đồng thời đề nghị phải xem xét lại những vấn đề đó. Họ hướng tới các bậc thầy văn chương thế giới như Joyce, Faulkner, Kafka, Proust, Borgès...
- Họ muốn trình bày thế giới sơ khai nguyên thuỷ của sự vật và con người, một thế giới chưa bị ràng buộc bởi các quan hệ phức tạp, rối rắm của con người.
- Tiểu thuyết Mới nhấn mạnh hai yếu tố: thế giới đồ vật và ngôn ngữ. Các nhà văn kiếm tìm một thứ ngôn ngữ mới để hợp với các quan niệm mới của họ về sáng tác.
- Các nhà tiểu thuyết Mới mời người đọc cùng sáng tạo, hy vọng vào sự tích cực của người đọc. Người viết tiểu thuyết yêu cầu người đọc không tiếp nhận một thế giới hoàn tất, đã đầy đủ, trọn vẹn trong tác phẩm, mà trái lại, đòi hỏi người đọc phải tham gia và việc sáng tạo, một cách tích cực và có ý thức. Người đọc không thể hưởng thụ một cách nhàn nhã những gì bày đặt sẵn trong tác phẩm như trước kia, mà phải làm việc thực sự.
Với những cách tân mạnh mẽ đến cực đoan, tiểu thuyết Mới tồn tại không lâu, nhưng khát vọng tìm tòi đổi mới, không yên phận với những chuẩn mực có sẵn đã ghi lại dấu ấn quan trọng trong quá trình tiến lên phía trước của tiểu thuyết thế kỷ 20.
Là nhà viết tiểu thuyết, viết kịch, Sartre đã cống hiến cho văn học Pháp và văn học thế giới nhiều tác phẩm bất hủ. Với tư cách nhà phê bình, ông viết nhiều và rất đa dạng. Người đọc đã biết đến 10 tập sách tiểu luận phê bình của bộ Tình thế (Situations) được nhà văn công bố từ năm 1947 đến năm 1976. Số lượng sách phê bình còn được bổ sung thêm ba tác phẩm Baudelaire (1947), Sainte Genet - nhà nghệ sĩ và người tuẫn nạn (1952), Thằng ngốc của gia đình, Gustave Flaubert từ 1821 đến 1857 (1972, 3 tập). Tác phẩm sau cùng với số lượng hơn 3.000 trang sách đã thực sự "khủng bố" người đọc và khiến chúng ta phải nể trọng sức làm việc phi thường của ông. Nhất là khi chúng ta biết rằng Sartre đề nghị một lối phê bình tổng thể, đòi hỏi người phê bình phải làm việc rất nhiều, đọc rất nhiều và tiếp thu được nhiều tư tưởng khác nhau. Ngoài việc phải bao quát một khối lượng tư liệu có tính "tổng thể", nhà phê bình phải quan tâm một cách tổng thể đến người sáng tạo, đến tác phẩm và cả người đọc, đến cả quá trình sáng tác.
Để chứng minh trong bài viết này, chúng tôi chỉ có thể dùng các tư liệu từ trong văn học Pháp. Trong thực tế các nền văn học khác, hiện tượng nhà sáng tác "làm lý luận" không phải là không có hoặc là hiếm hoi. Nhưng vấn đề như vậy sẽ là quá rộng và vượt khỏi tầm với của người viết. Để kết thúc bài viết này, chúng tôi chỉ xin nêu sự nhất trí của mình với một số ý kiến cho rằng trong thế kỷ 20 các nhà văn - những người sáng tác đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào lĩnh vực phê bình - lý luận văn học, hơn thế, tạo nên những cú hích, những tiếng nói có trọng lượng và góp phần thúc đẩy sự phát triển của cuộc sống văn chương.
Bên cạnh danh sách các nhà văn nhà thơ Pháp (tất nhiên chưa thể đầy đủ) nêu trên, chúng ta còn thấy sự hiện diện của các nhà văn - lý luận, phê bình nhiều nước khác nhau: Tây Ban Nha có Jose Ortega y Grasset, nhà văn, nhà triết - mỹ học, nhà phê bình nối tiếng; Mexico có Octavio Paz, giải Nobel năm 1990, người thành đạt rực rỡ trong cả ba lĩnh vực thơ, tiểu luận, nghiên cứu và giảng dạy; Tiệp có Kundera, nhà tiểu thuyết và nhà lý luận sắc sảo; Italy có U.Eco nổi tiếng thế giới với tiểu thuyết Tên của hoa hồng và quan điểm về Tác phẩm mở trong lý luận văn học; Anh có V.Woolf, nữ tiểu thuyết gia, nhà phê bình - lý luận nổi tiếng; Mỹ có T.S. Eliot, nhà thơ, nhà phê bình đã góp phần xuất sắc của mình trong trường phái phê bình Mới; châu Á, lục địa dường như không có sở trường về lý luận cũng có đóng góp đại diện của mình: Kawabata (Nhật Bản, giải Nobel 1968) với "con mắt nhìn thấu cái đẹp"...
(Nguồn: Văn Học Nước Ngoài số 3/2006)