Tạp chí y học New England vừa công bố kết quả liên quan đến "ứng viên" vaccine nCoV do hãng dược Novavax nghiên cứu và phát triển. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu cho thấy "ứng viên" này không chỉ cho phản ứng miễn dịch mà còn an toàn.
Theo báo cáo, Novavax đã tiến hành một thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược. Các nhà khoa học đã tiêm vaccine nCoV của Novavax và giả dược cho 131 tình nguyện viên vào tháng 5. Tất cả đều là người trưởng thành khỏe mạnh.
Trong đó, 83 người tiếp nhận vaccine cùng với tá dược, một tác nhân giúp tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể. 25 người khác chỉ tiếp nhận vaccine mà không có thuốc tăng cường. 23 người còn lại tiêm giả dược. Sau 21 ngày kể từ mũi tiêm đầu, các tình nguyện viên tham gia tiếp tục được tiêm mũi thứ hai.
Các tình nguyện viên đến từ hai địa điểm tại Australia, tất cả đều dưới 60 tuổi. Những đối tượng dương tính với Covid-19 hoặc từng nhiễm và đã khỏi bệnh đều bị loại khỏi cuộc thử nghiệm. Trong thử nghiệm giai đoạn I, các bác sĩ chủ yếu theo dõi để xem liệu vaccine nCoV có an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch hay không.
Trong 35 ngày, những người tham gia được yêu cầu ghi lại bất kỳ triệu chứng hoặc đau nhức tiềm ẩn nào. Các tình nguyện viên cũng được xét nghiệm Covid-19 bằng tăm bông nếu họ có bất kỳ triệu chứng nào.
Ở ngày thứ 35, không có phản ứng phụ nghiêm trọng hoặc bất thường nào xuất hiện trên các tình nguyện viên. Một người trong số họ cho biết có xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ kéo dài một ngày sau khi tiêm mũi thứ hai. Còn lại hầu hết không có phản ứng nào, hoặc nếu có phản ứng cũng chỉ ở mức nhẹ. Hai người từ hai nhóm được tiêm vaccine bị đau đầu, mệt mỏi và khó chịu trong khoảng thời gian trung bình từ hai ngày trở xuống.
Sau mũi thứ hai, hầu hết mọi người không gặp bất kỳ vấn đề gì hoặc có nhưng bị nhẹ. Một người cho biết họ cảm thấy đau sau khi tiêm mũi thứ hai. 8 người khác thì bị đau khớp và mệt mỏi. Tất cả tình nguyện viên từng tiếp nhận vaccine nCoV của Novavax đều phát triển các kháng thể trung hòa sau liều thứ hai.
Kháng thể là các protein mà cơ thể sản xuất tự nhiên để chống lại mầm bệnh từ virus hoặc độc tố. Vào ngày thứ 35, những người tham gia được tiêm hai liều vaccine nCoV cùng chất bổ trợ đã phát triển các kháng thể trung hòa ở mức cao hơn mức trung bình từ bốn đến sáu lần, so với các kháng thể phát triển bởi người đã khỏi Covid-19.
Tế bào T là một loại tế bào miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị lây nhiễm bệnh. 16 tình nguyện viên đã được chọn ngẫu nhiên để kiểm tra phản ứng của tế bào T. Kết quả cho thấy "ứng viên" của Novavax dường như cũng tạo ra tế bào T trong cơ thể họ.
Nghiên cứu trên cho thấy lợi ích của việc thêm tá dược vào vaccine khá rõ ràng dựa trên phản ứng kháng thể mà nó tạo ra. Nó cũng cho thấy tác dụng của liều thứ hai vào ngày thứ 21.
"Dựa trên những kết quả khả quan ở giai đoạn I, chúng tôi đã bắt đầu nhiều thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II. Từ đó, chúng tôi hy vọng sẽ thu được hiệu quả sơ bộ. Novavax cam kết mang lại những dữ liệuc chứng minh sự an toàn, khả năng sinh miễn dịch và hiệu quả của vaccine nCoV để nó có thể được sử dụng rộng rãi ở Mỹ lẫn toàn cầu. Dữ liệu công bố mới đây càng củng cố thêm niềm tin của chúng tôi rằng vaccine giúp ngừa Covid-19 là hoàn toàn có thể", Tiến sĩ Gregory Glenn, chủ tịch nghiên cứu và phát triển của Novavax cho biết.

Những lọ vaccine Covid-19 tiềm năng tại phòng thí nghiệm Novavax ở Maryland, Mỹ vào ngày 20/3. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên thử nghiệm của Novavax vẫn tồn tại một số giới hạn. Trong số tình nguyện viên tham gia có rất ít người có vấn đề sức khỏe, người da đen và Latin. Hầu hết bệnh nhân tham gia thử nghiệm cũng có sức khỏe khá tốt.
Tiến sĩ Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Tiêm chủng và là giáo sư nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, cho biết kết quả có vẻ tốt cho giai đoạn đầu này.
"Vaccine nCoV sẽ cần được thử nghiệm trên hàng chục nghìn người để kiểm tra không chỉ phản ứng của họ với mũi tiêm mà còn xem xét khả năng bảo vệ cơ thể người trước mầm bệnh. Vì vậy cần mất nhiều tháng để xem liệu điều đó có xảy ra hay không", Offit nói.
Vị Tiến sĩ cũng lưu ý rằng so với một số "ứng viên" thuộc nhóm 33 vaccine Covid-19 đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau, vaccine của Novavax có thể lợi thế hơn. Bởi "ứng viên" này sử dụng cách tiếp cận đã được thử nghiệm thành công với các loại vaccine khác, đơn cử như vaccine ngừa bệnh zona.
"Tôi nghĩ rằng Novavax đã áp dụng chiến lược phát triển và thử nghiệm vaccine nCoV đúng đắn. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải chờ xem liệu 'ứng viên' này có chứng minh được nó hoạt động hay không", Offit kết luận.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có 5 loại vaccine nCoV được thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ và 33 loại khác trên khắp thế giới.
Thy An (Theo CNN)