Tôi thấy đối tượng mắc bệnh nặng tử vong 9 tuổi, một trường hợp nguy kịch 13 tuổi, vậy cho tôi hỏi có phải độ tuổi này có khả năng mắc bệnh bạch hầu cao hơn không? Những đối tượng nào dễ gặp các biến chứng và dễ tử vong thưa bác sĩ? (Thanh An, Bến Tre)
- Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC: Khi trẻ tiêm ngừa, kháng thể sẽ bảo vệ trẻ trong giai đoạn đầu, tuy nhiên kháng thể sẽ giảm theo thời gian nên trẻ cần tiêm nhắc lại. Ai cũng có thể mắc bệnh bạch hầu vì theo thời gian lượng kháng thể sẽ giảm xuống. Trẻ em 9-15 tuổi tiếp xúc với nhiều người, có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Người lớn nếu nhiễm bệnh bạch hầu cũng có thể tử vong.
Thưa bác sĩ, em 26 tuổi, đang mang thai ở tuần thứ 28. Trước khi mang thai em đã bỏ qua lịch tiêm chủng dành cho phụ nữ sắp mang thai nên giờ rất lo lắng khi thấy dịch bạch hầu bùng phát. Cho em hỏi ở tuần thai này em có thể chích ngừa bạch hầu không ạ? (facebook Trang Linh)
- Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh - Giảng viên bộ môn Miễn dịch - Sinh lý bệnh, Đại học Y Dược TP HCM, Phó giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC: Khi tiêm vaccine, chúng ta sẽ được cung cấp một lượng antitoxin (kháng độc tố bạch hầu trong cơ thể). Người nhạy cảm với vi khuẩn bạch hầu khi lượng antitoxin trong người thấp dưới khoảng 0,01ml đơn vị/ 1 ml máu. Kháng thể càng thấp thì nguy cơ nhiễm bệnh càng cao. Đó là lý do bạn nên tiêm chủng giai đoạn trước hoặc trong giai đoạn mang thai để có lượng antitoxin cao trong cơ thể chống lại ngoại độc tố của bạch hầu và đặc biệt, bạn có thể phòng bệnh cho con khi chào đời chưa đến tuổi tiêm phòng nhận được kháng thể từ mẹ.
Hiện nay theo một số khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CDC và các nước tiên tiến khác thì đối với phụ nữ mỗi lần mang thai đều phải tiêm vaccine phòng bạch hầu. Tại Việt Nam, tại hội Dự phòng, hội Nhi khoa, cũng như hội Sản khoa sắp tới trong tương lai sẽ đưa ra đồng thuận có nên tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván cho nhóm phụ nữ đang mang thai hay không? Trước đây chúng ta chỉ tiêm vaccine uốn ván thôi. Hiện nay có một số vaccine khuyến cáo cho phụ nữ đang mang thai, từ tuần thứ 27 thai kỳ trở đi là có thể tiêm được vaccine phòng bệnh bạch hầu.
Con tôi năm nay 3 tuổi đã tiêm đủ mũi vaccine 6 trong 1 ở VNVC Lê Đại Hành (TP HCM) theo lịch, nay tôi thấy có dịch bệnh xuất hiện thì có cần phải tiêm cho bé nữa hay không? Bé đã tiêm chủng bạch hầu rồi thì có mắc nữa không? Lịch tiêm cụ thể như thế nào nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi. (Hạ Trang)
- Bác sĩ Bạch Thị Chính: Theo lịch tiêm chủng cho trẻ em, 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 16 tháng, mũi nhắc lại lúc 4-6 tuổi, hiện nay nếu trẻ đã tiêm đầy đủ không cần thiết phải tiêm lại. Tuy nhiên, nếu con sống trong vùng dịch, phụ huynh có thể đưa con đi tiêm một mũi. Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC có đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván cho từng đối tượng và từng lứa tuổi. Phụ huynh có thể đưa cả những đứa trẻ đã tiêm chưa đủ lịch, người thân trong gia đình cũng cần tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu vì bệnh nguy hiểm, khả năng tử vong cao và nhanh.
Con tôi được 16 tháng tuổi, sắp tiêm nhắc lại mũi 5 trong 1. Xin bác sĩ cho tôi hỏi, tôi ở Kiên Giang, muốn tiêm chủng cho con ở VNVC thì hệ thống VNVC có trung tâm tiêm chủng nào ở gần khu vực này không ạ?
- Bác sĩ Hiền Minh: Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC có hơn 30 chi nhánh khác nhau, trải dài từ Bắc đến Nam, không chỉ tập trung ở những thành phố lớn mà ở các tỉnh, các địa phương đều có. Hiện nay, VNVC đã có ở Kiên Giang, bạn có thể đưa con đến để tiêm chủng. Ngoài ra, VNVC có tổng đài 028 7300 6595 để tư vấn cho khách hàng về vaccine và lịch tiêm chủng. Khách hàng có thể đặt trước vaccine hoặc tư vấn qua điện thoại lịch tiêm chủng phù hợp.
Nhà tôi có 4 người, tôi năm nay 43 tuổi, chồng 50 tuổi, hai con 8 tuổi và 16 tuổi. Vậy nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi các loại vaccine phù hợp và lịch tiêm cụ thể thế nào. Ở Đồng Tháp muốn tiêm chủng dịch vụ, tôi có thể đến các cơ sở nào? (Mỹ Lan)
- Bác sĩ Bạch Thị Chính: Cả nhà cần tiêm chủng để phòng ngừa bệnh bạch hầu. Ở Đồng Tháp, gia đình có thể đến VNVC Cần Thơ. Lứa tuổi từ 13 tuổi trở lên có thể tiêm vaccine Adacel hoặc Boostrix. Bé 8 tuổi có thể tiêm vaccine Tetraxim, Adacel hoặc Boostrix, lịch tiêm đối với trẻ lớn hoặc người lớn có thể tiêm 1 mũi Adacel hoặc Boostrix, phòng bệnh khoảng 10 năm. Trẻ 8 tuổi có thể tiêm nhắc vào 10 năm sau, căn cứ vào lịch trước đây trẻ tiêm bao nhiêu mũi. Nếu gia đình còn giữ sổ tiêm chủng của bé thì bác sĩ VNVC sẽ tư vấn lịch tiêm cho bé.
Ngoài vaccine phòng bệnh bạch hầu, người lớn cần tiêm những loại vaccine nào? Tôi 35 tuổi, có con 2 tuổi và 8 tuổi.
- Bác sĩ Hiền Minh: Có nhiều loại vaccine cần tiêm cho người lớn. Người lớn nên tiêm vaccine viêm gan B vì Việt Nam có tỷ lệ mắc cao, nếu phụ nữ có dự định mang thai và để bảo vệ con, phụ nữ có thể tiêm sởi, quai bị, rubella, thủy đậu. Bạch hầu và ho gà chưa loại trừ hoàn toàn ở nước ta và vẫn còn gánh nặng bệnh tật trên người lớn nên bạn cũng cần tiêm bạch hầu, ho gà và uốn ván.
Con tôi được 2 tháng tuổi, tôi muốn cho con chích ngừa vaccine 6 trong 1 và uống vaccine phòng tiêu chảy trong một lần có được không. Do tôi ở Mộc Hóa, Long An, gần giáp biên giới, mỗi lần di chuyển lên TP HCM để chích ngừa cho con rất khó khăn nhưng tôi cũng lo con còn bé quá, chích nhiều mũi không biết có sao không? (Thuận Thành, Long An)
- Bác sĩ Hiền Minh: Bé 2 tháng tuổi có thể tiêm vaccine 6 trong 1, tiêm vaccine phế cầu, uống vaccine phòng tiêu chảy do rota virus. Ở độ tuổi này có thể phối hợp vaccine, khi phối hợp tiêm vaccine, ba mẹ sẽ tuân thủ được lịch tiêm cho con tốt hơn. Nếu đưa con đi tiêm phòng nhiều lần, ba mẹ sẽ tốn thời gian, mất chi phí.
Việc phối hợp tiêm nhiều vaccine cho con cùng một thời điểm là cần thiết vì tiêm vaccine càng sớm, trẻ có cơ hội được bảo vệ khỏi các bệnh nguy hiểm. Hiện nay, không có chống chỉ định phối hợp vaccine cho trẻ và bác sĩ sẽ tư vấn cách phối hợp vaccine. Tiêm vaccine phối hợp có nhiều ý nghĩa. Cha mẹ thường lo lắng tiêm nhiều mũi vaccine không biết cơ thể trẻ "chấp nhận" được hay không. Thật ra, hệ miễn dịch của trẻ hàng ngày phơi nhiễm hàng trăm, hàng nghìn kháng nguyên, yếu tố lạ, việc phối hợp vaccine không làm tăng gánh nặng cho trẻ, miễn không ảnh hưởng đến tính an toàn và hiệu lực của vaccine.
Hiện nay đã có trung tâm tiêm chủng VNVC ở Tân An, Long An, anh chị không cần đưa bé lên TP HCM nữa vì tại VNVC Long An cũng có đầy đủ các loại vaccine, quy trình an toàn tiêm chủng với giá bình ổn giống như TP HCM.
Cho em hỏi vaccine bạch hầu cho người lớn có trong chương trình tiêm chủng mở rộng không? Mẹ em năm nay 55 tuổi muốn tiêm vaccine bạch hầu cho người lớn thì có thể tiêm ở đâu ạ? (facebook Lê Hằng)
- Bác sĩ Bạch Thị Chính: Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, mới chỉ ưu tiên chăm sóc sức khỏe trẻ em, người lớn cần chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh. Trường hợp mẹ của bạn có thể đến tiêm chủng tại Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC. Hiện VNVC có đủ vaccine cho trẻ em và người lớn ở hơn 30 trung tâm trên toàn quốc.
Bác cho cháu hỏi bé 3 tuổi, đã hoàn thành 3 mũi 5 trong 1 tiêm chủng mở rộng thì có nên nhắc mũi thứ 4 không ạ? Nhắc bằng mũi 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 dịch vụ được không hay mũi gì ạ? Cháu cảm ơn bác. (Nguyễn Lan)
- Bác sĩ Bạch Thị Chính: Nếu đã tiêm cho bé được 3 mũi, theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ đến tuổi này lẽ ra được tiêm 4 mũi. Đối với tiêm ngừa không thể nói "trễ rồi không tiêm" mà nên bắt đầu sớm nhất có thể. Trong tiêm chủng mở rộng có vaccine là DPT, phụ huynh có thể tiêm cho con ở trạm y tế. Nếu muốn đưa trẻ đi tiêm những vaccine dịch vụ thì có loại Tetraxim, phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt. Trong giai đoạn hiện nay, mẹ nên đưa cháu đi tiêm càng sớm càng tốt.
Người lớn thì nguy cơ mắc bệnh bạch hầu có cao không ạ? Theo tìm hiểu, em biết được có 2 loại vaccine Adacel và Boostrix đều phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, vậy nên tiêm vaccine nào ạ? Người lớn cần tiêm mấy mũi? (Nguyễn Hải An)
- Bác sĩ Bạch Thị Chính: Hiện nay trên thị trường Việt Nam có hai loại vaccine là Adacel và Boostrix. Adacel là vaccine của hãng Sanofi Pasteur được sản xuất tại Canada và Boostrix là vaccine của GSK (Bỉ). Hai vaccine này tên khác nhau nhưng thành phần như nhau, phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà. Theo nghiên cứu của từng vaccine, Adacel tiêm cho trẻ từ 4 tuổi đến người lớn 64 tuổi. Boostrix tiêm cho trẻ 4 tuổi đến người lớn, trên 64 tuổi có thể tiêm được.
Thưa bác sĩ, tôi đã cho con tiêm mỗi lần 2 mũi hoặc uống thêm vaccine nữa, đều thấy ổn không bị sốt gì cả, nhưng nghe có người nói tiêm nhiều mũi thì con sốt nhiều hơn, xin bác sĩ tư vấn là có nên tiêm nhiều mũi vaccine một lần không?
- Bác sĩ Hiền Minh: Có một số phụ huynh cho rằng, khi tiêm nhiều vaccine, con sẽ sốt cao hơn, sưng đau nhiều chỗ hơn, con sẽ khóc, khó chịu nhiều hơn, bỏ ăn bỏ bú. Thực tế, cha mẹ có thể hình dung, vaccine thực chất là kháng nguyên. Mỗi ngày bạn cho con ăn dặm một thức ăn mới tức là bạn đã cho con tiếp xúc với nhiều kháng nguyên khác nhau. Rõ ràng cơ thể của đứa trẻ có thể sẵn sàng tiếp nhận nhiều kháng nguyên khác nhau.
Việc phối hợp nhiều vaccine cho con, thứ nhất, có thể giúp phụ huynh tuân thủ lịch tiêm của con tốt. Thứ hai, cơ hội tiếp cận vaccine của trẻ sẽ sớm hơn và như vậy cơ hội phòng bệnh sẽ sớm hơn. Nếu bạn lo lắng về việc con có thể sốt cao hoặc những phản ứng thông thường sau tiêm chủng thì các bác sĩ tại Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC sẽ tư vấn và giải thích cho bạn, cũng như hướng dẫn bạn cách chăm sóc bé sau tiêm vaccine.
Thưa bác sĩ, với thanh thiếu niên và người lớn mà không rõ lịch sử tiêm chủng thì có nên tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu không ạ và cần tiêm mấy mũi? (Lê Đăng Nhật)
- Bác sĩ Bạch Thị Chính: Nếu bạn đã lớn và quên lịch sử tiêm chủng lúc trước thì hiện nay, bạn có thể bắt đầu lịch tiêm chủng lại. Các bác sĩ của VNVC sẽ hướng dẫn bạn lịch tiêm chủng tiếp theo như thế nào. Đối với vaccine không nói trễ, khi nào bắt đầu được giai đoạn nào sớm nhất thì nên bắt đầu, đừng chờ đợi. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Con em 8 tuổi, lúc trước đã tiêm vaccine 5 trong 1 đủ các mũi, bây giờ đang có dịch, em muốn cho con đi tiêm thì nên tiêm loại nào ạ? Sẵn tiện cho em hỏi người lớn có cần tiêm không ạ và chọn vaccine nào là tốt nhất? (Phạm Bela)
- Bác sĩ Hiền Minh: Trong lịch tiêm chủng của vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bạn sẽ biết rằng lúc nhỏ con của bạn đã tiêm đủ nhưng con vẫn cần có những lịch nhắc. Lịch nhắc dễ nhớ nhất là trước khi vào cấp 1, trước khi vào cấp 2. Khi con 8 tuổi là con đã phải tiêm nhắc vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, sau đó khi con khoảng 15 tuổi, bạn phải tiêm thêm một mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván cho con nữa. Việc tiêm nhắc lại với hệ miễn dịch rất quan trọng, để hệ miễn dịch có thể phản ứng lại với độc tố của vi khuẩn bạch hầu và chống lại vi khuẩn bạch hầu nếu có đợt dịch bệnh bùng phát như hiện nay.
Điều gì sẽ xảy ra khi người lớn chưa được tiêm chủng phòng bệnh? Việc tiêm vaccine phòng bệnh có lợi ích như thế nào thưa bác sĩ? 10 năm trước đã tiêm vaccine ngừa bạch hầu rồi thì giờ có cần phải tiêm lại không? (Phương Tú Huỳnh)
- Bác sĩ Hiền Minh: Với người lớn, những biến chứng trên bệnh bạch hầu thậm chí còn nặng nề hơn. Khi trí nhớ miễn dịch giảm rồi, lượng antitoxin chống độc tố bạch hầu trong máu của bạn giảm thì khả năng bạn rất nhạy cảm với vi khuẩn bạch hầu. Dấu hiệu lâm sàng của bệnh bạch hầu ở người lớn rất mờ nhạt, như vậy bác sĩ sẽ chẩn đoán không đầy đủ nên không điều trị sớm và kịp thời. Người lớn dễ gặp những biến chứng của bệnh bạch hầu, lên tim, hệ thần kinh, thanh quản, thận. Đó là lý do người lớn cũng nên tiêm vaccine bạch hầu.
Có những nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ Antitoxin đủ để bảo vệ trong cộng đồng ở người lớn rất thấp, chỉ 5%, trong khi tỷ lệ đó ở trẻ có thể lên 70-80%. Rõ ràng hệ miễn dịch ở người lớn, tính trí nhớ miễn dịch do tiêm vaccine trước đây đã giảm dần đi, kể cả trường hợp đã bị bạch hầu rồi vẫn nên tiêm lại. Vì yếu tố gây bệnh là ngoại độc tố của vi khuẩn, vaccine giúp chống lại ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu.
Xin hỏi tổng cộng người lớn cần tiêm bao nhiêu loại vaccine? (Vương Quỳnh)
- Bác sĩ Bạch Thị Chính: Nhìn chung vaccine nào trẻ em tiêm được thì người lớn tiêm được, nhưng có một số loại vaccine không cần thiết với người lớn, ví dụ virus rota. Nếu bạn chưa tiêm viêm gan B thì cần tiêm, nếu bạn chưa mắc bệnh thủy đậu, quai bị, rubella và chưa bao giờ tiêm thì nên tiêm. Cúm hàng năm cũng nên tiêm. Nếu các bạn đã ở lứa tuổi trưởng thành, có thể trong quá khứ bạn đã từng tiêm bạch hầu, uốn ván, ho gà nhưng các bạn quên mũi nhắc, giờ cũng nên nhắc lại. Tùy theo lứa tuổi của các bạn, các bác sĩ ở VNVC sẽ hướng dẫn cho các bạn biết bạn nên tiêm những loại vaccine để phù hợp với lứa tuổi của bạn.
- Bác sĩ Hiền Minh: Có một vaccine rất quan trọng với người lớn mà mọi người nên lưu ý thêm là vaccine phòng bệnh do phế cầu khuẩn. Phế cầu hiện nay là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết trong cộng đồng. Với người lớn tuổi thì đó là nguyên nhân gây bệnh lý hô hấp với những biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Một vaccine nữa là vaccine phòng các bệnh lý do não mô cầu khuẩn hoặc vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Người lớn nếu chưa từng tiêm phòng trước đây thì nên cân nhắc đi tiêm.
Thưa bác sĩ, vaccine bạch hầu có đắt không? Nhà tôi muốn tiêm cho cả gia đình 8 người cả trẻ em và người lớn. (Kim Thúy)
- Bác sĩ Hiền Minh: Hiện nay không có vaccine bạch hầu đơn mà thành phần này sẽ nằm trong các vaccine phối hợp. Đối với người lớn, có vaccine phòng cả bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, chi phí cho mũi vaccine này dao động khoảng 800.000 đồng. Bạn có thể tham khảo bảng giá vaccine trên website VNVC. Bạn sẽ tiêm một mũi, nếu trước đây bạn đã hoàn tất chương trình tiêm chủng cơ bản phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván. Nếu bạn không nhớ trước đây bạn đã từng tiêm hoặc trước đây bạn chưa từng tiêm thì bạn nên cân nhắc, khởi động bằng vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván và bạn sẽ phải tiêm 3 mũi chứ không phải một mũi.
Thưa bác sĩ, nhà tôi có bé nhỏ chưa được 2 tháng thì chưa đủ tuổi tiêm phòng bạch hầu, vậy có cách nào phòng sớm cho bé được không? (Hằng)
- Bác sĩ Bạch Thị Chính: Nếu một đứa trẻ chưa được tiêm ngừa thì những người xung quanh đứa trẻ đó phải được tiêm ngừa. Nếu những người xung quanh, ông bà, cha mẹ họ hàng đã tiêm ngừa và không mắc bệnh sẽ là "cái màng" bảo vệ đứa trẻ, như tổ kén. Vì vậy, nếu bé nhỏ quá chưa tiêm được thì phụ huynh, những đứa trẻ trong gia đình sống xung quanh nên đi tiêm ngừa.
Có phải người càng lớn tuổi và có bệnh lý nền thì càng có nguy cơ mắc bệnh cao không ạ? Ông em năm nay 60 tuổi rồi, bị tiểu đường, không nhớ rõ lúc trước đã tiêm ngừa bạch hầu chưa thì có thể tiêm vaccine phòng bệnh không ạ? (Hồng Nhiên)
- Bác sĩ Hiền Minh: Với người lớn tuổi, chúng ta cần xem xét hai yếu tố. Thứ nhất, nếu họ tiêm vaccine trước đây nhưng bây giờ trí nhớ miễn dịch kém đi nên bạn phải tiêm để nhắc, nhớ lại miễn dịch. Thứ hai, với người lớn tuổi, hệ miễn dịch yếu hơn so với thời trẻ, nhạy cảm hơn với vi khuẩn, virus ở bên ngoài. Đó là lý do nên chủ động tiêm phòng vaccine cho người lớn tuổi.
Đối với vaccine bạch hầu hiện nay trong thành phần phối hợp vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván thì không giới hạn độ tuổi. Có những vaccine có thể tiêm cho những người trên 64 tuổi, vì vậy hãy đưa ông đi tiêm ngừa vaccine và lưu ý, đối với độ tuổi này, ngoài vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván nên tiêm cả cho ông vaccine phòng bệnh phế cầu, vaccine phòng bệnh do não mô cầu khuẩn và vaccine cúm hàng năm.
Thưa bác sĩ, bé nhà em 16 tháng tuổi, đã tiêm 3 mũi vaccine 5 trong 1. Giờ sắp đến lịch tiêm nhắc mũi thứ 4, nhưng em muốn đổi sang tiêm vaccine 6 trong 1 (Infanrix Hexa, Hexaxim) cho bé thì có được không ạ? Em nên tiêm phòng ở đâu để hạn chế nguy cơ bé bị phản ứng sau tiêm? (Hoa Hồng)
- Bác sĩ Bạch Thị Chính: Bạn có thể thay đổi được vaccine nếu trước đây bạn tiêm cho bé 5 trong 1. Bây giờ bạn cũng có thể cho bé tiêm 6 trong 1. Vấn đề phản ứng sau tiêm thì đối với bất kỳ đối tượng nào, phản ứng sau tiêm đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, với hệ thống tiêm chủng VNVC, chúng tôi chuẩn bị rất kỹ để phòng tránh những trường hợp phản ứng sau tiêm, ví dụ khám tư vấn sàng lọc kỹ, và theo dõi 30 phút sau tiêm tại ngay điểm tiêm. Chúng tôi cũng hướng dẫn các bạn về nhà theo dõi ít nhất là 24 giờ đồng hồ, hướng dẫn phát hiện những triệu chứng nào có thể chăm sóc ở nhà, những triệu chứng nào nên đến bệnh viện.
Con em đang tiêm 6 trong 1 của Bỉ, nay muốn tiêm mũi 6 trong 1 nhắc lại. Cho em hỏi có tiêm vaccine 6 trong 1 đồng thời với vaccine thủy đậu, viêm não mô cầu được không ạ? (Nga Nguyen)
- Bác sĩ Bạch Thị Chính: Những điều đó đều được. Các chuyên gia khuyến cáo trẻ có thể tiêm nhiều mũi vaccine cùng một lúc. Nếu lứa tuổi của đứa trẻ có những loại vaccine đúng theo lứa tuổi đó cần phải tiêm thì chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn cho các bạn, sẽ chia lịch cho các bạn tiêm như thế nào để đứa trẻ được bảo vệ một cách sớm nhất. Trong trường hợp con bạn vừa tiêm 6 trong 1, vừa tiêm thủy đậu, viêm não mô cầu đều được.
Nhà em có một bé 3 tuổi đã tiêm đầy đủ các loại vaccine rồi. Bà nội 62 tuổi có tiền sử tiểu đường. Con em có cần tiêm phòng bạch hầu lại không? Bà nội có tiêm phòng bạch hầu được không và nên tiêm loại nào?
- Bác sĩ Bạch Thị Chính: Trẻ em và người già là hai đối tượng nên tiêm phòng vaccine. Đối với bé 3 tuổi, bạn nên coi lại lịch sử tiêm chủng trước đây của con. Con có thể đã hoàn tất 4 mũi tiêm chủng bạch hầu, ho gà, uốn ván rồi. 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 16-18 tháng có khi con đã tiêm nhắc lại. Lịch tiêm tiếp theo mẹ nên để dành đến khi con 4 đến 6 tuổi. Bà nội nói riêng và những người lớn tuổi có những bệnh lý nền mãn tính là nhóm đối tượng cần ưu tiên tiêm phòng vaccine, trong đó có vaccine bạch hầu ho gà uốn ván.
Tôi bị tiểu đường tuýp 2, năm nay tôi 36 tuổi có nên tiêm vaccine bạch hầu không. VNVC có chi nhánh ở Nam Định không? (Vân Linh)
- Bác sĩ Hiền Minh: Hiện nay VNVC đã có chi nhánh tại Nam Định. Bệnh lý tiểu đường không chống chỉ định với tiêm vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván. Các bác sĩ VNVC sẽ khám sàng lọc cho bạn dựa trên lịch sử tiêm chủng và lịch sử bệnh của bạn để tư vấn vaccine phù hợp.
Em muốn đưa cả nhà đi tiêm phòng bạch hầu, nhà em có 2 vợ chồng 35 tuổi, con 5 tuổi, ông 62 tuổi. Em tìm hiểu thì thấy có vaccine Adacel phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bác sĩ cho em hỏi vaccine tiêm cho người từ bao nhiêu tuổi trở lên? Cả nhà em đều tiêm được loại này không ạ? Có cần đặt lịch trước không? Em muốn tiêm ở VNVC Đồng Nai. (Thu Phương)
- Bác sĩ Hiền Minh: Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC có đủ vaccine phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà dành cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến người lớn. Bạn có thể yên tâm gọi điện thoại trên đường dây nóng của VNVC đặt lịch trước để phù hợp với VNVC Đồng Nai.
Bé nhà em được 4 tháng tuổi, mới tiêm 2 mũi vaccine 6 trong 1, còn 2 mũi nữa mới đủ lịch tiêm thì có đủ để bảo vệ bé khỏi bệnh bạch hầu hay không? (Trần An Tâm)
- Bác sĩ Bạch Thị Chính: Tiêm vaccine cần đủ lịch, đúng thời gian. Hiện nay, trẻ em cần tiêm chủng đúng thời gian - 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng tuổi. Con của bạn đến 4 tháng tuổi mới có hai mũi thì 5 tháng tuổi nên cố gắng tiêm vaccine để "đuổi kịp", có kháng thể phòng bệnh tốt hơn. Bạn nên đưa bé đi tiêm ngừa, đừng chần chừ nữa. Giai đoạn này mà bạn có thể bắt đầu được sớm thì nên đưa bé đi tiêm ngừa.
Vì sao người lớn có bệnh nền, bệnh mãn tính lại cần tiêm vaccine nhiều hơn người khác ạ? (Hường, TP HCM)
- Bác sĩ Bạch Thị Chính: Nếu ông bà, cha mẹ có bệnh lý nền tức hệ miễn dịch đã bị suy yếu. Chính vì vậy, tác nhân gây bệnh ở bên ngoài sẽ tấn công đối tượng này nhiều hơn. Vaccine là những kháng nguyên - vi trùng chết hoặc virus giảm độc lực được đưa vào trong cơ thể để kích thích cơ thể sinh ra đáp ứng miễn dịch và đáp ứng miễn dịch này sẽ đóng vai trò là "binh lính" phòng thủ rất tốt cho những người có bệnh lý nền. Khi đối tượng này tiếp xúc với mầm bệnh thực thụ, lợi ích của vaccine giúp tạo ra kháng thể để họ tránh được bệnh hiệu quả hơn.