Đối thoại Shangri-La từ lâu là diễn đàn quan trọng cho những vấn đề liên quan tới an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng là nơi Mỹ và Trung Quốc tìm cách phô diễn tầm ảnh hưởng toàn cầu. Đây cũng được xem là sự kiện ghi dấu rõ nét những thăng trầm trong quan hệ Mỹ - Trung, đặc biệt liên quan tới các điểm nóng giữa hai bên, trong đó có vấn đề Đài Loan.
Năm nay không phải là ngoại lệ, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân gặp nhau sau giai đoạn quan hệ Mỹ - Trung đóng băng. Trong cuộc gặp quan trọng này, ông Đổng đã nói rõ rằng Trung Quốc vẫn phản đối việc Mỹ mở rộng ảnh hưởng và xây dựng liên minh trên khắp châu Á, đặc biệt là sự hậu thuẫn dành cho đảo Đài Loan.
"Những ý định thâm hiểm đang kéo Đài Loan đến bờ vực chiến tranh. Bất kỳ ai dám chia cắt Đài Loan khỏi Trung Quốc đều sẽ bị tàn phá và hủy diệt", ông Đổng cảnh báo.
Tuyên bố của ông Đổng cùng những bình luận từ các quan chức quốc phòng Trung Quốc tại sự kiện đã cho thấy Bắc Kinh và Washington vẫn bất đồng sâu sắc về những vấn đề cơ bản, ngay cả khi họ thảo luận tìm cách ngăn xung đột quân sự trên biển và trên không leo thang thành khủng hoảng.
Quân đội Trung Quốc (PLA) tháng trước tổ chức diễn tập quân sự hai ngày quanh Đài Loan, cáo buộc tân lãnh đạo hòn đảo Lại Thanh Đức cố gắng tìm cách "ly khai", xem đây là mối đe dọa với "chủ quyền" của Bắc Kinh.
Ông Đổng cảnh báo "những người ly khai" ở Đài Loan sẽ phải "chịu sự sỉ nhục của lịch sử", tuyên bố dù Bắc Kinh cam kết thống nhất trong hòa bình với Đài Loan, PLA vẫn "sẽ là lực lượng mạnh mẽ để duy trì thống nhất quốc gia".
Wen Lii, phát ngôn viên của lãnh đạo Đài Loan, cho biết bình luận của các quan chức Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore đã "cố tình bóp méo" lập trường của Đài Loan và các cuộc diễn tập gần đây của PLA đã gửi đi "thông điệp nguy hiểm và vô trách nhiệm".
Một quan chức Mỹ giấu tên cho hay bài phát biểu của ông Đổng tại Đối thoại Shangri-La không có nhiều điểm mới. "Trong ba năm trở lại đây, ba bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã dự Shangri-La và năm nào cũng có một bài phát biểu hoàn toàn trái ngược với thực tế về hoạt động của PLA trong khu vực. Năm nay cũng không có gì khác biệt", người này nói.
Một số quan chức Mỹ chỉ ra Trung Quốc đã trở nên quyết liệt hơn trong những năm gần đây, tiến hành những gì họ mô tả là "diễn tập trừng phạt" xung quanh Đài Loan, triển khai chiến đấu cơ vũ trang thực hiện các cuộc tấn công mô phỏng sau khi ông Lại nhậm chức lãnh đạo hòn đảo.
Bài phát biểu của ông Đổng được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin nói với các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La rằng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trọng tâm chính của Mỹ, ngay cả khi nước này phải giải quyết vấn đề hỗ trợ an ninh cho Ukraine và xung đột ở Dải Gaza.
"Tôi muốn nói rõ rằng Mỹ chỉ có thể an toàn nếu châu Á an toàn. Đó là lý do Mỹ từ lâu duy trì hiện diện của chúng tôi trong khu vực", ông Austin nói.
Ông Austin trong bài phát biểu ngày 1/6 cho hay Mỹ phản đối "những hành động làm xói mòn hiện trạng, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực", ám chỉ đến áp lực của Trung Quốc với đảo Đài Loan. Bộ trưởng Mỹ nhấn mạnh "tất cả chúng ta đều có chung lợi ích khi đảm bảo Biển Đông rộng mở và tự do".
Ngoài những căng thẳng giữa Mỹ và Đài Loan liên quan tới Đài Loan, Đối thoại Shangri-La năm nay còn chứng kiến sự góp mặt bất ngờ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đã tới Singapore ngày 1/6.
Mặc chiếc áo phông xanh ô liu thường thấy, ông Zelensky đã phát biểu vào ngày cuối Đối thoại Shangri-La. Ông cho rằng việc phương Tây hỗ trợ Ukraine chứng tỏ "cộng đồng quốc tế quan tâm tới trật tự dựa trên luật pháp và tôn trọng mạng sống con người".
Tổng thống Zelensky cũng nói rằng xung đột Ukraine đã tập hợp các quốc gia có quan điểm khác nhau trên thế giới để cùng ủng hộ Kiev. Điều này chứng minh hầu hết các nước đều thực sự mong muốn hợp tác vì an ninh tập thể.
"Điều gì đã đưa họ đến với nhau? Đương nhiên là ngoại giao. Ngoại giao có hiệu quả khi nó thực sự hướng tới mục đích bảo vệ cuộc sống", ông nói.
Đối mặt với những bước tiến quân sự của Nga gần đây, ông Zelensky kêu gọi Mỹ và châu Âu tăng cường hỗ trợ cho lực lượng Ukraine, vượt qua những lo ngại về việc để Ukraine sử dụng vũ khí được viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuần trước nới hạn chế, cho phép Ukraine có thể sử dụng vũ khí mà Mỹ cung cấp tấn công các mục tiêu qua biên giới Nga. Sự thay đổi chính sách của Mỹ theo sau tuyên bố của gần 10 nước châu Âu và Canada rằng vũ khí viện trợ của họ có thể được sử dụng theo cách này.
Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi lãnh đạo các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ tháng này. Ông cho biết 106 quốc gia đã nhận lời mời dự hội nghị và khẳng định chỉ có theo đuổi ngoại giao mới chấm dứt xung đột.
"Thế giới phải kiên cường, phải mạnh mẽ và gây áp lực cho Nga. Không có cách nào khác để ngăn chặn Nga", ông nói.
Nga không được mời tham gia hội nghị tại Thụy Sĩ và Moskva khẳng định sự kiện không thể thành công khi thiếu vắng sự hiện diện của họ. Trung Quốc cho biết khó có thể tham gia do sự kiện "chưa đáp ứng yêu cầu" của Bắc Kinh.
Ông Zelensky đã gây chấn động tại Đối thoại Shangri-La khi cáo buộc Trung Quốc tìm cách cản trở các nước tham dự hội nghị hòa bình. Ông cho rằng Nga đã sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc và các nhà ngoại giao nước này để gây áp lực buộc các nước trong khu vực không cử đại diện tới Thụy Sĩ.
Tại cuộc họp báo sau bài phát biểu, ông thậm chí sử dụng nhiều từ ngữ mạnh mẽ để mô tả sự ủng hộ của Trung Quốc đối với chiến dịch của Nga, trích dẫn các thông tin rằng Bắc Kinh đã cung cấp cho Moskva trang thiết bị lưỡng dụng, có thể phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự, để hỗ trợ Nga trong cuộc chiến.
Điều này đi ngược lại lời hứa trước đó của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ không can dự vào cuộc chiến cũng như không hỗ trợ vũ khí cho Nga, theo ông Zelensky. Ông gọi việc Trung Quốc hỗ trợ Nga là "sai lầm chiến lược".
Ông Zelensky còn nhấn mạnh hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ không phải là về hỗ trợ vũ khí, mà là tìm kiếm con đường dẫn tới hòa bình. "Đây là sự hỗ trợ để kết thúc cuộc chiến", ông nói.
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của ông Zelensky, khẳng định nước này duy trì lập trường "cởi mở và minh bạch" về các nỗ lực đối thoại hòa bình để giải quyết xung đột tại Ukraine và không tạo áp lực lên bất kỳ quốc gia nào liên quan đến việc tham dự hội nghị tại Thụy Sĩ.
Lần gần nhất ông Zelensky phát biểu tại Đối thoại Shangri-La là vào năm 2022, khi ông đọc diễn văn trực tuyến. Chuyến đi của ông tới Singapore hôm 1/6 diễn ra đúng thời điểm Nga tiến hành cuộc tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái lớn nhất trong hơn 3 tuần nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Khi được hỏi liệu ông có tin vào giải pháp ngoại giao giúp chấm dứt xung đột Ukraine hay không, Tổng thống Ukraine trả lời dứt khoát rằng "có thể kết thúc chiến tranh bằng con đường ngoại giao nếu thế giới đoàn kết và cô lập Nga".
Tuy nhiên, lần xuất hiện trực tiếp đầu tiên của ông Zelensky tại Shangri-La lại khiến một số quốc gia châu Á cảnh giác, theo giới quan sát Trung Quốc. Họ cho rằng hành động của lãnh đạo Ukraine giống như nỗ lực của phương Tây nhằm lôi kéo các nước châu Á vào khủng hoảng Ukraine.
"Đối thoại Shangri-La được coi là cơ hội để lãnh đạo quân sự Trung Quốc, Mỹ cùng các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tìm kiếm sự đồng thuận, nhằm tránh xung đột trong khu vực", Cui Heng, nhà nghiên cứu thuộc Viện Quốc gia Trung Quốc về Hợp tác Tư pháp và Trao đổi Quốc tế SCO ở Thượng Hải, nói.
He Lai, cựu phó chủ tịch Học viện Khoa học Quân sự thuộc PLA, ngày 1/6 chỉ ra "thúc đẩy hòa bình và đối thoại" là cách khả thi nhất để giải quyết xung đột, thay vì làm trầm trọng thêm tình hình và gây hỗn loạn trên thế giới, tham gia "các cuộc chiến tranh ủy nhiệm" như một số quốc gia đã làm, nhưng không nêu cụ thể.
Thanh Tâm (Theo Reuters, Straits Times, Global Times)