Vaccine đậu mùa được xem là vaccine chính thức đầu tiên trên thế giới, ra đời vào thế kỷ 18. Đây là thành quả điều chế và nghiên cứu của nhà vật lý học người Anh Edward Jenner. Vaccine được xem là thành tựu khoa học vĩ đại nhất của nhân loại. Vaccine đậu mùa ra đời là nền móng, thúc đẩy sự xuất hiện của nhiều loại vaccine kế tiếp, giúp chặn đứng những đại dịch trên thế giới như bại liệt, sởi... giảm tỷ lệ tử vong ở người, đặc biệt là trẻ em.
Dưới đây là 6 điều về vaccine, giúp bạn hiểu thêm về cơ chế hoạt động, tác dụng, đối tượng sử dụng và thời gian hiệu lực của vaccine.
Con người cần vaccine để phòng bệnh cả đời
Mỗi năm, Mỹ ghi nhận hàng chục nghìn người mắc những căn bệnh do virus truyền nhiễm gây nên. Một số ca nghiêm trọng phải nhập viện điều trị, thậm chí tử vong. Hầu hết các bệnh này đều có thể phòng ngừa bằng vaccine.
Tiêm chủng là một trong những phương pháp giúp ngừa bệnh hiệu quả, chống lại các triệu chứng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vaccine được khuyến nghị sử dụng cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn dựa trên các yếu tố khác nhau như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, lối sống, công việc...
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC cùng các chuyên gia y tế khác cập nhật khuyến nghị vaccine hàng năm dựa trên các nghiên cứu và khoa học mới nhất. Tiêm vaccine được xem là bước quan trọng trong việc bảo vệ những người dễ mắc bệnh, sức đề kháng và hệ miễn dịch yếu như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già hay những người mắc bệnh mãn tính.

Tiêm vaccine giúp phòng nhiều bệnh như sởi, cúm, viêm màng não... thậm chí cả những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS, MERS, Ebola. Ảnh: Daily Beast.
Với một số bệnh nhất định ví dụ như bệnh dại, việc tiêm vaccine có thể diễn ra vài lần trong đời do một liều không tạo ra đủ miễn dịch. Tiêm thêm liều để kích cơ thể sinh miễn dịch nhiều hơn. Sau khi tiêm đủ các liều cơ bản, nồng độ kháng thể có thể giảm xuống, nên cần bổ sung thêm mũi tiêm nhắc lại.
Một số vaccine tiêu biểu nên tiêm lại như: bạch hầu, ho gà, uốn ván... Vaccine cúm mùa cũng nên tiêm hằng năm vì virus cúm thường thay đổi tính kháng nguyên. Tiêm hằng năm giúp bảo đảm sự tương đồng giữa chủng virus cúm có trong vaccine và chủng virus cúm đang lưu hành.
Mắc bệnh dù đã có vaccine phòng ngừa
Vaccine ra đời đã làm giảm đáng kể các ca bệnh truyền nhiễm mà trước đây từng để lại hậu quả nặng nề, gây ra nhiều cái chết ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn. Một số loại virus gây bệnh đã có vaccine phòng ngừa, song vẫn có thể gây nhiễm bệnh ở những người chưa được tiêm vaccine.
Đơn cử như bệnh sởi, dù đã được tuyên bố loại trừ và không còn tồn tại trên lãnh thổ Mỹ vào năm 2000, vẫn còn xuất hiện nhiều ca nhiễm ở các quốc gia khác trên thế giới. Một số khảo sát ghi nhận rằng khách du lịch chưa được tiêm phòng mắc bệnh sởi ở nước ngoài, khi nhập cảnh vào Mỹ đã truyền bệnh cho những người khác tại đây, dẫn đến một số vụ dịch trong những năm gần đây.
Điều đó minh chứng cho việc tiêm vaccine đóng vai trò rất quan trọng với sức khỏe mỗi người. Tiêm vaccine không chỉ phòng bệnh cho bản thân mà còn giúp ngăn ngừa lây bệnh sang người khác như thành viên trong gia đình, hàng xóm, bạn học và những đối tượng khác trong cộng đồng.

Tiêm vaccine không chỉ giúp bản thân ngừa bệnh, còn hạn chế tình trạng lây lan ra cộng đồng, bảo vệ người thân, gia đình, bạn bè... Ảnh: The Sun.
CDC và FDA luôn đảm bảo chất lượng, độ an toàn của vaccine
Trước khi được cho phép sử dụng và đưa vào sản xuất rộng rãi, ví dụ như tại thị trường Mỹ, vaccine buộc phải trải qua nhiều năm thử nghiệm cẩn thận để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. Các nhà khoa học và bác sĩ được đào tạo chuyên sâu tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) là người trực tiếp đánh giá kết quả của các nghiên cứu lâm sàng này.
FDA cũng kiểm tra các địa điểm sản xuất vaccine để đảm bảo quy trình sản xuất tại đây tuân theo các hướng dẫn, quy định nghiêm ngặt do tổ chức đưa ra. Sau khi vaccine được cấp phép, FDA và CDC tiếp tục theo dõi việc sử dụng và đảm bảo không có mối lo ngại nào về độ an toàn của các loại vaccine này.

Quá trình nghiên cứu, điều chế và thử nghiệm vaccine có thể diễn ra trong vài năm trước khi được đưa vào sản xuất và sử dụng rộng rãi trên thị trường. Ảnh: Handout.
Giống như bất kỳ loại thuốc nào, vaccine cũng có thể gây ra tác dụng phụ. Trong hầu hết các trường hợp, tác dụng phụ từ vaccine chỉ ở mức nhẹ, ví dụ như cảm giác đau nhức khi tiêm thuốc. Các triệu chứng này sẽ hết trong vòng vài ngày. Hiếm khi vaccine gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hay kéo dài.
Vaccine giúp trẻ phòng bệnh hiệu quả
Tiêm chủng đã có tác động rất lớn đến việc cải thiện sức khỏe trẻ em. Hầu hết các bậc phụ huynh ngày nay hiếm khi tận mắt chứng kiến những hậu quả tàn khốc mà các bệnh nguy hiểm, hiện có thể phòng ngừa bằng vaccine, gây ra cho trẻ, gia đình và cộng đồng.
Bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của trẻ là vô cùng quan trọng. Đó là lý do tại sao hầu hết các bậc cha mẹ chọn tiêm chủng cho trẻ từ lúc sơ sinh. Đây là cách phòng thủ mạnh mẽ mà lại an toàn, hiệu quả, đã được chứng minh trên toàn cầu.
Tiêm phòng là một trong những cách tốt nhất mà cha mẹ có thể bảo vệ trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên khỏi 16 loại bệnh nguy hiểm. Những loại bệnh này dù đã có vaccine phòng ngừa, song nếu không tiêm vaccine, người bệnh có thể phải nhập viện hoặc thậm chí tử vong khi mắc phải. Tỷ lệ tử vong còn cao hơn đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì sức đề kháng yếu, không đủ sức chống chọi với bệnh tật.
Phòng bệnh cho trẻ bằng vaccine từ khi còn trong bụng mẹ
Khi mang thai, sản phụ gần như "chia sẻ" mọi thứ với em bé. Điều đó đồng nghĩa với việc khi phụ nữ mang thai được tiêm vaccine, họ chỉ cần tự bảo vệ mình. Khả năng miễn dịch từ mẹ cũng được truyền sang cho con, bảo vệ trẻ sơ sinh trong vài tháng đầu đời, khi chúng còn quá nhỏ để tự mình xây dựng khả năng miễn dịch.
CDC khuyến cáo sản phụ nên tiêm vaccine ho và cúm mỗi lần mang thai để giúp bảo vệ bản thân và em bé đang phát triển. Các mẹ bầu cũng nên tham khảo ý kiến và hướng dẫn từ bác sĩ để tiêm phòng an toàn, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Vaccine không chỉ dành cho trẻ em
Bên cạnh trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vaccine còn có tác dụng với cả người lớn, những người có sức khỏe và đề kháng tốt. Với người có bệnh nền, sức khỏe yếu, vaccine càng phát huy tác dụng, giúp họ phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm.
Ngay cả khi bạn đã tiêm tất cả các loại vaccine ngừa bệnh từ lúc nhỏ, khả năng miễn dịch có thể hao mòn theo thời gian. Khi trưởng thành, bạn vẫn có nguy cơ mắc các bệnh khác do tuổi tác, công việc, lối sống, du lịch hoặc tình trạng sức khỏe.
Người lớn mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn (COPD), bệnh tim và tiểu đường có nhiều khả năng bị biến chứng do một số bệnh nhất định. Tiêm phòng là yếu tố quan trọng giúp giữ gìn sức khỏe và phòng tránh những hệ lụy khác.
Thy An (Theo CDC)