"Giá thị trường quốc tế cho một mũi tiêm Sputnik V sẽ thấp hơn 10 USD", đại diện Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), cho biết hôm 24/11. "Như vậy, Sputnik V sẽ rẻ hơn, chưa bằng một nửa giá của sản phẩm nước ngoài dựa trên công nghệ mRNA, với hiệu quả tương tự. Công dân Nga được tiêm vaccine miễn phí".
Tuyên bố dường như nhắm đến các ứng viên từ hãng dược đối thủ là Pfizer và Moderna. Vài tuần trước, các công ty đã báo cáo vaccine của họ hiệu quả đến 95%.
Pfizer dự kiến bán vaccine với giá khoảng 19,5 USD một mũi tiêm, giá Moderna đưa ra 25-37 USD, tùy thuộc số lượng đặt hàng. Vaccine từ cả ba hãng đều cần tiêm liều hai mũi.
Sau tin tức lạc quan, thế giới nhanh chóng chuyển hướng chú ý sang tính thực tiễn của chương trình phân phối, các chi phí và khâu hậu cần liên quan. RDIF cho biết đã ký kết hợp đồng với các công ty dược phẩm hàng đầu, có kế hoạch sản xuất đủ vaccine cho 500 triệu người mỗi năm, bắt đầu từ năm 2021. Như vậy, Quỹ cần cung ứng một tỷ mũi tiêm vaccine.
Pfizer dự kiến ra mắt 1,3 tỷ mũi vaccine trong năm sau. Moderna đang sản xuất 500 triệu đến một tỷ mũi. Hôm 23/11, AstraZeneca cho biết hãng đạt tiến độ nhanh chóng vượt trội, năng suất là 3 tỷ mũi tiêm trong năm 2021. Vaccine được sản xuất cuốn chiếu trong khi chờ phê duyệt theo quy định.
Giá bán của vaccine phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm thời gian điều chế, năng lực sản xuất, quá trình đệ đơn phê duyệt, nhu cầu y tế, sự hiệu quả và sức cạnh tranh.
Sputnik V là vaccine đầu tiên trên thế giới được phê duyệt khẩn cấp trước khi thử nghiệm giai đoạn ba. Điều này khiến một số chuyên gia quốc tế hoài nghi về độ an toàn và hiệu quả của sản phẩm. Đến nay, Viện Gamaleya chưa công bố bất cứ dữ liệu nào về thử nghiệm lâm sàng. RDIF cho biết sẽ công bố "trên một trong những tạp chí y tế uy tín hàng đầu quốc tế", song không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Vaccine của Nga dựa trên công nghệ vector đưa mã gene virus vào cơ thể, được bác sĩ ví như dùng tên lửa đẩy vệ tinh Sputnik vào không gian. Cơ chế của nó là sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.
Thục Linh (Theo CNBC)