Hiện có hơn 40 loại vaccine nCoV được nghiên cứu và phát triển trên thế giới. Công ty công nghệ sinh học Moderna đã thử nghiệm lâm sàng lần một vaccine trên người. Tuy nhiên, theo một số báo cáo và dự đoán của các nhà khoa học, vaccine vẫn chưa thực sự hoàn thiện và cần thời gian để có thể chính thức đưa vào sử dụng. Theo dự kiến, vaccine sẽ tung ra thị trường đại chúng trước tháng 3/2021.
Các chuyên gia đã theo dõi sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và kết luận rằng nó đột biến với tốc độ chậm hơn các loại virus đường hô hấp khác như cúm. Tỷ lệ đột biến chậm này dẫn đến hai kết quả. Cả hai đều tích cực.
SARS-CoV-2 đang ổn định ở dạng hiện tại. Do đó, virus hầu như khó trở nên nguy hiểm hơn nữa dù dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan trên toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc vaccine có thể có hiệu quả trong thời gian dài. Vaccine nCoV dự báo sẽ hoạt động và có tác dụng tương tự như với sởi hay thủy đậu hơn là tiêm phòng cúm theo mùa.
Thielen, một nhà di truyền học phân tử tại Đại học Johns Hopkins, nói với tờ The Washington Post rằng khi phân tích 1.000 mẫu virus corona mới, kết quả nhận được cho thấy 4-10 sự khác biệt di truyền giữa các chủng người nhiễm bệnh ở Mỹ so với virus ban đầu khởi phát ở Vũ Hán (Trung Quốc).
"Tại thời điểm này, tỷ lệ đột biến của virus cho thấy rằng vaccine nCoV đang được phát triển có thể sẽ là vaccine dùng một lần và có tác dụng lâu dài, không cần dùng đi dùng lại như vaccine cúm", Thielen nói.
Qua những nghiên cứu nói trên, Bedford, nhà nghiên cứu tại Seattle (Mỹ) chia sẻ trên Twitter cá nhân rằng "vaccine nCoV sẽ hoạt động giống như mũi tiêm sởi, bảo vệ bệnh nhân suốt đời".
Ông nhận định hầu hết các đột biến virus gây ra vô hại. Nhưng một số loại virus khác có khả năng giúp virus gây bệnh lây lan nhanh hơn hoặc lây nhiễm cho nhiều người hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ nghiêm trọng của dịch. Như SARS-CoV-2, một thể đột biến virus có thể đã cho phép virus này chuyển từ loài vật chủ của nó (có thể là dơi) sang một loài động vật khác (có thể là lợn, tê tê hoặc mèo cầy), sau đó lây nhiễm sang người.
"Đến nay, SARS-CoV-2 không đột biến theo hướng làm sự bùng phát trên toàn thế giới trầm trọng thêm, nhưng việc này không đồng nghĩa là điều đó không thể xảy ra trong tương lai", Bedford cho biết thêm.
Ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia cũng cho biết thêm rằng các nhà nghiên cứu tuy chưa thấy bất kỳ thay đổi nào trong hoạt động của virus SARS-CoV-2, nhưng họ vẫn đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển và hoạt động của chúng. "Vẫn có khả năng loại virus này biến đổi và diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu sẽ khác đi so với tình hình hiện tại", Anthony chia sẻ với CBS.
Trên thế giới hiện có gần 600.000 ca nhiễm nCoV, hơn 27.000 người chết và hơn 130.000 người hồi phục. Đến nay vaccine ngăn chặn Covid-19 đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng.
Thy An (Theo Business Insider)