Chính phủ Anh vừa cho biết sẽ là quốc gia đầu tiên được cấp quyền sản xuất loại vaccine đang được phát triển tại Đại học Oxford, trong trường hợp ứng viên đó được chứng minh thành công trong các thử nghiệm lâm sàng.
Vào tháng 4, Đại học Oxford công bố rằng họ đã ký một thỏa thuận cấp phép với AstraZeneca. Thỏa thuận này xác nhận AstraZeneca là nhà sản xuất, phân phối vaccine trên toàn cầu trong thời gian tới.
Tại thời điểm đó, AstraZeneca cho biết các nhà khoa học ở Viện Jenner và Nhóm nghiên cứu vaccine Oxford dự kiến công bố hiệu quả ngừa bệnh của vaccine Covid-19 vào tháng 7. Đây là loại vaccine từng được nhóm nghiên cứu này đưa vào thử nghiệm trên người ngày 24/4.

Các chuyên gia dự đoán vaccine Covid-19 có thể sẵn sàng vào tháng 9. Ảnh: Sky.
Hầu hết các chuyên gia dự đoán rằng sẽ mất từ 12 đến 18 tháng để vaccine hoàn thiện và được tung ra thị trường. Bộ trưởng Kinh doanh Anh Alok Sharma chia sẻ trong cuộc họp báo ngày 17/5 rằng chính phủ Anh đã tài trợ 79 triệu USD cho dự án nghiên cứu vaccine nCoV của quốc gia này. Đồng thời, ông cũng cho biết tập đoàn y tế AstraZeneca sẽ là đơn vị sản xuất 30 triệu liều vaccine cho người dân Anh vào tháng 9, nếu thử nghiệm đã thành công.
Triển khai sản xuất 30 triệu liều vaccine đầu tiên vào tháng 9 là một phần trong thỏa thuận giữa AstraZeneca với chính phủ về việc cung cấp 100 triệu liều trên phạm vi toàn nước Anh.
Một số quốc gia đã thể hiện lo ngại xung quanh việc nghiên cứu vaccine và phương pháp điều trị Covid-19. Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ tài sản chủ quyền của Nga, chia sẻ với CNBC vào tuần trước, một số quốc gia coi đó là một cuộc chạy đua vũ trang. Ông còn nói thêm, việc phát triển bất kỳ phương pháp điều trị tiềm năng nào đều cần có sự hợp tác quốc tế.
"Việc phát triển một loại vaccine ngừa bệnh mới là nỗ lực của cả thế giới, không quốc gia nào được ưu tiên nghiên cứu vaccine Covid-19 cả", một vị quan chức từ cơ quan y tế Đức nói.
Paul Hudson, Giám đốc điều hành công ty dược phẩm Pháp Sanofi từng chia sẻ với Bloomberg, Mỹ là một trong những quốc gia có quyền đặt mua loại vaccine nCoV tiềm năng nhất vì họ đã đầu tư và chấp nhận rủi ro. Sau phát biểu của Hudson, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã lên tiếng ngay vào ngày 14/5 rằng "sẽ không có bất cứ thương lượng nào về việc tiếp cận vaccine mới".
Mặt khác, các chuyên gia không quên cảnh báo rằng ngay cả khi vaccine nCoV được chứng minh hiệu quả và hoàn thiện, việc phân phối đủ liều cho dân số toàn cầu vẫn là thách thức lớn.
Pascal Soriot, Giám đốc điều hành AstraZeneca cho biết công ty đang làm việc để thiết lập thỏa thuận đồng cung cấp vaccine với các quốc gia và các tổ chức đa phương khác. Việc làm này giúp đảm bảo sự tiếp cận công bằng cho tất cả quốc gia trên thế giới.
Đại diện AstraZeneca cũng tiết lộ thêm công ty đang hợp tác với một số đối tác để thiết lập một chuỗi cung ứng trong thời gian kỷ lục. Chuỗi cung ứng này cho phép công ty phân phối vaccine trên toàn cầu mà không có lợi nhuận trong suốt thời gian xảy ra đại dịch.

Thử nghiệm lâm sàng vaccine nCoV dự kiến bước sang giai đoạn ba trong tháng 5. Ảnh: CNN.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba vaccine Oxford dự kiến bắt đầu tại Mỹ vào cuối tháng 5 này và sẽ có kết quả vào khoảng cuối mùa hè. Song, phát ngôn viên của AstraZeneca không quên nhấn mạnh rằng họ không thể đảm bảo về mức độ thành công của vaccine.
"Phát triển vaccine có thể mất nhiều năm và chúng tôi đang cố gắng thực hiện việc này trong vòng chưa đầy 9 tháng, một thời gian kỷ lục. Đây là nỗ lực lớn và phức tạp với quy mô sản xuất lên tới hàng trăm triệu liều. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức và hy vọng quá trình diễn sản xuất diễn ra an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên vẫn phải đợi kết quả thử nghiệm lâm sàng", đại diện AstraZeneca chia sẻ.
Thy An (Theo CNBC)